Cơ hội cho giới trẻ tiếp cận các vở kịch kinh điển
Liên tiếp trong thời gian hai tháng trở lại đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho công diễn nhiều vở kịch, trong đó có vở 'Mặc cha sự đời' (hay 'Ả cave nhà hàng Maxim'). Đây là một vở kịch nguyên tác của Pháp và đã được công diễn nhiều lần. Đây cũng là dịp để nhiều khán giả trẻ tiếp cận được các vở kịch kinh điển.
"Ả cave nhà hàng Maxim" được lấy từ nguyên tác "La Dame de chez Maxim" - một kiệt tác của nhà viết kịch người Pháp thế kỷ 19 Georges Feydeau. Với bối cảnh là xã hội thượng lưu Pháp, nên sân khấu Nhà hát tại Việt Nam cũng rực rỡ váy áo của tầng lớp quý tộc châu Âu thế kỷ 19, những đồ vật và trang phục đậm chất quý tộc làm cho người xem thích thú.
Những người nữ quý tộc Pháp với váy áo, mũ đội đầu, giày dép được các diễn viên vận trên mình đã cũng làm cho người xem hiểu được thêm phần cuộc sống của xã hội thượng lưu châu Âu, một điều mà giới trẻ hiện nay nếu không bỏ công tìm hiểu thì có thể cảm thấy xa lạ.
Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện về một cô gái ca ve ở tiệm rượu Maxim với điệu nhảy tục tĩu, trong một tình huống ngặt nghèo bỗng trở thành hình mẫu và thần tượng cho giới quý tộc.
Tác phẩm bắt đầu khi bác sĩ Petypon tỉnh dậy sau đêm say tại nhà hàng Maxim, ông bàng hoàng phát hiện ả cave Crevette nằm trên giường ngủ của mình. Trong lúc Petypon tìm cách giải quyết, vợ ông - bà Gabrielle - vào phòng và nhìn thấy chiếc váy cắt xẻ quyến rũ của Crevette trên bàn. Tuy nhiên bà không hề nghi ngờ, cho rằng đó là váy mà tiệm may gửi đến cho bà.
Vì không có trang phục để thay, cô gái không rời khỏi nhà Petypon. Mọi chuyện dần trở nên rắc rối khi đại tướng - ông Petypon - từ châu Phi đến Pháp, ghé nhà cháu để mời dự đám cưới con nuôi. Bắt gặp vũ nữ, ông nhầm tưởng đó là cháu dâu, khen ngợi Petypon lấy được vợ xinh đẹp, duyên dáng và mời cô về lâu đài Tuaren đóng thế vai người vợ quá cố của ông trong ngày cưới con gái. Tình huống khiến Petypon phải nói dối vợ rằng có ca phẫu thuật quan trọng, sau đó cùng vũ nữ đến Tuaren.
Tại Tuaren, cô cave dần lộ bản chất ngổ ngáo, thất học; liên tục dùng ngôn từ thô thiển, hành động phản cảm. Đối diện mọi vấn đề, Crevette chỉ nói, "Ôi dào, mặc cha cái sự đời", kết hợp hành động vén váy, đá chân, đánh vào hông rồi cười lớn.
Tuy nhiên, những vị khách ở đám cưới lại lầm tưởng đó là phong cách mới của người Paris, bèn ra sức học theo, mong được trở thành người thời thượng. Khi không thể đá chân cao hay lắc hông quyến rũ như cô, họ bị quan khách cười chê vì chưa thể hiện được phong thái Paris.
Ngoài ra, vở kịch phơi bày những dối trá trong tình yêu, hôn nhân. Bác sĩ Petypon liên tục lừa dối vợ. Khi vợ tìm đến Tuaren, ông tiếp tục tìm cách đánh lạc hướng bà để lấp liếm sai trái. Bạn thân của Petypon cũng ra sức giúp đỡ ông che giấu tội lỗi với vợ.
Bên cạnh đó, Đại tướng si mê vẻ đẹp của Crevette nên thường xuyên có hành động thân mật với cô. Crevette cũng bất chấp đạo đức, quyến rũ bất kỳ người đàn ông nào mà cô thích tại lâu đài Tuaren.
Có lẽ phần cuốn hút nhất là trung tâm vở kịch, nơi diễn ra đám cưới, ở đó xuất hiện những người phụ nữ Pháp… Những quý bà châu Âu ăn mặc lộng lẫy, đứng dàn hàng ngang ngúng nguẩy, lao xao…, mỗi bà đều tiến lên và cố gắng thể hiện mình được giống nhất hành động của cô vũ nữ, thể hiện rõ những rởm rít, học đòi và ghanh tị. Họ thấy cô gái cave, nhưng lại tưởng là một hình mẫu phụ nữ Paris nên ra sức học đòi. Các bà các chị xuất hiện trên sân khấu bỗng chốc ai cũng như ai, cũng lắc hông và vén váy, giậm chân và đồng thời buông một câu "Mặc cha cái sự đời" theo lời của cô gái cave, khiến sân khấu đầy ắp khán giả được những trận cười sảng khoái.
Có lẽ sự sâu cay, châm biếm cùng với những chi tiết hài hước, dí dỏm đã làm nên sự thu hút của vở kịch. Mặc dù bối cảnh kịch ở tận châu Âu xa xôi, nhưng nói được tái hiện lại trên sân khấu kịch ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi mà ai cũng ao ước được một lần bước chân vào, bởi sự hấp dẫn của lối kiến trúc cũng như sự sang trọng của nhà hát. Các hàng ghế ngồi được xếp thành hình chữ U và có nhiều tầng, nhưng các vị trí khuất và xa vẫn kín khán giả.
Vở diễn đã diễn nhiều đêm, nhưng hầu như đêm nào cũng bán hết vé, thậm chí "cháy vé". Một khán giả là chị K.L cho biết, chị có 2 con ở lứa tuổi 15-17, nếu để tự nhiên, các cháu sẽ thích những TikTok, YouTube trên mạng. Nhưng để gắn kết thế hệ và để con hiểu thêm về kịch nghệ, cũng như về các vấn đề xã hội, chị thường mua vé cho cả gia đình đi xem. Và đúng như mong muốn của chị, hai đứa con khi xem xong kịch đều bày tỏ sự thích thú. Ở lần đi trước, khi xem vở "Ông không phải là bố tôi" của kịch tác gia Lưu Quang Vũ, chị đã phải thuyết phục con trai 15 tuổi của mình, nhưng đến lần thứ hai, khi cháu đã hiểu được giá trị của những vở kịch, thì chị không phải thuyết phục nữa. Lần này là vở kịch về xã hội châu Âu cổ, không những chỉ hiểu nội dung vở kịch, cháu còn biết thêm về văn hóa, đời sống châu Âu thời đó qua trang phục, đồ dùng gia đình, mà ở tuổi của cháu cũng chưa tự tìm hiểu.
Có mặt trong những dòng người đến Nhà hát Lớn, rất nhiều người lớn tuổi bận áo dài đi xem kịch. Những người phụ nữ đứng tuổi mặc áo dài nắm tay nhau đi nhà hát vào buổi tối mà trời Hà Nội lành lạnh như thế này, trong một không gian đẹp như Nhà hát Lớn, lại được thưởng thức món ăn tinh thần, thì không có gì hạnh phúc hơn.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/co-hoi-cho-gioi-tre-tiep-can-cac-vo-kich-kinh-dien-i753178/