Cơ hội cho DN Việt xuất khẩu sang Thụy Điển, Ấn Độ

Thụy Điển hiện có nhu cầu kết nối với doanh nghiệp Việt trên lĩnh vực thực phẩm khô, ăn liền và thị trường Ấn Độ đang rất có tiềm năng để nông sản, thực phẩm Việt được quảng bá và mở rộng xuất khẩu…

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công Thương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công Thương.

Theo Vụ Thị trường, Bộ Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm Á châu tại Thụy Điển hiện cần mua các mặt hàng: phở bò, hủ tiếu nam vang, phở gà, bánh đa cua Hoàng Gia; mì ăn liền vị bò, sườn, spagheti Omachi; cà phê hòa tan 3 trong 1, hộp 20 gói Trung Nguyên; mì ăn liền tôm chua cay, gà vàng Hảo Hảo; mì ăn liền túi giấy Miliket; mì ăn liền vị bỏ, mì gạo khô Xưa và Nay; tương ớt, nước tương tỏi ớt Chinsu; bột canh Vifon; mì trứng loại đặc biệt Safoco.

Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nói trên có nhu cầu xuất khẩu sang Thụy Điển có thể liên hệ với Thương vụ (se@moit.gov.vn) trước ngày 28/2/2020. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã xuất khẩu sang thị trường EU và Hoa Kỳ sẽ được ưu tiên.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp Thụy Điển cũng có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như bún, miến, phở khô (bún bò huế khô loại 1,9 mm, bánh hỏi khô, hủ tiếu dai loại 3 mm, mì hoành thánh khô), bột khô (bột bánh canh, bột bánh cuốn, bột khoai), bột thạch và thạch rau câu (bột sương sáo đen và trắng, thạch rau câu nước dừa, thạch rau câu vị khoai môn), ô mai/mứt (cóc chua ngọt, xoài sấy, chanh muối), cà pháo ngâm muối ớt, nước màu dừa (nước hàng), bánh tráng vừng đen, vừng trắng, măng tươi, đậu đỏ hạt nhỏ, đậu trắng, bánh xốp trà xanh.

Cùng với thị trường Thụy Điển, thị trường Ấn Độ cũng đang rất có tiềm năng cho doanh nghiệp nông sản Việt.

Nhân dịp Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Ấn Độ (từ ngày 11 đến ngày 14/2), Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội liên quan để thúc đẩy xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho nông thủy sản Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc.

Lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI).

Tại buổi làm việc với đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) chiều 12/2, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long và cá ba sa (Thanh long là trái cây duy nhất của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào Ấn Độ. Ấn Độ là nước xuất khẩu thủy sản và trong các loại thủy sản, đến nay, mới chỉ có cá basa là có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ). Các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, do dịch bệnh tại Trung Quốc bùng phát, việc tiêu thụ các mặt hàng này của Việt Nam đang gặp khó khăn.

Thứ trưởng đã đề nghị Hiệp hội hỗ trợ xúc tiến, quảng bá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ biết và tăng cường tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và cá ba sa nhằm hỗ trợ nông dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Đối với lĩnh vực dệt may, da giày, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị phía Ấn Độ xem xét hỗ trợ giải quyết khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế và tạm dừng hoạt động nhiều nhà máy.

Để thúc đẩy thương mại song phương cũng như vì lợi ích người tiêu dùng Ấn Độ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Hiệp hội các nhà nhập khẩu Ấn Độ có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ để chấm dứt các biện pháp hạn chế thương mại như đã áp dụng đối với hạt tiêu, điều và hương nhang của Việt Nam cũng như không sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong tương lai để không làm ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp và kim ngạch thương mại giữa hai nước, hướng tới đat mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đã dành nhiều thời gian quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông thủy sản, trái cây tươi của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long và cá ba sa.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã đến thăm chuỗi cửa hàng bán lẻ của Tập đoàn Mother Dairy với doanh số bán hàng trên 2 tỷ USD/năm để trao đổi về cơ hội đưa các mặt hàng trái cây, nông sản của Việt Nam vào hệ thống trên 1200 cửa hàng bán lẻ trong đó có hơn 400 cửa hàng chuyên bán trái cây tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Đức Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/doanh-nhan-doanh-nghiep/co-hoi-cho-dn-viet-xuat-khau-sang-thuy-dien-an-do-7095.html