Cơ hội cho các ngân hàng yếu kém

Nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội thông qua trong kỳ họp đang diễn ra, các ngân hàng yếu kém sẽ đứng trước cơ hội phục hồi rất lớn từ những biện pháp hỗ trợ chưa từng được áp dụng trước đây.

Sau những sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng khiến cả những cán bộ NHNN cũng bị truy tố, NHNN có lẽ đã rút ra được nhiều bài học cho chức năng kiểm soát của mình. Ảnh: T.L

Ngân hàng yếu kém đang khó trăm bề

Vấn đề tài chính của các ngân hàng yếu kém nhìn chung xoay quanh câu chuyện nợ xấu và tình trạng lỗ lũy kế. Vì chất lượng tín dụng kém và tài sản bảo đảm không đủ nên các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức cao, gây nên các khoản lỗ lớn làm vốn chủ sở hữu giảm, thậm chí là âm vốn chủ sở hữu.

Nhưng tác động của nợ xấu không dừng ở đó. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng tiếp tục phải chi trả lãi huy động để có nguồn vốn cân đối với các tài sản không sinh lời này. Chi phí vốn cho nợ xấu và khoản phải thu khó đòi phát sinh từng ngày, làm cho tình trạng lỗ lũy kế ngày càng nghiêm trọng hơn.

Để giải quyết bài toán tài chính, các ngân hàng yếu kém phải thực hiện tốt cả hai việc: xử lý nợ và phát triển kinh doanh. Trước hết, các ngân hàng này phải tập trung xử lý các tài sản không sinh lời để thu hồi vốn và hoàn nhập dự phòng rủi ro. Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy công tác thu hồi nợ không hề đơn giản. Thậm chí nhiều khoản nợ xấu và khoản phải thu không có tài sản để thu hồi. Đối với các khoản nợ có tài sản bảo đảm, nếu ngân hàng thu hồi đủ nợ gốc và lãi trong hạn đã là đáng mừng. Các khoản lãi quá hạn đa phần được miễn giảm, nên các khoản lỗ do chi phí vốn nói ở trên hầu như không thể bù đắp. Do đó, bên cạnh thu hồi nợ thì việc gia tăng thu nhập từ kinh doanh cũng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, uy tín của các ngân hàng yếu kém bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhân sự biến động, tâm lý của các nhân viên không ổn định. Việc phát triển kinh doanh vì thế trở nên khó khăn hơn nhiều.

Sẽ có nguồn thu lớn từ... Ngân hàng Nhà nước

Sau những sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng khiến cả những cán bộ NHNN cũng bị truy tố, NHNN có lẽ đã rút ra được nhiều bài học cho chức năng kiểm soát của mình.

Trọng tâm trong các biện pháp hỗ trợ được quy định trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và TCTD hỗ trợ sẽ cùng tạo ra... lợi nhuận cho ngân hàng yếu kém. Theo đó, ngân hàng yếu kém thực hiện phương án phục hồi hoặc ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc sẽ được NHNN cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0%. Các ngân hàng này cũng được nhận tiền gửi hoặc vay từ TCTD hỗ trợ với lãi suất ưu đãi.

Không chỉ có vậy, ngân hàng yếu kém còn được mua nợ và trái phiếu doanh nghiệp do TCTD hỗ trợ nắm giữ (đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN). Nghĩa là sau khi cung cấp nguồn vốn đầu vào, TCTD hỗ trợ cũng “tặng” luôn nguồn đầu ra cho ngân hàng yếu kém.

Cũng là nghiệp vụ huy động và cho vay nhưng công việc của ngân hàng yếu kém trong quy trình hỗ trợ nêu trên khá đơn giản mà lợi nhuận lại rất cao.

Tất cả lợi nhuận của ngân hàng yếu kém phát sinh theo quy trình hỗ trợ nói trên đều có nguồn gốc từ NHNN. Giá cả của tiền chính là lãi suất. Việc NHNN cho vay đặc biệt, cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% thực chất là đang cung cấp miễn phí nguyên liệu đầu vào cho các ngân hàng. Đối với TCTD hỗ trợ, NHNN cũng sẽ bù đắp phần thu nhập bị giảm (do bán nợ) và chi phí phát sinh (do cho ngân hàng yếu kém vay với lãi suất ưu đãi) bằng cách cho TCTD hỗ trợ vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0% và giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Kỳ vọng tạo đà phục hồi

Quy trình hỗ trợ nêu trên sẽ tạo ra lợi nhuận nhanh chóng cho ngân hàng yếu kém, nhưng kỳ vọng về sự lan tỏa có lẽ còn nhiều hơn thế.

Với hai nguồn cung vốn giá rẻ từ NHNN và TCTD hỗ trợ, ngân hàng yếu kém sẽ giảm đáng kể áp lực huy động và còn có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn về lãi suất cho vay (do lãi suất đầu vào thấp). Đây là tiền đề quan trọng để các ngân hàng yếu kém tập trung nguồn lực phát triển khách hàng tín dụng và các hoạt động dịch vụ để gia tăng thu nhập, thay vì loay hoay huy động vốn lãi suất cao để đảm bảo thanh khoản, chi “lãi trong, lãi ngoài” và đi vào vòng luẩn quẩn như trước đây.

Nghiệp vụ mua nợ từ TCTD hỗ trợ không chỉ đơn thuần là việc chuyển thu nhập lãi vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác mà còn là chuyển giao khách hàng. Đối tượng khách hàng được chuyển giao gần như chắc chắn sẽ là các khách hàng/nhóm khách hàng lớn đem lại thu nhập cao cho ngân hàng. Bằng nỗ lực phục vụ các khách hàng này một cách tốt nhất, ngân hàng yếu kém có cơ hội cung cấp thêm dư nợ cho vay và các dịch vụ khác. Đồng thời, từ việc phục vụ một khách hàng, ngân hàng yếu kém sẽ có cơ hội tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới là đối tác, nhà cung cấp, khách hàng của khách hàng. Những thuận lợi này, đối với một ngân hàng thông thường, có khi chi nhiều tiền cũng chưa chắc có được.

Một tác động mang tính “toàn cục” khác đến ngân hàng yếu kém là uy tín của các ngân hàng này chắc chắn sẽ được cải thiện nếu sự hỗ trợ từ NHNN và TCTD hỗ trợ được luật hóa. Niềm tin vào sự phục hồi gia tăng với hai “ông lớn” đứng sau sẽ giúp ngân hàng yếu kém dễ dàng tiếp cận khách hàng và đối tác hơn, đặc biệt là khách hàng tiền gửi và các đối tác là TCTD nước ngoài. Bên cạnh đó, nhân viên của ngân hàng yếu kém cũng sẽ vững tin hơn, tập trung vào công việc thay vì tâm lý hoang mang vì không rõ tương lai của tổ chức mà mình đang làm việc.

Nhưng...

Với sự hỗ trợ từ NHNN và TCTD nếu hoạt động của ngân hàng yếu kém đi đúng theo phương án đã được phê duyệt thì khả năng phục hồi là rất cao. Tuy nhiên, thực tế thì luôn sinh động và phức tạp hơn nhiều so với kế hoạch.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng yếu kém để tăng nhanh thu nhập là một nhu cầu bức thiết. Nhưng tăng trưởng tín dụng sẽ đi kèm với rủi ro nợ xấu mới phát sinh, nhất là trong điều kiện chất lượng thẩm định, quản lý tín dụng của đa số ngân hàng yếu kém đều chưa tốt. Ngoài ra, cũng không thể không kể đến rủi ro các ông chủ và ban điều hành mới của ngân hàng tiếp tục “xoay xở” để cho vay công ty sân sau hay thực hiện các hành vi trục lợi. Việc phòng ngừa, quản lý tất cả những rủi ro ấy hiện cũng chỉ có thể trông cậy vào chức năng kiểm soát của NHNN. Nếu kiểm soát không hiệu quả, mọi nỗ lực hỗ trợ đều có thể đổ sông đổ biển và tiền cho các ngân hàng yếu kém vay sẽ không thể thu hồi. Đây chính là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội trong kỳ họp hiện tại.

Phong Hiếu

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265276/co-hoi-cho-cac-ngan-hang-yeu-kem.html