Cơ hội chinh phục thị trường khó tính

Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-Newzeland (AANZFTA), các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Đối với Việt Nam, Australia và New Zealand là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép... Đây cũng là những mặt hàng phần lớn đều sẽ được cắt giảm các dòng thuế về 0%. Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường này cũ

Thanh long sang Úc, thêm triển vọng cho nông sản Việt.

Theo lộ trình Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Australia - Newzeland (AANZFTA), đến năm 2018, Australia sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa và 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0% từ năm 2020. Giới chuyên gia đánh giá, AANZFTA mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia, song thực tế đây không phải là thị trường dễ tính.

Mở ra những cơ hội

Theo Hiệp định AANZFTA, các nước thống nhất cắt giảm từ 90-100% tổng số các dòng thuế theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020. Riêng đối với Việt Nam, Australia và New Zealand là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều mặt hàng thế mạnh như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép... Đây cũng là những mặt hàng phần lớn đều sẽ được cắt giảm các dòng thuế về 0%.

Thống kê từ Bộ Công thương cho biết, sau gần 7 năm thực thi Hiệp định AANZFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia đạt 5,26 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015; tăng trung bình 4,7%/năm trong giai đoạn 2010-2016. Tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sẽ còn rất lớn vì hiện nay, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này mới chỉ dừng ở con số khoảng 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Australia.

Tiềm năng cho các DN Việt xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này là rất lớn và AANZFTA đang tiếp tục mở ra những cơ hội, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, vì đây là thời điểm các dòng thuế sẽ được giảm về 0%. Nhìn vào tỉ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Australia trung bình trong giai đoạn 2014-2016, có thể thấy, gia đoạn này xuất khẩu vào thị trường Úc chiếm 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ các nước trong khối ASEAN vào thị trường này.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Úc còn rất lớn, trong đó phải kể đến các mặt hàng nông lâm thủy hải sản. Úc có nhu cầu nhập khẩu hơn 700.000 tấn thủy sản/năm và Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Thái Lan). Hơn nữa, người tiêu dùng tại đây cũng rất ưa thích các sản phẩm thủy sản của Việt Nam…

Chinh phục thị trường khó tính

Tuy nhiên, tỉ lệ hàng hóa tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định AANZFTA của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 21,4% do còn DN chưa đáp ứng được các quy định được hưởng ưu đãi từ Hiệp định. Giới chuyên gia đánh giá, nếu không tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định này trong thời gian tới đây, thực sự là một đáng tiếc rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện trong các hệ thống siêu thị lớn ở Úc còn khá khiêm tốn. Vấn đề của các DN hiện nay là làm sao để đưa trực tiếp hàng hóa vào hệ thống bán lẻ của thị trường này để vượt qua các yêu cầu của họ không phải dễ dàng vì đây vẫn luôn là thị trường khó tính. Trong khi đó các DN Việt lại vẫn khá thờ ơ với việc nghiên cứu bài bản về hệ thống này. Cách tiếp cận, các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các qui định về tiêu chuẩn kỹ thuật… ra sao vẫn chưa nắm được nên dẫn đến việc tiếp cận rất khó khăn.

Ông Brian O’Reilly, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cho biết, Australia đánh giá Việt Nam là đối tác có mức tăng trưởng thương mại nhanh nhất với nước này ở khu vực Đông Nam Á. Thương mại hai chiều tăng từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên đến hơn 5 tỷ USD năm 2016. Hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Úc…

Đây là những lợi thế mà DN Việt có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Tuy nhiên, vị này khuyến cáo, mặc dù giàu tiềm năng nhưng đây không phải là thị trường dễ tính. Bởi vậy, DN Việt cần phải nắm rõ thông tin, quy định tại thị trường này, đặc biệt là về vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mới có thể “chinh phục” được thị trường không hề dễ tính này.

Từ những thông tin này đã cho thấy, đây là cơ hội lớn để các DN ngành thủy sản nắm bắt. Hạt điều cũng là mặt hàng đầy hứa hẹn được người tiêu dùng Úc ưa chuộng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Úc với tỷ trọng xấp xỉ 74%... Đặc biệt, việc trái thanh long mới đây đã được Úc chào đón mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu nhóm nông sản sang thị trường này.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/co-hoi-chinh-phuc-thi-truong-kho-tinh-tintuc396013