Cơ hội bứt phá tuyến hành lang kinh tế phía Tây

Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều - hành lang kinh tế phía Tây của Quảng Ninh được định hướng phát triển theo chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong đó Khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối, nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế giữa 3 địa phương.

Nút giao Đầm Nhà Mạc thuộc Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều (giai đoạn 1) đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Nút giao Đầm Nhà Mạc thuộc Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều (giai đoạn 1) đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 29/2020/QĐ-TTg về việc thành lập KKT ven biển Quảng Yên. Theo đó, KKT có diện tích 13.303ha, gồm: Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên có diện tích 6.403,7ha; khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc thuộc TX Quảng Yên, với diện tích 6.899,3ha. Quyết định đã mở ra đường hướng phát triển KKT ven biển Quảng Yên theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, là động lực tăng trưởng cho cả tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Hiện nay, KKT này đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Mới đây nhất, ngày 31/3, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD (gần 11.500 tỷ đồng) vào KCN Sông Khoai. Dự án do Công ty Jinko Solar Hong Kong làm chủ đầu tư. Đây là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới. Dự kiến cuối năm 2021, dự án sẽ đi vào hoạt động, doanh thu bình quân đạt gần 30.000 tỷ đồng/năm, sử dụng khoảng 2.240 lao động. Trong đó, lao động chính trực tiếp sản xuất với mức lương trung bình trên 11 triệu đồng/người/tháng.

Được biết hiện nay, KKT ven biển Quảng Yên đang quy hoạch phát triển 5 KCN chính, gồm: Đông Mai, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai, Bạch Đằng. Việc thu hút dự án đầu tư thứ cấp đầu tiên vào KCN Sông Khoai sẽ mở ra nhiều cơ hội để tỉnh tiếp tục trải thảm đỏ kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược vào các KCN khác trong KKT ven biển Quảng Yên. Để tạo đột phá kết nối tuyến hành lang kinh tế phía Tây, tại Kỳ họp thứ 23, ngày 24/3/2021, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều (giai đoạn 1).

Tuyến đường này dài 41,2km, gồm 10 làn xe, trong đó có 6 làn xe chạy tốc độ cao. Tổng số vốn cho tuyến đường này là 9.436 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách, trong đó chi phí bồi thường GPMB là 1.525 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2022. Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường có vai trò huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho toàn khu vực phía Tây, lực hút mới để tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các địa phương Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều. Tuyến đường này cũng góp phần kết nối các KCN lớn là Sông Khoai, Bắc và Nam Tiền Phong, mở ra một không gian phát triển mới cho khu vực miền Tây của tỉnh, tăng tính kết nối Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố khác.

Đặc biệt, khi hình thành, tuyến đường này sẽ góp phần khai thác hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang đầu tư, như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, các chuỗi dịch vụ, du lịch. Bám sát Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều, hiện các địa phương Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều đang điều chỉnh quy hoạch chiến lược, tạo sự liên kết vùng phát triển bền vững.

Trong quy hoạch chung, cả 3 địa phương đều ưu tiên quỹ đất tập trung phát triển các KCN và CCN phù hợp với thế mạnh từng địa phương. Điển hình ngày 9/3/2021, tỉnh có Quyết định số 729/QĐ-UBND về việc thành lập CCN Phương Nam (phường Phương Nam, TP Uông Bí) có diện tích 62,65ha. Chủ đầu tư là Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh (phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, trong đó dành 75% diện tích là đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất; 23,67% diện tích dành để xây dựng các công trình giao thông, cây xanh; 1,33% diện tích dành để xây dựng trung tâm quản lý điều hành, dịch vụ tổng hợp.

Công nhân Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí lắp ráp thiết bị cơ khí.

Tổng vốn đầu tư CCN Phương Nam là trên 545 tỷ đồng. Dự kiến quý I/2022, dự án sẽ đầu tư xong phần hạ tầng. CCN Phương Nam được thành lập để bố trí các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất lắp ráp cơ khí, sửa chữa thiết bị… trên địa bàn TP Uông Bí và vùng lân cận theo hướng chuẩn liên kết ngành, đa ngành.

Ngày 29/4/2021, tỉnh tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 KCN Đông Triều và khu nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động tại xã Hồng Thái Đông. Quy mô KCN rộng hơn 199ha. Đây là KCN đầu tiên của TX Đông Triều tính đến thời điểm này. KCN Đông Triều được định hướng phát triển là KCN sạch, đa ngành, chủ yếu là công nghiệp tự động hóa, lắp ráp, điện tử, viễn thông. Dự kiến khi đi vào hoạt động, KCN sẽ thu hút được khoảng 10.000 lao động địa phương. Hiện TX Đông Triều đang chuẩn bị bước kêu gọi nhà đầu tư, GPMB, để triển khai đầu tư hạ tầng thiết yếu tại KCN. Có thể thấy, việc ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giúp tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn, qua đó tạo lực đẩy cho các địa phương trong hành lang này phát triển KT-XH bứt phá, bền vững trong thời gian tới.

Phạm Tăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/co-hoi-but-pha-tuyen-hanh-lang-kinh-te-phia-tay-2922389.html