Cô hiệu trưởng sáng tạo

Sự khởi sắc, đi lên của Trường THCS Thịnh Quang (quận Đống Đa, Hà Nội) đều in đậm nỗ lực của cô Hiệu trưởng Nguyễn Hải Yến.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hải Yến trong một lần tham gia hoạt động thiện nguyện vì học sinh vùng khó.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hải Yến trong một lần tham gia hoạt động thiện nguyện vì học sinh vùng khó.

“Trái ngọt” cho những cố gắng không ngừng nghỉ của người hiệu trưởng tâm huyết và sáng tạo chính là sự tin tưởng, yêu mến của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Nâng chất lượng giáo dục cho trường học “chạm đáy”

Năm 2018, cô Nguyễn Hải Yến về làm Hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Quang khi trường đang “chạm đáy” các phong trào thi đua, với sĩ số học sinh ngày càng giảm, cơ sở vật chất nghèo nàn, phong trào thi đua đi xuống, nhiều giáo viên giỏi muốn chuyển trường.

Lúc đó, việc đầu tiên mà người thuyền trưởng cần thực hiện là giữ chân các giáo viên giỏi ở lại. Bằng sự chân thành, cô hiệu trưởng đã động viên họ tin tưởng và cùng đồng hành với lời hứa, nếu sau 3 năm trường không khởi sắc, các thầy cô có thể đi.

Có niềm tin của giáo viên, cô bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch, giải pháp và sách lược cụ thể với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Mong ước giản đơn ban đầu của cô Yến chỉ là: “Sẽ không có học sinh nào rời trường đi học ở nơi khác”. Để thay đổi, điều đầu tiên cô quan tâm đến việc trang bị cơ sở vật chất bằng nguồn xã hội hóa, giúp học sinh được học tập trong môi trường hiện đại, tiện nghi hơn.

Song hành với việc khôi phục cơ sở vật chất, cô Nguyễn Hải Yến không quên nhiệm vụ chính là nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Cô cho rằng: “Muốn đưa một tập thể đi lên thì phải thực sự hiểu về tập thể đó”.

Để hiểu các đồng nghiệp của mình, cô hiệu trưởng thường đi dự giờ các tiết học của giáo viên trong trường. Cô luôn cử tổ trưởng chuyên môn đi cùng để có cái nhìn toàn diện về phương pháp dạy học, cũng như chuyên môn của từng giáo viên. Mỗi tiết dự giờ, cô thường không báo trước, mà đến đột xuất để nắm được tình hình chính xác nhất.

Sau mỗi tiết học, cô lấy ý kiến của học sinh qua việc thực hiện một cuộc khảo sát về tiết học. Qua kênh này, cô thu được nhiều ý kiến chân thực.

Tuy nhiên, khi thấy những khuyết điểm của đồng nghiệp, cô không phê bình trực tiếp tại cuộc họp nghiệp vụ mà gọi từng giáo viên lên phòng làm việc để tâm sự những vấn đề họ gặp phải, cùng họ tìm cách giải quyết.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hải Yến thân thiện, gần gũi trong
đời thường.

Cán bộ, giáo viên có trách nhiệm

Khi đã hiểu được cả thầy và trò, cô hiệu trưởng thay đổi lại toàn bộ cơ cấu tổ chức dạy và học; thay đổi, cơ cấu trong các kỳ thi học kỳ, thay đổi tổ chức thư viện học sinh...

Cụ thể, cô cho thi trộn toàn khối, thay vì trước học sinh lớp nào, thi lớp đó. Cơ chế ra đề độc lập, mỗi học sinh một đề, một bàn; nhà trường sẽ chỉ có một người ra đề duy nhất và quy trách nhiệm cho người đó.

Bởi vậy, giáo viên muốn bảo đảm sĩ số, thu hút nhiều học sinh, bắt buộc họ phải coi trọng chất lượng dạy, giáo viên bắt buộc phải quan tâm, sâu sát với từng học sinh, giúp học sinh học tiến bộ để có kết quả thi tốt.

Cô Hải Yến nhận xét: Tổ chức như vậy, nhà trường sẽ thu những kết quả học tập thực chất của học sinh. Khi học sinh biết mình ở vị trí nào, phụ huynh biết được sức học của con ở đâu để từ đó có những định hướng phù hợp cho con và khẳng định ở các kỳ thi quan trọng tiếp theo.

Chăm chút cho từng hoạt động, cô Yến luôn mong muốn xây dựng được một môi trường giáo dục thân thiện, tạo cho học sinh những sân chơi bổ ích, để các em tự tin hơn, năng động hơn, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/co-hieu-truong-sang-tao-4045310-b.html