Cờ hiểm Putin giúp thay đổi vị thế của Nga ở Libya

Nga xuất hiện ở Libya với một vị thế không thể tốt hơn, mà tất cả là nhờ Mỹ-phương Tây khi cầu cạnh Moscow, nhưng lại không lắng nghe Putin...

Mỹ-phương Tây không nghe Nga khiến Libya tiếp tục chìm trong khói lửa

Ngày 21/4, phát biểu với các đại biểu của Quỹ Ngoại giao Công chúng Alexander Gorchakov, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Berlin để khởi động tiến trình chính trị cho Libya đã thất bại, theo TASS.

"Việc thực thi các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Berlin nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng ở Libya lúc này đã thực sự bế tắc. Chiến tranh đã tái xuất hiện", người đừng đầu ngành ngoại Nga nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lavrov, chính Nga đã phải làm mọi cách để có thể đảm bảo cả đại diện của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (GNA) lẫn đại diện của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tham gia Hội nghị Berlin.

Và khi diễn ra hội nghị, Moscow đã cố gằng để có được các giải pháp đảm bảo làm sao các phe phái đang kình chống nhau tại Libya đều có thể chấp nhận được, từ đó mới hy vọng mang lại hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này.

Libya vẫn tiếp tục chìm trong khói lửa chiến tranh

Libya vẫn tiếp tục chìm trong khói lửa chiến tranh

"Rất tiếc, chúng tôi không nhận được sự ủng hộ của các bên đã đứng ra tổ chức Hội nghị Berlin. Các bên liên quan đã nghi vấn những cách tiếp cận đó. Song với tình hình hiện nay, rõ ràng chúng tôi lại đúng thêm lần nữa", ông Lavrov thể hiện quan điểm.

Trước thực tế ảm đạm của tình hình tại Libya, Bộ trưởng Lavrov cho hay Moscow vẫn ủng hộ việc khởi động sớm một cuộc đối thoại chính trị giữa các bên tại Libya và cần bổ nhiệm một Đặc phái viên mới của LHQ về vấn đề di cư ở Libya.

Xin nhắc lại, sau 3 lần Libya bị Mỹ-phương Tây xâm phạm chủ quyền quốc gia dưới danh nghĩa "xóa độc tài-gieo dân chủ", hiện nay ở Libya đang tồn tại tới hai cơ quan hành pháp tối cao.

Đó là Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya có trụ sở tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu, và Chính phủ Libya lâm thời của Thủ tướng Abdullah al-Thani, đóng tại thành phố cảng Tobruk, phía đông đất nước Libya.

Trong khi Chính phủ Đoàn kết Quốc gia là kết quả từ việc Mỹ-phương Tây và các đồng minh gạt bỏ ý nguyện của người dân Lybia, thì Chính phủ Libya lâm thời được cử bởi Quốc hội Libya do người dân Libya bầu ra.

Vì Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya không được công nhận bởi Quốc hội Libya - thực thể chính trị đại diện căn bản của Libya - nên Tòa án Tố cao Libya đã ra phán quyết không công nhận địa vị pháp lý của thực thể chính trị này.

Và đó chính là lý do cho sự ra đời và tồn tại của Chính phủ Libya lâm thời. Thực thể chính trị này đã được sự ủng hộ bởi Quân đội Quốc gia Libya do Tư lệnh Khalifa Haftar lãnh đạo. Do đó, chính phủ Libya lâm thời "vững về thế - mạnh về lực".

Tuy nhiên, việc tồn tại song hai cơ quan hành pháp mâu thuẫn, xung đột nhau, khiến công cuộc khai sáng của Mỹ-phương Tây ở Libya chỉ cho ra kết quả là chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói và chết chóc. Libya thành đất sống và đất diễn của khủng bố.

Là đạo diễn ván cờ, nên khi Libya chìm trong vòng xoáy vô định thì Mỹ-phương Tây phải gánh chịu nhiều hậu quả, mà được xem là ứng nghiệm của "lời nguyền Gaddafi". Vì vậy, các đạo diễn ván cờ phải tìm cách thoát ra và Nga đã được cầu cạnh.

Ngày 19/1/2020, tại Berlin đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Libya và Nga lần thứ hai tham dự sự kiện chính trị-ngoại giao về Libya, nhưng là đầu Moscow đề xuất giải pháp khởi động tiến trình chính trị cho Libya, trong đó có đối thoại Sarraj-Haftar.

Song các đề xuất của Moscow đã không "lọt tai" Washington và các đồng đạo diễn ván cờ Libya, mà thể hiện ra là Nga không chấp nhận để Mỹ-phương Tây xâm phạm chủ quyền Libya lần nữa. Vì vậy, Hội nghị Berlin không thành công như mong đợi.

Bộ đôi Putin-Lavrov đã khai thác tối đa cơ hội Mỹ-phương Tây tạo ra để nâng cao vị thế cho Nga trong ván cờ Libya

Cờ hiểm Putin giúp vị thế của Nga ở Libya ngày một nâng cao

Mặc dù không thành công như kỳ vọng, nhưng Hội nghị Quốc tế Berlin vẫn đưa ra được những quyết định quan trọng, mà theo Mỹ-phương Tây thì có thể được xem là bước khởi đầu nhằm đi đến kết thúc cuộc khủng hoảng ở Libya.

Vì vậy, Vương quốc Anh, một trong những đồng đạo diễn quan trọng nhất trong ván cờ Libya, đã trình lên HĐBA LHQ một nghị quyết - Nghị quyết 2510 - ủng hộ kết quả Hội nghị Quốc tế Berlin về vấn đề Libya, theo Reuters.

Chiều ngày 12/2/2020, HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2510 với 14 phiếu thuận và 1 phiếu trắng của Nga. Như vậy, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, HĐBA thông qua 2 nghị quyết về Libya thì Nga cả 2 lần đều bỏ phiếu trắng.

Bởi trước đó, ngày 11/2/2020, HĐBA cũng thông qua Nghị quyết 2509 gia hạn lệnh cấm xuất khẩu dầu bất hợp pháp từ Libya đến ngày 30/4/2021. Nghị quyết 2509 cũng được sự ủng hộ từ 14/15 thành viên của HĐBA. Riêng Nga bỏ phiếu trắng.

Việc Nga liên tiếp bỏ phiếu trắng cho các Nghị quyết của HĐBA về vấn đề Libya bị cho là Moscow có lập trường không rõ ràng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Nga có lập trường rất rõ ràng, vì vậy bỏ phiếu trắng được xem là nước cờ hiểm của Putin.

Thứ nhất, quyết định về ngừng bắn là một trong những kết quả của Hội nghị Berlin về Libya. HĐBA LHQ thông qua nghị quyết là nhằm đó hợp pháp hóa kết quả ấy, giúp nó có tính ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là việc ngừng bắn không phải là thỏa thuận giữa các bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Libya, mà do các đối tác bên ngoài áp đặt cho họ. Trong trường hợp này, bất luận thế nào, chủ quyền của Libya cũng không được tôn trọng.

Như vậy, việc đánh giá nghị quyết của HĐBA đã phản ánh cam kết của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Libya, do người Libya dẫn dắt và làm chủ, là rất không thực tế.

Điều đó cho thấy nghị quyết của HĐBA về Libya là rất bất cập, khiến Nga bỏ phiếu trắng. Rõ ràng, thái độ của Moscow không phản đối nhưng cũng không ủng hộ nghị quyết của HĐBA, mà lý do chính là chủ quyền của Libya không được tôn trọng .

Có thể nhận diện, với lập trường như vậy, Nga đã thể hiện tính độc lập trong vấn đề Libya và từ đây sẽ gia tăng lực hút hướng tâm Nga đối với các lực lượng đang kiểm soát Libya vốn đã rất kỳ vọng ở Moscow, sau khi quá thất vọng với phương Tây.

Thứ hai, Nga không ủng hộ Nghị quyết của HĐBA là điều dễ hiểu, nhưng sao Nga không bỏ phiếu chống, bởi Moscow hoàn toàn có thể thực hiện quyền phủ quyết để ngăn chặn những quyết định không như ý của mình trong vấn đề Libya?

Cờ hiểm của Putin giúp Nga đang dần làm chủ ván cờ Libya

Giới phân tích cho rằng Nga không thực hiện quyền phủ quyết là một tính toán rất chi tiết của Tổng thống Putin, mà qua đó giúp Nga vừa thể hiện thể hiện ra là thực thể có mong muốn hòa bình cho Libya, vừa đảm bảo cho Nga là thực thể dẫn dắt vấn đề.

Vốn không tham gia vào công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" cho Libya, nên khi được Mỹ-phương Tây cầu cạnh thì Nga ở vị thế hoàn toàn khác với các đối thủ khi tham gia vào giải quyết cuộc khủng hoảng Libya thời hậu Gaddafi.

Với vị thế như vậy, đương nhiên Moscow không chấp nhận kịch bản do các tác nhân đã phá nát Libya soạn thảo. Bởi nếu chấp nhận, tầm ảnh hưởng của Nga chỉ đơn giản là "thêm đũa thêm bát" trong một bàn tiệc đã được sắp đặt sẵn.

Nhưng nếu phủ quyết, tức là rời khỏi bàn tiệc, có thể khiến Nga đối diện với nguy cơ không còn cơ hội hợp pháp, hay nói đúng hơn là không còn giữ được vị thế "người được cầu cạnh" khi tham gia vào ván cờ Libya.

Nghĩa là nếu bỏ phiếu chống lại các nghị quyết của HĐBA về vấn đề Libya thì chẳng khác gì Moscow tự mình tước bỏ cơ hội của mình, tự cô lập mình, tự làm giảm vị thế của chính mình, từ đó sẽ làm hỏng nhiều thế cờ trong bàn cờ lớn Châu Phi.

Khi Moscow bỏ phiếu trắng khiến Washington và các đồng đạo diễn từ nay muốn gạt Moscow ra khỏi ván cờ Libya là không thể. Điều đó cho thấy Nga xuất hiện ở Libya với một vị thế không thể tốt hơn, mà tất cả là nhờ Mỹ-phương Tây.

Thực tế tình hình Libya đã chứng tỏ quyết định của Nga là rất chuẩn xác và với nhận định của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy cả vị thế lẫn vai trò của Moscow trong ván cờ Libya đã được nâng lên và khẳng định. Rõ ràng, nước cờ của Putin rất hiểm.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/co-hiem-putin-giup-thay-doi-vi-the-cua-nga-o-libya-3401042/