Có hay không 'văn hóa chia tay'?

Đại văn hào Pháp, Larochefoucault từng nhận xét: 'Bản lĩnh văn hóa đích thực của con người không chỉ bộc lộ khi người ta yêu nhau mà rõ nhất là khi họ chia tay nhau'.

Thời gian gần đây báo chí đưa tin nhiều vụ án mạng xảy ra do níu kéo tình yêu bằng tội ác. Câu chuyện này có thực : Lý Ngọc Nguyên 21 tuổi làm việc ở cơ sở cơ khí Thành Kiến, TP.HCM. Tại đây, Nguyên theo đuổi Nguyễn Thị Mai Lan cũng 21 tuổi nhưng Lan không đáp lại tình cảm đó.

Thấy Nguyên cứ cố tình nài nỉ mãi, Lan đành hẹn sáng hôm sau đi làm sớm để nói chuyện, tránh hiểu lầm. Đúng hẹn, hai người đưa nhau vào quán cà phê gần cổng công ty ngồi đối diện nhau, Nguyên cả quyết sẽ theo đuổi Lan đến cùng và một lúc sau xảy ra tranh cãi kịch liệt. Bất ngờ Nguyên kéo tay ôm Lan vào lòng mặc dù bị phản đối gay gắt. Nguyên nổi giận vớ cây gậy gần đó quật tới tấp vào mặt Lan đến ngất xỉu rồi bỏ về nhà trọ ngủ. Sáng hôm sau hay tin Lan chết, Nguyên hốt hoảng bỏ về quê lẩn trốn và sau đó đến công an đầu thú. Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án Lý Ngọc Nguyên phạm tội giết người ra xét xử và tuyên phạt bị cáo 14 năm tù.

 Chia tay là sự chọn lựa hợp lý nhất khi không hoặc không còn yêu nhau (nguồn ảnh minh họa Lap)

Chia tay là sự chọn lựa hợp lý nhất khi không hoặc không còn yêu nhau (nguồn ảnh minh họa Lap)

Nhiều năm làm tư vấn tôi nhận thấy, các trường hợp tan vỡ do một bên muốn thôi mà bên kia vẫn muốn tiếp tục cố gắng ra sức níu kéo thì tội ác dễ xảy ra. Có người đánh đòn ngầm, tìm cách hãm hại nhau theo kiểu "không ăn được thì đạp đổ". Có người tung ảnh "nóng" lên mạng. Thậm chí có cô lập mưu cắt "của quý" người yêu.

Có những người đối xử với nhau tồi tệ nhưng vẫn tìm mọi cách ràng buộc không chịu ly hôn, chẳng phải để cứu vãn hôn nhân mà chỉ để phá không cho người kia được rời bỏ mình. Từ việc phân chia tài sản, đến con cái đều làm thế nào cho người kia phải thiệt thòi, đau đớn nhất mới hả lòng.

Lẽ ra, nếu thông minh tỉnh táo thì điều đáng quan tâm trước hết đối với người ly hôn là chăm lo cho phần đời còn lại của mình. Nếu cứ nhăm nhăm đi “đạp đổ” người khác thì làm sao thanh thản để đi tìm hạnh phúc mới. Nếu chỉ nhằm mục đích gây khó khăn, khổ sở cho người khác, lấy sự đau đớn, khổ sở của họ làm niềm vui của mình thì trước hết làm cho nhân cách mình hèn hạ đi, tâm hồn mình đen tối đi và chính điều đó loại bỏ khả năng tìm hạnh phúc mới.

Nếu bạn sa lầy vào việc theo dõi xem người chồng hay vợ cũ yêu ai, làm gì để phá thì bạn không chỉ mất sức lực và thời gian mà quan trọng hơn là mất nhân cách, mất luôn khả năng tìm hạnh phúc của mình. Cho thấy bạn là người bị mặc cảm thua kém nên phải tìm cách níu người khác lại, sợ họ hạnh phúc hơn mình.

Họ không hiểu rằng trong xã hội hiện đại, từ chối vì không yêu hay hết yêu là chuyện thường tình. Trong quá trình tìm hiểu để lựa chọn đối tượng kết hôn, hoặc trong quá trình chung sống, nếu thấy đối phương không hoặc còn phù hợp thì chuyện chia tay sẽ xảy ra là tất yếu.

Níu giữ tình yêu bằng bạo lực hay khổ nhục kế chỉ làm cho đối phương sợ hãi hoặc thương hại bạn. Đó không phải là tình yêu

Vấn đề ở chỗ chia tay như thế nào. Nó thuộc phạm trù văn hóa. Dùng bạo lực để cưỡng bách đối phương không được rời bỏ mình hay dùng "khổ nhục kế" dọa tự tử, cả hai cách trên đều khiến người ta khiếp sợ hoặc thương hại chứ không phải yêu. Không hiểu điều đó, bạn chỉ tự chuốc lấy đau khổ thậm chí là rơi vào tù tội mà thôi.

Cách ứng xử khôn ngoan nhất khi bạn không đủ hấp dẫn để níu kéo đối phương thì chấp nhận chia tay. Thế gian có hàng triệu triệu người chứ đâu chỉ có một người. Văn hóa chia tay là ở chỗ không có tình yêu thì còn tình bạn, không nữa cũng còn tình người. Vô văn hóa là biến họ thành kẻ thù, tìm cách hãm hại họ vì họ không yêu hay không còn yêu ta nữa.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/co-hay-khong-van-hoa-chia-tay-162288.html