Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội lấn át báo chí?

Nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn về tình trạng thông tin trên mạng xã hội lấn át thông tin trên báo chí. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, nói như vậy là gần đúng.

Đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn là thông tin trên mạng xã hội. Ảnh minh họa/internet

Đa số người dân vẫn tin vào báo chí

Phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là các biện pháp chế tài sao cho hệ thống pháp luật của chúng ta đủ để điều chỉnh các hành vi trên mạng xã hội đối với các Luật Báo chí, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự cùng các luật có liên quan khác. Việc ban hành văn bản pháp luật mới sẽ điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này và cần tham khảo kinh nghiệm của các nước.

“Thực tế thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt thông tin trên báo chí. Nhưng thông tin trên mạng xã hội tốc độ truyền tin rất lớn, nhanh chóng và thậm chí áp đảo.

Nhìn tổng thể thì đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn là thông tin trên mạng xã hội. Thường người ta lấy thông tin báo chí để khẳng định thông tin đúng, không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định thông tin đúng” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn – cho biết: Không riêng gì nước ta, mà hầu hết các nước trên thế giới đều gặp phải những vấn đề của mạng xã hội lấn lướt báo chí. Nước Mỹ và nước Pháp trong các cuộc bầu cử vừa rồi cũng là một minh chứng, nhưng phải nói rằng luật pháp của họ vẫn có đủ để đối phó với các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Đó là những kinh nghiệm mà các chuyên gia của chúng ta cũng cần nghiên cứu để tham khảo.

Trở lại hoàn cảnh cụ thể của nước ta, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn – cho rằng, mạng xã hội đã được phổ cập nhanh chóng trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện nên cũng phải thừa nhận rằng chúng ta không khỏi lúng túng khi xử lý các vấn đề.

Ngay như Luật Báo chí của chúng ta mới ra đời năm 2016 quy định những quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong khi thông tin trên mạng xã hội có nhiều yếu tố không khác mấy báo chí nhưng lại không được điều chỉnh bởi Luật Báo chí.

Đây cũng là một lỗ hổng của chúng ta và tình trạng này khiến việc quản lý nhà nước liên quan đến quyền tự do ngôn luận trở nên lúng túng khi chạm đến mạng xã hội.

Đó là một thực tế mà với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi không né tránh. Đó cũng là sự rủi ro mà chúng ta khắc phục một cách đồng bộ bằng các giải pháp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Phải lấy báo chí làm hạt nhân để dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực

Mỗi 1 phút trôi qua có thời lượng video, clip tăng lên mạng là 48 giờ

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, giải pháp tổng quát là: Trước mắt cần nhận thức rõ dù luật pháp của ta chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng luật pháp của chúng ta vẫn có đủ cơ sở để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đối với trường hợp có danh tính và địa chỉ thật thì chúng ta điều chỉnh được.

“Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các luật liên quan của chúng ta đều có quy định và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị khởi kiện ra tòa án dân sự, chúng ta có thể làm được việc này” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Một vấn đề hết sức quan trọng ở đây, tôi rất mong muốn các đại biểu chúng ta cùng lên tiếng, các địa phương cùng lên tiếng, cả hệ thống chính trị cùng lên tiếng đó là: Phải lấy báo chí làm hạt nhân để dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, để định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn những thông tin xấu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, một thực tế là có rất nhiều trường hợp biết rõ danh tính và địa chỉ người dùng vi phạm pháp luật nhưng tại sao họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không bị kiện ra tòa.

Đến nay, chúng ta thấy rằng, đó là trách nhiệm của cơ quan và cá nhân bị xâm hại, bị công kích, bị bôi nhọ không có động thái đòi lại công bằng cho bản thân mình nên họ muốn nói gì thì nói, ném gì thì họ ném.

Một vấn đề nữa đó là, có tình trạng cùng một vi phạm nhưng có lúc người này bị xử lý, người khác không bị xử lý trên cộng đồng mạng. Chính tình trạng này tạo điều kiện cho những lời đồn đoán rằng, người này thì được ai đó bảo kê, người kia không được bảo kê nên bị xử lý. Vấn đề ở đây không phải là luật mà là thực thi pháp luật và công bằng trong thực thi pháp luật liên quan đến vi phạm trên mạng xã hội.

“Vấn đề thứ hai, với người dùng mạng xã hội nặc danh với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực truyền thông, chúng tôi đang làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, quan hệ hợp tác với Việt Nam để đề nghị hợp tác.

Vừa tuân thủ pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời tuân thủ các điều khoản quy định của nhà mạng và pháp luật quốc tế. Sự hợp tác bước đầu có kết quả khả quan” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trên Youtupe Bộ Thông tin và Truyền thôn đã rất cố gắng gỡ được hơn 5.000 clip. “Khi làm việc với họ, tôi nói tại sao chỉ có gỡ như thế mà có đến hàng triệu, hàng chục nghìn, họ nói cứ mỗi phút đồng hồ trôi qua thì thời lượng video clip tăng lên mạng là 48 giờ nên bản thân họ cũng không kiểm soát được.

Nếu phía Việt Nam thấy có vấn đề gì vi phạm pháp luật Việt Nam chuyển cho họ thì họ xử lý, mình không thể có đủ người cứ 1 phút đồng hồ trôi qua có thể xem hết cả 48 giờ đồng hồ thời lượng clip trên mạng. Phát hiện được cái nào thì chuyển họ xử lý cái đó.

Chúng tôi đang làm việc tiếp với Youtube để họ có bộ chặn lọc, cứ đúng nội dung đó thì phải xóa ngay. Tiến triển làm với Google kết quả tốt hơn làm với Facebook” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/co-hay-khong-tinh-trang-thong-tin-tren-mang-xa-hoi-lan-at-bao-chi-3907008-v.html