Có hay không lợi dụng tàu chìm tăng cước vận tải?

Sau sự cố chìm tàu container VietSun Intergrity trên sông Lòng Tàu, một số hãng tàu đã thông báo tăng phụ phí đối với hàng container xuất khẩu…

Hiện nay, tàu có mớn nước trên 9,5m đã qua lại thuận lợi trên luồng tạm (khu vực tàu chìm) trên sông Lòng Tàu. Ảnh: Mai Huyên

Hiện nay, tàu có mớn nước trên 9,5m đã qua lại thuận lợi trên luồng tạm (khu vực tàu chìm) trên sông Lòng Tàu. Ảnh: Mai Huyên

Nhiều hãng tàu phải rút lại thông báo tăng phụ phí

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics VN (VLA) cho biết, ngày 19/10/2019, tàu VietSun Intergrity bị chìm trên sông Lòng Tàu, ảnh hưởng tới luồng tàu ra vào cảng khu vực TP HCM. Sau đó không lâu, ngày 22/10, đồng loạt 3 hãng tàu gửi thông báo về việc thu phụ phí Rate Restoration (phí đảo chuyển) đối với khách hàng cho hàng container từ cảng Hồ Chí Minh đi các cảng vùng Nội Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á).

Cụ thể, hãng Wan Hai Lines Ltd thông báo bắt đầu từ ngày 3/11 sẽ áp dụng Rate Restoration với mức 30 USD/cont’20 và 60 USD/cont’40 cho hàng khô. Hãng tàu T.S Lines dự kiến bắt đầu từ ngày 23/10 (ngay sau khi ra thông báo 1 ngày) áp dụng Rate Restoration với mức 50 USD/cont’20 cho hàng khô và 100 USD/cont’40 cho hàng đông lạnh. Hãng tàu Interasia Line cũng dự định bắt đầu từ ngày 23/10 sẽ áp dụng Rate Restoration cho hàng container mức 30 USD/cont’20 và 60 USD/cont’40 cho hàng khô; 100 USD/cont’20 và 200 USD/cont’40 cho hàng đông lạnh.

“Phụ phí Rate Restoration sẽ được cộng thêm vào các phụ phí đang áp dụng cùng với tiền cước. Thời điểm đó, nhận thấy việc các hãng tàu container nước ngoài áp dụng phụ phí trên đây là đi ngược lại với quy định tại Nghị định 146/2016 của Chính phủ (việc tăng phụ phí phải thông báo trước 15 ngày), VLA đã lập tức có công văn đề nghị Cục Hàng hải VN cùng các cấp liên quan yêu cầu các hãng tàu dừng thu phụ phí bất hợp lý”, ông Tương nói và cho biết, sau đó không lâu, các hãng tàu này đã rút lại thông báo tăng phụ phí của mình.

Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN), trước kiến nghị của các hiệp hội, DN xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam, Cục Hàng hải VN đã tổ chức cuộc họp gấp đề nghị các hãng tàu không được tăng phụ phí ảnh hưởng đến hoạt động XNK.

“Ngay sau đó, Cục Hàng hải VN đã gửi văn bản yêu cầu các DN cảng, DN cung cấp dịch vụ tại cảng biển khu vực TP HCM, Vũng Tàu hỗ trợ hãng tàu, DN XNK có tàu giảm tải tại khu vực bến cảng Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước từ ngày 19/10 đến khi luồng hàng hải trên sông Lòng Tàu hoạt động trở lại bình thường. Trong đó, cân nhắc áp dụng mức giá dịch vụ bốc dỡ container, hoa tiêu, lai dắt tàu biển, giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo cho các tàu chuyển tải bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT. Trước hành động quyết liệt của Cục Hàng hải VN, việc áp dụng phí đảo chuyển của hãng tàu đã chấm dứt”, ông Cường nói.

Thông tin thêm, đại diện một cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải cho biết, hiện nay các cảng đã và đang áp dụng khung giá tối thiểu để hỗ trợ các hãng tàu trong thời gian khắc phục sự cố trên sông Lòng Tàu.

Thực tế, từ khi tàu chìm, các chi phí về cầu bến, phao neo, xếp dỡ, các hãng tàu đều phát sinh chi phí hai lần, chưa kể việc thay đổi lịch trình tại cảng Việt Nam sẽ khiến tàu có nguy cơ trễ lịch tại các cảng tiếp theo ở nước ngoài, buộc phải tăng tốc và mất thêm chi phí nhiên liệu. Vì vậy, việc hãng tàu tăng giá với chủ hàng là do hãng tàu muốn thu hồi được một phần chi phí nào đó do sự cố tắc luồng, chắc chắn đó không phải là chủ ý “mượn gió bẻ măng”, đại diện này khẳng định.

Tăng giá cước do cao điểm cuối năm

Hiện, các hãng tàu/DN được ủy quyền phải thực hiện đúng quy định về niêm yết các thông tin theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 146/2016. Trường hợp DN thay đổi theo hướng tăng giá vận chuyển bằng đường biển, tăng phụ thu, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển hoặc phụ thu do DN quy định nhưng không sớm hơn 15 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết sự thay đổi. Trường hợp DN thay đổi theo hướng giảm giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu đã được niêm yết, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển/phụ thu được tính kể từ ngày niêm yết sự thay đổi. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Hàng hải VN sẽ yêu cầu các hãng tàu tiến hành công khai giá vận chuyển, phụ thu. Việc tăng giá/phụ phí sẽ do DN tính toán, quyết định để đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN

Lý giải về việc đưa ra thông báo tăng giá trước đó, đại diện hãng tàu Wan Hai lines LTD cho hay, việc tăng giá cước hay thu phụ phí của hãng không phải do lợi dụng sự cố tàu chìm.

“Giá cước thay đổi là do cung vượt cầu bởi mùa cuối năm, các chỗ trên tàu thiếu so với hàng, khi người mua ít, người bán nhiều thì giá cước tăng. Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2020, các tàu biển trên toàn cầu bắt buộc phải chuyển sang chạy dầu lưu huỳnh thấp theo quy định của IMO, giá dầu này đắt hơn dầu thường nên phát sinh thêm phụ phí”, đại diện này nói.

Theo một lãnh đạo hãng tàu MKT, vào các tháng cao điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa tăng cao, phục vụ dịp lễ, Tết, cầu vượt cung, hãng tàu sẽ tăng giá, giống như việc điều chỉnh giá vé máy bay theo thời điểm. “Vừa rồi, có một số hàng từ Trung Quốc về giá có tăng cao, vì trước đó do hàng ế ẩm. Tuy nhiên, việc tăng giá này, các DN, các hiệp hội đều không phản ứng”, vị này khẳng định.

Ông Hoàng Văn Nam, Phó giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ HBS Việt Nam cho biết, việc tăng giá cước thường xảy ra đối với những chủ hàng đặt lịch trễ. “Thông thường, hàng XNK đã được DN XNK ký theo năm với hãng tàu. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, hàng hóa nhiều, tàu thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu chỗ. Các hãng tàu sẽ điều chỉnh giá cước tăng lên để kiếm lời trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa cao nhưng thiếu phương tiện vận chuyển”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, việc điều chỉnh giá cước/thu phụ phí thời điểm cuối năm 2019 còn do tác động của quy định sử dụng nhiên liệu hàm lượng lưu huỳnh thấp (0,5%) của IMO, các hãng tàu đã bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiên liệu mới và thu thêm phụ phí mới (LSS). “Điển hình là hãng tàu Wan Hai, từ tháng 11/2019 đã thông báo áp dụng phụ phí LSS 122 USD/cont’40 trên chặng từ Thiên Tân (Trung Quốc) về Đà Nẵng”, ông Nam nói.

Nam Khánh - Mai Huyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-hay-khong-loi-dung-tau-chim-tang-cuoc-van-tai-d447219.html