Có hay không hành vi trục lợi chính sách ưu đãi nhà ở xã hội?

Mới đây, dư luận không khỏi xôn xao khi một dự án nhà ở xã hội được công bố mức giá lên tới 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT, nhưng chưa gồm kinh phí bảo trì). Mức giá này được xem là ngang bằng với mức giá nhà ở thương mại trong cùng khu vực và cao hơn hẳn mặt bằng chung của giá nhà ở xã hội (giao động 16 - 16,6 triệu đồng/m2). Trước vấn đề này, Báo điện Dân sinh đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội)-Chủ tịch Công ty TAT Law Firm.

Luật sư Trương Anh Tú.

*Ông đánh giá như thế nào về mức nhà ở xã hội hiện nay?

- Nhà ở xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho những đối tượng được hưởng quyền mua nhà ở xã hội như: người nghèo, người bị thu hồi đất, người có công với cách mạng, người phục vụ trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức... không có nhà ở. Đây là chính sách nhân văn của Nhà nước, giúp những người khó có điều kiện mua nhà ở thương mại được tiếp cận với nhà ở để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng vừa qua ở TP Hà Nội xảy ra tình trạng một số dự án nhà ở xã hội có giá ngang bằng, thậm chí đắt hơn nhà ở thương mại đã đánh mất đi hoàn toàn giá trị tốt đẹp vốn có của nhà ở xã hội.

Với mức giá 19,5 -20 triệu đồng/m2 nhà ở xã hội hiện nay là mức quá cao. Một căn hộ khoảng 60m2 có giá trị gần 1,2 tỷ đồng, người có thu nhập thấp, kể cả người có thu nhập trung bình khó có thể tiếp cận.

Theo quy định, nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư được Nhà nước cho rất nhiều ưu đãi: miễn tiền sử dụng đất; được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% và thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5%; được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng.

Giá bán nhà ở xã hội đã được Nhà nước quy định như sau: Giá bán nhà ở phải được Chủ đầu tư xác định trên cơ sở lợi nhuận định mức không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; Giá bán nhà ở được xác định dựa trên diện tích sử dụng căn hộ (diện tích thông thủy); Trong trường hợp có phần kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội thì phải lấy lợi nhuận thu được từ phần kinh doanh thương mại để làm giảm giá bán nhà ở xã hội; Chủ đầu tư phải căn cứ vào những nguyên tắc trên, tính toán để xác định giá bán và trình cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án để xem xét.

UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thẩm định và thông báo lại kết quả cho Chủ đầu tư. Giá bán nhà ở xã hội trong dự án không được cao hơn giá đã thẩm định. Nếu giá bán nhà ở xã hội được xác định theo công thức quy định mà cao hơn hoặc bằng giá bán nhà ở thương mại tương đương trên thị trường thì Chủ đầu tư phải xác định lại giá bán theo tình hình thực tế để đảm bảo thấp hơn giá bán nhà ở thương mại tương đương.

*Vậy tại sao một số dự án nhà ở xã hội tại Tp Hà Nội lại có giá cao như vậy, thưa ông?

Tôi cũng không hiểu tại sao giá nhà ở xã hội lại bị đẩy lên cao như vậy. Trong khi suất đầu tư nhà ở xã hội là rất rẻ vì nhà ở xã hội không phải nộp tiều sử dụng đất, được Nhà nước cho không, vậy chỉ còn lại giá trị xây dựng. Mà giá trị xây dựng hiện nay không cao, mỗi m2 chỉ khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng. Vậy không hiểu lý do gì mà giá thành lại lên tới mức gần 20 triệu đồng/m2 như vậy.

Theo tôi Nhà nước cần vào cuộc thanh kiểm tra, vì khi giao cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, Nhà nước nước đã kèm theo rất nhiều chế độ ưu đãi về vốn, tiếp cận đất đai về tiền sử dụng đất, vì vậy nếu không đạt được yêu cầu thì Nhà nước cần có hoạt động thanh kiểm tra nếu có sự trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm.

*Nếu có yếu tố trục lợi chính sách thì khung chế tài để xử lý hành vi này như thế nào thưa ông?

Tùy từng trường hợp sẽ có những khung xử lý khác nhau. Trong chừng mực nào đó có thể tiếp cận những tội về tham nhũng chính sách của nhà nước, lợi ích tiền bạc của nhà nước giao cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trục lợi tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý và rất có thể sẽ bị xử lý bởi tội danh liên quan đến tham ô, tham nhũng vì nguồn gốc đây là tài sản công. Nếu như diện tích đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội mà đem ra đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhưng đã giao không cho doanh nghiệp. Nhưng bằng cách nào đó doanh nghiệp vẫn nhập nhằng tính sai chi phí đầu vào để tăng giá bán, tăng lợi nhuận hơn mức 10% theo quy định của Bộ Xây dựng để kiếm lời. Thì đây rõ ràng đây là hành vi lãng phí gây thát thoát tài sản của Nhà nước

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN SÍU

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/co-hay-khong-hanh-vi-truc-loi-chinh-sach-uu-dai-nha-o-xa-hoi-20200317112140889.htm