Có hay không chuyện 'thả nổi' thị trường ô tô?

Đáp lại ý kiến cho rằng thị trường ô tô được thả nổi khi các điều kiện nhập khẩu xe được nới lỏng, Bộ Công thương cho hay, việc sửa đổi dự thảo Nghị quyết về kinh doanh, nhập khẩu xe đưa ra các điều kiện tối thiểu mà các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô cần phải có và hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Nghị quyết mới sẽ "thả nổi" thị trường ô tô?

Ô tô là hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Internet

Luật gia Trần Đình Thu trong văn bản góp ý về dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã cho rằng bất cập lớn nhất của Dự thảo là thả nổi thị trường thông qua việc nới lỏng điều kiện nhập khẩu xe ô tô.

Theo đó, việc nới lỏng dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh kinh doanh “ăn xổi ở thì” của những doanh nghiệp nhỏ lẻ chưa có uy tín trên thị trường. Một số điều kiện quy định tại Dự thảo là chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô và triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật, chưa ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm và người tiêu dùng.

Nếu không quản lý chặt ngay từ điều kiện ban đầu sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thành lập ồ ạt, gây hỗn loạn thị trường, kéo theo các hệ lụy về an toàn giao thông khi các loại xe có điều kiện bảo hành kém thâm nhập thị trường.

Đáp lại ý kiến này, Bộ Công Thương cho rằng, dự thảo quy định theo hướng đưa ra các điều kiện tối thiểu mà các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô cần phải có.

Theo Bộ Công Thương, tại tờ trình Chính phủ số 4792/TTr-BCT ngày 31/5/2017 về việc trình dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã nhấn mạnh “Ô tô là hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng”.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2), có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng và sức khỏe của người sử dụng mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác. Đồng thời, ô tô còn là tài sản có giá trị lớn đối với phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam.

Là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành ô tô phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được bảo đảm quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi.

Ô tô cũng là hàng hóa có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, trong quá trình vận hành, ô tô phát ra các loại khí thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như CO2, CO, HC, NO...

Sau khi thải bỏ hoặc hết niên hạn sử dụng, các chi tiết, linh kiện, bộ phận của ô tô khi trở thành phế liệu, rác thải có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn tới an toàn môi trường, ví dụ các vi mạch điện tử, lốp xe, xăng, dầu, động cơ, các loại ắc quy... chứa hàm lượng kim loại nặng và các chất độc hại cao. Việc xử lý các phế liệu, chất thải này cần phải tốn rất nhiều chi phí.

Do ô tô là một loại hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như môi trường, do đó, Bộ Công thương, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho rằng cần phải đưa ra những quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm mục đích tạo ra cơ chế quản lý nghiêm ngặt đối với việc đưa vào lưu thông loại hàng hóa này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường.

Sẽ hướng đến cạnh tranh lành mạnh

Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô hướng đến cạnh tranh lành mạnh. Ảnh minh họa: Internet

Bộ Công thương cũng cho hay, việc sửa đổi và xây dựng điều kiện nhập khẩu ô tô hướng đến cạnh tranh lành mạnh.

Bộ Công thương nhấn mạnh, dự thảo Nghị định quy định rõ về các điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô. Cụ thể là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đối với sản phẩm đưa vào lưu thông trên thị trường.

Tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô, không phân biệt giữa các doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh tại Nghị định vì mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Sau khi trình dự thảo Nghị định, Lãnh đạo Chính phủ đã có những ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các quy định về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô tại Nghị định.

Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định theo hướng đưa ra các điều kiện tối thiểu mà các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô cần phải có. Cụ thể là: Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp phải triệu hồi ô tô nhập khẩu nhằm khắc phục các hỏng hóc trong quá trình sản xuất có thể gây mất an toàn khi sử dụng, dự thảo hiện tại quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có xác nhận của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật.

Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không bắt buộc phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, mà có thể do doanh nghiệp thuê hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật chính hãng của ô tô nhập khẩu, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải có cam kết của nhà sản xuất nước ngoài về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng. Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong việc được hưởng các chính sách về bảo hành, bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất đối với ô tô nhập khẩu.

Trên cơ sở kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, Chính phủ sẽ tiếp tục tiến hành hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi ban hành nhằm bảo đảm tính khả thi của Nghị định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo đảm môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Phúc Vinh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/co-hay-khong-chuyen-tha-noi-thi-truong-o-to-156676.ict