CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP: Giảm chi phí, giải phóng sức lao động

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất được BR-VT đẩy mạnh triển khai từ nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.

Máy cấy lúa thông minh kết hợp chức năng gieo mạ, cấy lúa, bón phân, phun thuốc BVTV được áp dụng tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt từ năm 2019.

Máy cấy lúa thông minh kết hợp chức năng gieo mạ, cấy lúa, bón phân, phun thuốc BVTV được áp dụng tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt từ năm 2019.

GIẢI PHÓNG SỨC LAO ĐỘNG

Có trên 15 năm trồng hồ tiêu, ông Nguyễn Hoàng Phương (thôn Tân Hòa, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, trước đây, từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, ông đều phải làm thủ công. Để tưới nước cho 2,5ha hồ tiêu, 2 công lao động phải mất 7-8 giờ đồng hồ mới xong. Năm 2017, ông đầu tư 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.

Ông Phương nhận xét, so với phương pháp tưới truyền thống, tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm vượt trội như: tiết kiệm nước, giảm thiểu được lượng nước thất thoát, giúp đất luôn tươi xốp; tiết kiệm điện bơm nước và giảm công lao động. Ngoài ra, hệ thống tưới này còn có thể kết hợp bón phân, bón thuốc cùng nước tưới thông qua các đầu nhỏ giọt. “Từ ngày lắp đặt hệ thống tưới tự động, mỗi lần tưới vườn, tôi chỉ cần bật cầu dao, cài đặt giờ rồi đi làm việc khác. Ngoài giảm công lao động, hệ thống tưới tự động còn giúp tiết kiệm nước. Nếu như trước đây, lượng nước tưới trung bình 300m3/ha/lần tưới, từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giảm còn 60m3/ha”, ông Phương so sánh.

Trên cánh đồng lúa của nông dân các xã Phước Hội, Láng Dài, Long Tân, Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ), hệ thống máy móc như máy làm đất và vận chuyển, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp, máy gặt xếp dãy, máy sấy lúa xuất hiện ngày càng nhiều, dần thay thế sức lao động của nông dân. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Đất Đỏ cho thấy, hơn 16 ngàn ha lúa gieo trồng của nông dân đã sử dụng máy móc hầu như 100% trong các khâu làm đất, thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Tam, cán bộ nông nghiệp xã Phước Long Thọ cho hay, hầu hết các khâu trong sản xuất lúa tại địa phương đều đã được cơ giới hóa. Với việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, khi gieo sạ đã có máy cày, máy làm đất, đến lúc thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp phục vụ tận nơi. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc áp dụng cơ giới hóa còn giải quyết một trong những khâu khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay là nguồn lao động khi chỉ cần 1-2 người điều khiển, sử dụng là có thể làm việc, giúp nông dân giảm được chi phí nhân công.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ MÁY MÓC TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 400 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, với số lượng hơn 105 ngàn chiếc. Trong đó, máy móc tập trung chủ yếu ở các khâu như làm đất, tưới, phun thuốc BVTV, vận chuyển và phương tiện khai thác hải sản. Các khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản hiện nay chỉ dừng lại ở một số mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản rau, trái cây sau thu hoạch. Mức độ cơ giới hóa bình quân các khâu trong sản xuất nông nghiệp như: khâu làm đất đạt 100%; khâu chăm sóc, phun thuốc BVTV đạt 80%; khâu thu hoạch đạt 40%; khâu sấy 30%. Việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp đã góp phân giảm công lao động, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết, thực hiện chính sách phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản (Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND) và chính sách hỗ trợ trang thiết bị, vật tư phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 (Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND), đến nay, Chi cục đã hỗ trợ hơn 300 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với hơn 250 hộ/HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như máy sạ hàng, vùi phân cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt; hệ thống tưới trọn gói, máy xới đất, máy cưa xích cho HTX Nông nghiệp Thái Dương…

Trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê số lượng máy móc, thiết bị; từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh. “Đối với dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch (thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, Chi cục sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động cơ giới hóa nông nghiệp sau thu hoạch thông qua các mô hình, dự án điểm, hội thảo, chuyên đề”, ông Vũ Ngọc Đăng thông tin thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202104/co-gioi-hoa-nong-nghiep-giam-chi-phi-giai-phong-suc-lao-dong-923920/