Cô giáo vùng biên hết lòng vì con trẻ

Tâm huyết với nghề, hết lòng yêu thương con trẻ, hơn 10 năm qua, Roãn Thị Ngọc Hảo, giáo viên mầm non Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) đã có nhiều mô hình, sáng kiến áp dụng trong công tác giáo dục mầm non tại các trường, điểm trường mầm non của huyện Tuy Đức (Đắc Nông). Sự tận tụy và tình yêu thương con trẻ của cô Hảo góp phần tạo niềm tin cho các ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi mầm non yên tâm công tác, hoàn thành các nhiệm vụ.

 Cô giáo Roãn Thị Ngọc Hảo cùng các cháu trong giờ học.

Cô giáo Roãn Thị Ngọc Hảo cùng các cháu trong giờ học.

Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em, người con gái quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lại chọn Tây Nguyên làm nơi lập nghiệp. Tháng 5-2003, Ngọc Hảo được nhận vào làm công nhân tại Binh đoàn 16. Những ngày đầu, chị nhận trồng và chăm sóc cà phê. Quá trình lao động, hằng ngày thấy các em nhỏ trên lưng mẹ ra rẫy, mồ hôi nhễ nhại, bụi bám đỏ quần áo, chân đất, đầu trần… Roãn Thị Ngọc Hảo nghĩ mình phải làm điều gì đó để giúp các em. Sau khoảng thời gian trăn trở, suy nghĩ, chị mạnh dạn trình bày với chỉ huy trung đoàn được tham gia làm nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ các cháu là con cán bộ, người lao động tại đơn vị trong độ tuổi mầm non. Được sự nhất trí của đơn vị, chị được cử đi học trung cấp sư phạm mẫu giáo-nhà trẻ tại Hà Nội theo kế hoạch đào tạo của Ban Phụ nữ Quân đội.

Năm 2008, hoàn thành khóa học, Ngọc Hảo về đơn vị nhận nhiệm vụ mới: Giáo viên mầm non của Trung đoàn 726, biên chế về nhóm lớp mầm non Đội sản xuất số 2. Trong điều kiện đơn vị mới thành lập, lại đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, nhóm lớp mầm non do chị phụ trách gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến cô và trò. Để có học trò, chị không ngại vất vả đến từng nhà vận động các gia đình đưa con em ở độ tuổi mầm non đến trường. Mưa dầm thấm lâu, kiên trì vận động, lớp học do chị phụ trách tăng dần số lượng học sinh theo thời gian. Để tạo hứng thú cho trẻ đến lớp, chị tập trung làm đồ dùng giảng dạy trực quan bằng cách tận dụng bìa giấy các-tông, vỏ lon, chai, can nhựa… tạo ra nhiều mô hình đồ chơi phong phú, sáng tạo.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống tinh thần cho các cháu, chị không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để có phương pháp giáo dục mầm non áp dụng phù hợp với từng lứa tuổi; quan tâm đến sở trường, năng khiếu của trẻ, tạo điều kiện cho các cháu được khám phá, thân thiện với môi trường thiên nhiên ở lớp cũng như ở nhà; chú trọng việc kết hợp giữa gia đình, cộng đồng, nhà trường để tạo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phát triển tốt hơn. Đặc biệt, điểm trường do chị phụ trách còn chú trọng chăm sóc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tạo cho trẻ nhiều kỹ năng sống, niềm yêu thích đi học, hòa nhập cùng với các bạn trong lớp. Thông qua các cuộc họp, góc tuyên truyền ở lớp, chị Hảo kết hợp cùng gia đình theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ chu đáo, bảo đảm các cháu được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Anh Hồ Ngọc Bằng, công nhân Đội sản xuất số 2 chia sẻ: "Cháu Hồ Ngọc Huy con tôi sinh ra không được may mắn như các bạn. Mặc dù đã 7 tuổi nhưng nhận thức của cháu chỉ như đứa trẻ 1 tuổi. Được sự tạo điều kiện của chỉ huy đơn vị, sự yêu thương, tận tâm của các cô giáo nên vợ chồng tôi rất yên tâm gửi gắm con, an tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao".

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Roãn Thị Ngọc Hảo phối hợp cùng đồng nghiệp tích cực tổ chức các hoạt động học mà chơi nhằm bổ trợ kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu của mình như tham gia các hội thi “Bé khỏe, bé ngoan”; “Bé với an toàn giao thông”… do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức tổ chức. Qua các hội thi, chị khéo léo lồng ghép, tuyên truyền các chuyên đề nuôi dạy trẻ theo khoa học, an toàn giao thông, thắt chặt thêm tình quân dân nơi biên giới.

Bằng tình yêu thương con trẻ, tâm huyết với nghề cùng sự nỗ lực của bản thân, Roãn Thị Ngọc Hảo còn tích cực nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong công tác giáo dục trẻ mầm non, tiêu biểu là hai sáng kiến: Một số biện pháp tạo môi trường hoạt động cho trẻ độ tuổi 5-6 và một số biện pháp dạy ngôn ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số. Ngoài danh hiệu Giáo viên dạy giỏi toàn quân năm 2011, 2017, 4 năm liên tục (từ 2015 đến 2018), Roãn Thị Ngọc Hảo được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen; 3 năm liền (2016, 2017, 2018) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2019 và là gương mặt tiêu biểu được tôn vinh tại Đại hội Thi đua Quyết thắng Binh đoàn 16 giai đoạn 5 năm (2014-2019).

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/co-giao-vung-bien-het-long-vi-con-tre-609491