Cô giáo tựu trường

GD&ĐT - Lệ đạp xe chầm chậm trên con đường còn gập ghềnh đá sỏi. Làn gió thu quyện với sương núi ban mai trượt trên mái tóc phả vào cánh mũi Lệ một mùi hương quen thuộc đầy yêu thương của núi rừng. Trái tim cô thổn thức thật nhiều cảm xúc. Nhất là khi chiếc xe đã vào tới thôn Ná Tủng – điều đó có nghĩa là sắp tới trường rồi. Lệ như trôi đi cùng dải mây trắng đang sà xuống từ trên núi…

Năm ấy Lệ 12 tuổi, bước vào lớp 6 của ngôi trường cấp 2 Thanh Quân. Cô nhớ rất rõ, ngày khai trường bố mẹ vẫn bận làm gỗ trong cánh rừng già xa nhà không về nên hai chị em Lệ đành dắt tay nhau đến trường.

Đưa em vào lớp giao tận tay cô giáo chủ nhiệm xong rồi Lệ mới sang trường của mình. Vì vậy nên cô bé tới hơi muộn. Các bạn đã xếp hàng thẳng thắn theo khối, lớp. Thầy cô cũng đang chỉnh trang phục chuẩn bị cho lễ chào cờ.

Sân trường đông người nhưng không khí rất trang nghiêm. Lệ sợ. Sợ hơn nữa là cô bé đang đứng phía sau, không biết mình ở lớp nào? Ai là thầy cô chủ nhiệm? Ngày đầu tiên mà đi muộn thế này có sao không? Bao nhiêu câu hỏi bay nhảy trong đầu. Không kìm được, Lệ khóc rấm rứt.

- Sao em lại khóc?

Lệ ngước đôi mắt mọng nước lên nhìn. Trước mắt cô bé là một cô giáo mặc chiếc áo dài màu vàng nhạt, tóc xõa ngang vai, đôi mắt dịu dàng nhìn em chờ đợi.

- Tại em không biết lớp mình ở đâu, em… em… đi muộn ạ - Lệ ấp úng trả lời.

- Em là học sinh lớp 6 à? - Cô hỏi.

- Dạ - Lệ di dí ngón chân trên đất, khẽ trả lời.

- Thế em có biết mình học lớp 6 nào không? Mà em tên gì? - Cô hỏi tiếp.

- Dạ, em tên là Vi Nhật Lệ, hình như em học lớp 6B ạ - Lệ trả lời không chắc chắn.

- Không sao, đi cùng cô nào – Cô cúi xuống lau nước mắt cho Lệ rồi dắt cô bé về vị trí của lớp mình đang đứng.

Cả buổi sáng hôm đó, Lệ không rời mắt khỏi cô giáo. Lệ rất thích truyện cổ tích và tin trên đời này có ông bụt, có cô tiên. Nhưng cô tiên như thế nào thì em chưa gặp bao giờ. Hay có lẽ cũng như cô giáo mình chăng? Lệ mỉm cười, lòng tràn đầy hi vọng sẽ gặp lại cô ở lớp, sẽ được học cùng cô.

Nhưng những buổi học sau đó, Lệ không thấy cô đến dạy ở lớp mình. Sau nghe các anh chị lớp trên nói chuyện, Lệ biết cô tên Thủy và chuyên dạy văn các lớp 8,9. Vậy là cô không dạy mình. Lệ hơi thất vọng. Nhưng sau đó Lệ dần tìm được niềm vui với bạn bè. Những lúc tình cờ gặp cô ở sân trường, Lệ đều tươi cười và chào cô rất dõng dạc.

Thỉnh thoảng trống tiết, Lệ hay lỉnh đi tìm lớp cô dạy và đứng ngoài cửa sổ nghe cô giảng bài. Bây giờ Lệ mới học lớp 6, chờ hai năm nữa cô bé mới lên lớp 8 và được học với cô. Lệ chờ đợi trong hân hoan. Thế nên hai năm sau đó, khi đã là học sinh lớp 8, thấy cô Thủy bước vào lớp mình, khỏi phải nói Lệ vui đến mức nào. Trong lòng Lệ như đang có hàng triệu bông hoa bừng nở, có biết bao câu muốn nói với cô. Lệ muốn chạm vào bàn tay cô giáo.

Nghĩ nhiều, nhưng cuối cùng cô bé chẳng làm được gì cả, chỉ nhìn cô giáo và cười rạng rỡ đón chào, lòng nhủ thầm: “Phải cố gắng học thật giỏi để không làm cô buồn”. Lệ càng vui hơn khi cô chọn Lệ cùng hai bạn nữa vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn. Như thế là sự chờ đợi và cố gắng của cô bé cũng có kết quả. Lệ sẽ được gần cô nhiều hơn. Sẽ vì cô mà nỗ lực.

Nhưng chính Lệ lại làm cô phải bận lòng. Gia đình em có biến động. Bố đột nhiên thay đổi, từ một người hiền lành thương yêu vợ con bỗng chốc nghe lời bạn bè rủ rê sa vào rượu chè bê tha. Trong nhà cái gì có giá trị đều bị bố đem đi bán hết. Mẹ khuyên bảo còn bị bố đánh đòn, bố còn đuổi cả mấy mẹ con ra ngoài đường giữa đêm khuya không cho vào nhà.

Hai giờ sáng, Lệ ôm em gái nép vào bụi cây ven đường, òa khóc nức nở khi nhớ lại lời bố nói lúc chiều: “Con Lệ, mày đi mua rượu cho tao. Không có tiền à? Thế thì nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền. Học mãi chả được tích sự gì, còn báo hại tao. Không thì tao bảo thằng Sinh đến bắt mày về làm vợ. Nhà nó giàu, tiền thách cưới chúng mày cũng khá đấy…”. Lệ run rẩy. Ở bản có vài bạn cùng tuổi đã bị bắt vợ rồi. Mà Lệ lại phổng phao, 14 tuổi trông đã như thiếu nữ.

Cô Thủy vì lo lắng nên dặn dò Lệ rất kĩ chuyện sinh hoạt hay đi lại hàng ngày. Cô sợ Lệ bị đám trai bản bắt đi. Một lần bị bắt, dù không đồng ý ở lại làm vợ người ta thì cũng bị tính là một đời chồng. Không! Lệ nghe cô dạy rồi. Lệ không muốn lấy chồng sớm. Lệ muốn đi học. Lệ muốn trở thành cô giáo như cô. Càng nghĩ, Lệ càng khóc nhiều hơn. Mẹ ngồi đó nhìn hai đứa con cũng chỉ biết thở vắn than dài và khóc theo. Phận đàn bà như mẹ làm sao quyết định được điều gì?

Sáng hôm sau Lệ đến lớp với đôi mắt sưng húp, áo quần xộc xệch lấm lem và sách vở dĩ nhiên không được soạn đúng theo thời khóa biểu. Cô Thủy đưa Lệ về căn phòng nhỏ của cô ở khu tập thể giáo viên phía sau trường. Nghe Lệ kể, cô ôm Lệ khóc. Rồi cô pha cho Lệ cốc sữa nóng, rửa mặt chải đầu cho Lệ để cô bé lên lớp. Cô bảo: “Cứ yên tâm, cô sẽ nói chuyện với bố của em”. Lệ khấp khởi mừng thầm.

Nhưng cô Thủy chưa kịp đến nhà thì chiều hôm đó bố đã đẩy Lệ lên chiếc xe tuyển công nhân đi làm gạch ở Hưng Yên. Lệ ôm bọc quần áo trong tay cố nhoài người qua cửa kính xe nói với Linh, bạn học cùng lớp gần nhà Lệ: “Xin lỗi cô giúp tớ nhé, tớ đi đây”.

Xe chuyển bánh. Lệ khóc như mưa, miệng lẩm bẩm: “Cô ơi…”. Những người xung quanh ái ngại nhìn Lệ nhưng chẳng ai nói gì. Mọi người xem việc một cô bé đã lớn như Lệ nghỉ học đi làm là bình thường, cả cái xã này cũng có nhiều trường hợp như Lệ mà. Bỗng chiếc xe phanh kít lại, ông lái xe quát to: “Cô kia, muốn chết à?”. Mọi người trên xe nhốn nháo nhìn qua cửa kính. Lệ nghe tiếng cô Thủy gọi:

- Lệ ơi, em có ở trên xe không?

- Cô, em ở đây - Lệ nhoài người ra cửa.

Cô Thủy cuống quýt bảo:

- Em xuống xe đi, mau.

Lão Bình tuyển công nhân nghe cô Thủy nói liến ấn Lệ ngồi xuống ghế rồi nhảy xuống xe quát:

- Cô kia, cô có quyền gì mà bảo nó xuống. Bố nó đã ứng trước của tôi 1 triệu tiền lương rồi đấy.

- 1 triệu chứ gì? Đây, anh cầm tiền rồi cho cháu về với tôi – Cô Thủy khẩn khoản bảo lão Bình.

Nhưng lão không nhận. Lệ thót tim nhìn cô. Cô Thủy nhìn lão Bình nói cứng:

- Hiện tại, công an đang đến đây. Nếu anh không để cháu Lệ về cùng tôi thì anh về trụ sở công an xã làm việc nhé.

Nghe vậy, lão Bình liền giật lấy tiền từ tay cô Thủy rồi đẩy Lệ xuống xe:

- Thôi đi đi, xúi quẩy quá.

Hai cô trò Lệ ôm nhau khóc. Cô chở Lệ về nhà. Về đến nơi, Lệ thấy trong nhà đã rất đông người. Có thầy hiệu trưởng, các thầy cô trong trường và cả chú Quân trưởng công an xã cũng đến từ lúc nào. Lệ ngồi nép bên mép giường cùng mẹ nghe mọi người nói chuyện với bố. Thầy Cương, hiệu trưởng nói với giọng cương quyết:

- Anh có biết mình vi phạm pháp luật khi ép con bỏ học đi làm không?

- Nhà tôi nghèo không có tiền nuôi nó đi học nên cho nó đi làm kiếm tiền thôi. Tôi là bố nó, tôi có quyền – Bố Lệ điềm nhiên nói, đem tất cả những lời phân tích của mọi người từ nãy đến giờ gạt sạch sẽ qua một bên.

- Anh… - Cô Thủy nghẹn lời.

Ngừng một chút cô nói tiếp giọng nghiêm khắc, răn đe – Anh là bố của cháu Thủy mà ăn nói vô trách nhiệm thế à? Tội của anh có thể bị phạt mức cao nhất là 20 triệu đồng tiền mặt và đi tù từ 3 đến 6 tháng đấy.

Nghe đến mức phạt mà có bán cả nhà đi cũng không đủ, đặc biệt là hai chữ “đi tù” bố Lệ im re không nói thêm tiếng nào. Sau hôm ấy, Cô Thủy xin mẹ Lệ đưa cô bé xuống trường ở cùng cô. Chỉ còn 2 tháng nữa là Lệ tham gia kì thi học sinh giỏi cấp huyện rồi thi học kì và nghỉ hè. Cô đưa Lệ đi một mặt để cô bé ổn định tinh thần, yên tâm học và thi, mặt khác cũng nhằm tránh mặt bố một thời gian. Hi vọng thời gian Lệ vắng nhà bố sẽ suy nghĩ lại, có thể cai được rượu.

Lệ theo cô về khu tập thể giáo viên ở trường. Sáng đi học trên lớp, chiều và tối ôn luyện chuẩn bị cho hai kì thi sắp tới. Cô chăm sóc Lệ chu đáo. Nhiều lúc Lệ nghĩ, giá như cứ mãi thế này, được ở cùng cô…

Thời gian này, Lệ dần dần thôi không oán trách bố nữa. Cô Thủy bảo: “Cha mẹ nào cũng thương con. Chẳng qua là tại bố em đi sai đường. Mà cả cái xã này từ bao đời nay mặc nhiên xem phụ nữ chỉ nên ở nhà lên nương rẫy, sinh con đẻ cái và phục vụ chồng. Đàn ông được phép rong chơi thậm chí đến bê tha. Quan niệm này dễ khiến người ta dễ trở nên lầm đường lạc lối, cũng là dây trói khiến những người bà, người mẹ khổ. Mình phải đấu tranh để thay đổi. Và để thay đổi được cần phải nỗ lực và có thời gian…”.

Cô còn nói nhiều nữa. Và Lệ tin cô. Yên tâm rằng bố không phải là người xấu hoặc không mong muốn là người xấu trong mắt các con.

Kì thi năm đó, Lệ được giải Ba. Hôm nhận kết quả, Lệ cứ ngồi khóc mãi. Một phần mong ước của cô và trò đã trở thành hiện thực. Phần còn lại… Lệ cảm thấy rất chơi vơi… Trở về nhà với bố mẹ, sang năm Lệ có còn được đi học? Còn ước mơ trở thành cô giáo, liệu có thực hiện được không? Cô Thủy nắm tay Lệ:

- Cô biết em đang nghĩ gì. Yên tâm đi. Cô có một kế hoạch, chỉ cần em cố gắng hết mình, cô tin tất cả sẽ trở thành hiện thực.

Lệ nhìn cô chứa chan hi vọng. Cô bé biết cô giáo đến nhà mình nhiều lần, nhưng không biết cô đã nói những gì với bố. Chỉ biết rằng mùa hè năm đó bố có sự thay đổi rõ rệt. Bố vẫn uống rượu nhưng ít đi rất nhiều, cũng không tụ tập bạn bè ở quán hàng nữa. Bố cùng đi lên nương, đi làm thuê cùng mẹ.

Chỉ có hai chị em ở nhà nhưng việc bố bảo vẫn để Lệ tiếp tục đến trường khiến cô bé vui biết bao nhiêu. Dẫu một mình vừa đi học, vừa chăm em và nuôi lợn, gà… thì Lệ cũng không cho là mình khổ. Khổ nhất là không được đi học. Có khi còn phải lấy chồng sớm… Nghĩ đến đó, Lệ rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa. Cô Thủy nói rồi, Lệ là nhân tố chính trong kế hoạch, nên Lệ sẽ nỗ lực hết mình, vì cô giáo và cũng là vì bản thân em.

Cuối năm học đó, đúng theo giai đoạn 1 của kế hoạch, Lệ đủ điểm đi học nội trú tỉnh. Rồi giai đoạn 2 hoàn thành sau đó 3 năm, Lệ đỗ đại học trở thành sinh viên khoa văn của một trường đại học. Đối với gia đình Lệ chuyện đó giống như một giấc mơ. Còn Lệ, cô bé biết mình đã chạm tay vào ước mơ của mình. Cô Thủy vẫn như bến đỗ bình yên của Lệ mỗi khi cô bé gặp khó khăn hay có chuyện không vui.

Nhưng giờ đã lớn, Lệ tự lập hơn nhiều. Từ chối sự giúp đỡ tài chính từ cô Thủy, Lệ đi làm gia sư, chạy bàn ở các quán ăn, và nỗ lực đạt học bổng các kì…, bấy nhiêu đó cũng đủ trang trải cho mấy năm sinh viên.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và giải thưởng cây bút trẻ triển vọng, Lệ nhận được nhiều lời mời về làm việc của các trường phổ thông trong thành phố. Nhưng cô bé quyết định quay về dạy học ở ngôi trường cấp 2 của xã nhà.

Cô Thủy giờ đã chuyển công tác về dưới quê, Lệ sẽ thay cô tiếp bước…

- Em chào cô ạ!

- Chúng em chào cô ạ!

Lệ giật mình thoát khỏi dòng hoài niệm. Thì ra cô đã đến trước cổng trường tự lúc nào. Lệ mỉm cười nhìn những học sinh vừa chào mình đang kéo tay nhau đi vào sân trường. Bỗng Lệ thấy một cô bé nem nép đi phía sau cùng, đôi mắt tròn to đen láy, khăn quàng buộc vội trễ nải trên cái cổ áo không bẻ. Lệ lại gần chỉnh lại cổ áo và thắt lại khăn cho học trò. Nhìn cô bé cười bẽn lẽn Lệ như thấy lại mình của hơn 10 năm về trước…

- Tùng… Tùng… Tùng…

Hồi trống báo hiệu giờ vào học đã điểm. Những tiếng trống trong hoài niệm, hiện tại và cả tương lai đang vang lên. Lệ bước vào lớp, trong lòng như có ngọn gió thu mơn man…

CHU THỊ MINH THÙY (GV Trường TH Thị trấn Yên Cát - Như Xuân, Thanh Hóa)

CHU THỊ MINH THÙY (GV Trường TH Thị trấn Yên Cát - Như Xuân, Thanh Hóa)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/co-giao-tuu-truong-3765677-b.html