Cô giáo tự tử và thái độ vô cảm

Từ câu chuyện cô T tự tử vì đột nhiên bị chuyển trường cho thấy câu chuyện về thái độ vô cảm nhất là của những người có trách nhiệm tại đây.

Ngay sau khi nhận được thông tin có một trường hợp là cô giáo do đột ngột bị chuyển trường vô cớ mà đã tự tử, tôi bất chợt tự hỏi: “Sao có mỗi việc chuyển trường mà phải tìm tới cái chết?”.

Đặc biệt, khi tôi biết cô giáo này có tới 3 con nhỏ. Trên đời này có điều gì đáng giá hơn sinh mệnh mà phải quyên sinh? Không dạy trường này thì dạy trường khác. Thậm chí, không làm nghề này thì làm nghề khác, cớ sao phải rời bỏ cuộc sống?

Với tâm trạng vừa giận vừa thương, tôi lao vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng). Thật ơn giờ, cô giáo T đã qua cơn nguy kịch, được đưa lên phòng hồi sức.

Bước vào phòng điều trị của cô giáo T là hình ảnh một người mẹ già với dáng vẻ khắc khổ đang vật vã, đau đớn bên cạnh con gái nằm bất động trên giường bệnh. Hình ảnh đó càng thêm chua xót.

Người mẹ già òa khóc bên cạnh giường bệnh của cô T. Ảnh: Vũ Thị Hải

Khi biết tôi là nhà báo, bà òa khóc nức nở: “Chồng nó vì nhiệm vụ của Tổ quốc giao mà đi công tác xa ngoài biển đảo. Nó chỉ có nguyện vọng được trở về trường cũ thôi cớ sao không được. Họ cứ ép nó vậy để nó nghĩ quẩn mà lỡ bỏ mạng thì sao”.

Hóa ra cô giáo T là vợ của một chiến sỹ cảnh sát biển hiện đang phải nhận nhiệm vụ đặc biệt, mãi Tết này mới về được.

Những câu hỏi cứ thế dồn dập đổ về trong tôi: Là vợ của bộ đội đang công tác nơi hải đảo, có con nhỏ, sao lại phải chuyển trường? Sao lại không được ưu tiên? Chính sách hậu phương quân đội để ở đâu, nhất là trong tình hình biển đảo nóng bỏng như hiện nay?

Những thông tin mà tôi nhận được từ chị gái của cô T càng làm tôi bức xúc hơn: Năm học trước, cô T bị điều chuyển công tác. Thời điểm ấy, cô T đang công tác tại Trường THCS An Đồng (xã An Đồng, huyện An Dương) thì bị điều chuyển về Trường THCS Quốc Tuấn cách nhà hơn chục cây số.

Do còn 3 con nhỏ, chồng công tác xa, cô giáo T đề đạt nguyện vọng không được, có đơn kiến nghị, cấp trên động viên cô cứ "tạm" nhận công tác tại trường mới rồi mấy tháng sau sẽ cho trở lại trường cũ.

Cô T cố gắng "chịu đựng", mong tới năm học mới sẽ toại nguyện. Thế rồi, cô cứ chờ mãi, chờ mãi, năm học mới đã khai giảng mà nguyện vọng vẫn chưa được thực hiện. Cô T gửi đơn và rồi cũng gặp được người đứng đầu huyện nhưng chỉ là cái hứa hẹn sẽ xem xét khi hoàn thiện "đầy đủ thủ tục".

Cô T lại làm đơn và hồ sơ theo yêu cầu nhưng vẫn không có kết quả gì. Sau khi lên Ủy ban huyện và Phòng giáo dục huyện An Dương về, cô T chia sẻ những uất ức của mình với chị gái ruột và quyết định quyên sinh.

Nằm trên giường, nghe mẹ và chị gái trò chuyện với tôi, cô T không cử động, nhưng hai hàng nước mắt cứ lăn dài.

Trưa hôm sau khi vào thăm cô T, tôi thấy cô đã tỉnh nhưng để tránh gây xúc động, tôi không hỏi nhiều.

Chờ tới chiều tối ngày hôm sau nữa, được người nhà thông tin cô T đã có thể nằm nói chuyện, tôi mới dám trở lại gặp cô để nghe những chia sẻ ban đầu.

Theo lời kể của cô T thì cô không muốn chết. Nhất là khi cô còn chồng và 3 đứa con thơ, bố mẹ hai bên già yếu. Nhưng do “bị hành lên hành xuống không biết bao lần, làm đủ mọi thứ theo yêu cầu, kể cả việc rút đơn khiếu nại, làm lại hồ sơ từ A tới Z, cuối cùng những hy vọng nhỏ nhoi vẫn không thành".

Giọng cô T thều thào: “Năm nay, cháu bé nhất con tôi vào lớp 1, trường cháu học nằm ngay cổng trường cấp 2 An Đồng nơi tôi có nguyện vọng quay trở lại. Tôi tính, khi tan trường, cháu có thể tự đi bộ sang trường cấp 2 nơi có chị gái đang theo học. Nếu tôi được về trở lại trường cũ thì rất tiện”.

Trường THCS An Đồng nơi cô giáo T có nguyện vọng quay về giảng dạy

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi viết những bài báo đầu tiên. Bài viết đăng trên Dân Việt đã nhận được hàng nghìn ý kiến trái ngược nhau về sự việc. Có người thương cảm đồng tình, cũng có người cho rằng hành động của cô T là dại dột và quá đáng trách.

Ai cũng vậy, khi mới tiếp nhận thông tin, hoàn toàn có thể đưa ra những nhận xét nặng nề, phê phán, thậm chí chỉ trích cô T. Thế nhưng, trên tất cả, nếu đặt mình vào vị trí của cô T, liệu bạn có dám chắc mình không hành động như vậy?

Tôi không có ý định phán xét đúng sai về những bình luận. Cá nhân tôi cũng là một người mẹ, cùng một lúc phải vừa đi làm, vừa đưa đón hai con đi học ở các cấp khác nhau mà không cùng thời gian, không cùng địa điểm, không có chồng và ông bà nội ngoại hai bên giúp đỡ đã thấy quá áp lực. Đặt mình vào hoàn cảnh của cô T, tôi có thể thông cảm được.

Tôi cũng ngạc nhiên với cách trả lời “vô hồn” của ông Chủ tịch huyện An Dương khi phóng viên hỏi “Huyện có bố trí để cô giáo T về lại trường cũ không?” thì nhận được câu trả lời “tỉnh queo” rằng: “Chưa. Chưa bố trí được. Khi nào thiếu giáo viên, chúng tôi sẽ bố trí”.

Câu trả lời tưởng chừng có lý. Thế nhưng, việc để xảy ra tình trạng thừa giáo viên đâu phải lỗi của các cô giáo. Đó là lỗi của ngành giáo dục và trực tiếp của chính quyền cơ sở với "cây gậy" tuyển dụng trong tay.

Điều này dẫn đến tình trạng thừa thì thừa, “chạy chọt”, “xin - nhận” vẫn cứ diễn ra. Hậu quả là những người mà "hậu duệ", "quan hệ", "tiền tệ" yếu thế như cô T phải chịu thiệt.

Trong những phản hồi về bài báo, tôi chú ý tới một nhận xét của độc giả hiện là giảng viên Khoa Xã hội học của Học viện Báo chí Tuyên truyền rằng: “Nếu ai từng đến những cơ sở can thiệp liên quan đến stress và các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần thì sẽ hiểu và thôi không đổ lỗi và trách móc người tự tử nữa. Mọi thứ diễn ra trong diễn biến ở người đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần thì nó không diễn ra theo logic hay đạo đức thông thường”.

Thế nên, nhẽ ra những người có trách nhiệm như ông Chủ tịch huyện An Dương hay lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện này chẳng hạn cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên thay vì đẩy hết những hậu quả do “lịch sử để lại” lên đầu họ.

Và nhẽ ra, những trường hợp với hoàn cảnh đặc biệt như cô giáo T, chỉ cần một cái bút phê của lãnh đạo huyện thì đã không vô tình đẩy cô phải tìm tới cái chết!

Vũ Thị Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/co-giao-tu-tu-va-thai-do-vo-cam-804147.html