Cô giáo từ chối cơ hội đến Canada để dành trọn tâm huyết dạy... trường làng

Từ chối cơ hội đến Canada làm việc, cô Trần Thị Thúy đã quyết định trở về quê hương Hưng Yên giảng dạy và thay đổi cách nhìn của học sinh về môn tiếng Anh.

Quyết định từ chối ở lại Canada làm việc, về dạy trường làng

Cô Trần Thị Thúy là giáo viên môn Tiếng Anh, trường Trung học Phổ thông Đức Hợp (xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Cô Thúy cũng vinh dự được vinh danh nằm trong Top 50 giáo viên toàn cầu (tổng số hơn 10.000 ứng viên).

Năm 2017, cô Thúy là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử giáo dục Việt Nam, cô Thúy cho biết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự và bất ngờ khi được đi Canada.

Chuyến đi đó rất là đặc biệt, tôi được gặp gỡ và nói chuyện với Phó giám đốc của Microsoft giáo dục toàn cầu và một người là đại diện của Microsoft ở Canada”.

Cô trò tỉnh Phú Thọ và dự án Nói không với ống hút nhựa

Sau cuộc nói chuyện, người đại diện Microsoft Canada rất cảm phục trước những đóng góp của cô giáo Thúy và đã đưa ra lời mời cô đến Canada làm việc.

Nhưng cô Thúy đã khéo léo từ chối, cô cho biết:

“Lúc ấy tôi rất xúc động, khi đến với diễn đàn mình thấy có rất nhiều triển lãm về công nghệ và có rất nhiều điều ở quê hương mình không có.

Tôi nghĩ rằng: Tôi cần phải mang những điều ấy về cho các con học sinh và làm thế nào để cho các con học sinh đến gần hơn với tiếng Anh.

Để các em thấy rằng: Cô giáo của các em có thể đến Canada, thì với tiếng Anh các em có thể đến được nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là đến được với ước mơ của các em.

Chỉ với suy nghĩ ấy thôi, cô Thúy can đảm từ chối cơ hội việc làm tại đất nước Canada phát triển. Cô trở về ngôi trường làng mà cô đã gắn bó nhiều năm, trở về với các em học sinh thân yêu của mình.

Chia sẻ về cô giáo của mình, em Lê Thị Tuyền, học sinh lớp 11A8, trường Trung học Phổ thông Đức Hợp cho biết: “Em rất quý cô, khi cô dạy em thấy rất thú vị và dễ hiểu.

Nhờ cách dạy của cô mà các kỹ năng sử dụng Tiếng Anh của em đã được cải thiện rất nhiều, em đã có thể hiểu và nói được tiếng Anh.

Cô cũng rất quan tâm đến việc học hành của học sinh, đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho chúng em trong học tập”.

Cô giáo Thúy được tổ chức giáo dục Varkey Foundation uy tín vinh danh trong Top 50 giáo viên toàn cầu (Ảnh: NVCC)

“Tôi muốn học sinh thực hành nhiều hơn là ngồi đọc chép”

Nói tới việc học của thế kỷ XXI, một trong những kỹ năng cần có là kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin. Nhận thức được điều đó, cô Thúy đã rất khéo léo ứng dụng công nghệ thông thi vào quá trình dạy học của mình.

Cô Thúy tâm sự rằng năm 2016, 2017; trường Đức Hợp vẫn chưa có mạng internet, lúc ấy cô đã mang bộ phát wifi đến trường. Do cần đường truyền ổn định, cô giáo đã mua dây, xin nhà trường cho nối mạng từ phòng hiệu trưởng đến các lớp học.

Cô Thúy cũng chia sẻ: “Tôi đã sử dụng công cụ Skype của Office 365 dành cho giáo dục, mục đích là để các em học sinh tương tác với nhau nhiều hơn.

Sẽ không phải là cô nói và các em ghi chép bài, mà các em học sinh sẽ tương tác với nhau, sẽ cùng giao tiếp và học tiếng Anh với nhau”.

Cảm ơn nghề giáo đã cho tôi nhiều bài học, nhiều cung bậc cảm xúc

Như vậy, học sinh không chỉ được rèn luyện kĩ năng sử dụng máy tính mà các em cũng tương tác với nhau nhiều hơn, rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm.

Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thúy cũng có chia sẻ về phương pháp dạy học theo dự án của mình:

“Bản chất của dạy học dự án là các em học sinh sẽ phải nhập vai vào các nhân vật đời thực.

Ví dụ em muốn làm bác sĩ thì em sẽ phải đi thực tế, tìm hiểu công việc của các bác sĩ như thế nào? Nếu có người bị bệnh thì các em sẽ khuyên người đó sử dụng thuốc, ăn uống nghỉ ngơi như thế nào?

Hay nếu em muốn làm nhà quản lý của một doanh nghiệp, các em sẽ phải tìm hiểu xem để cả một doanh nghiệp vận hành trơn tru thì các em phải quản lý, sắp xếp nhân sự như thế nào?

Sẽ có nhật ký học tập để ghi lại kết quả của các sản phẩm. Sau đó các em sẽ làm báo cáo bằng PowerPoint và sẽ thuyết trình trước lớp bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Quan trọng là các em được hoàn toàn chủ động lựa chọn ngành nghề mà mình yêu thích.

Như vậy các em sẽ có được sự trải nghiệm thực sự về công việc ấy, giúp các em có nhìn tổng quan hơn, có thể lựa chọn được công việc phù hợp với mình sau này”.

Với phương pháp dạy học đầy mới lạ như vậy, rõ ràng đã khiến cho các em học sinh cảm thấy rất hứng thú đối với việc học, biến một môn học vốn rất khó nhằn đối với học sinh trở nên thật dễ dàng.

Là giáo viên có tinh thần cầu tiến, cô Thúy luôn chủ động học hỏi, đổi mới cách dạy nhằm truyền tải kiến thức đến học sinh một cách dễ dàng nhất. (ảnh: NVCC)

Đánh giá về phương pháp học mới mẻ này, em Phạm Thị Hằng, học sinh lớp 11A8, trường Trung học Phổ thông Đức Hợp cho biết:

“Em thấy cách dạy của cô thúy rất mới mẻ và thú vị, giúp bọn em hứng thú hơn đối với việc học tiếng Anh.

Việc nhập vai vào các nhân vật giúp cho chúng em được trải nghiệm với những công việc mà mình yêu thích và giúp cho tiết học đỡ nhàm chán hơn.

Riêng cá nhân em cũng ngày càng có cảm hứng hơn đối với việc học tiếng Anh. Em cũng dần dần tiến bộ hơn trong học tập, ngày trước em không biết gì nhiều nhưng bây giờ em đã có thể nói một ít và làm được nhiều bài tập hơn”.

Công tâm đánh giá: Với cách dạy học của cô Thúy đã giúp cho các em học sinh đạt hiệu suất học tập tốt hơn rất nhiều so với phương pháp dạy học truyền thống.

Thực sự phải tiếp xúc và nói chuyện với cô Thúy thì mới thấy được tinh thần cầu tiến của cô lớn như nào.

Phương pháp dạy học của cô Thúy được đánh giá cao, học sinh dễ tiếp thu, nhanh chóng hiểu bài (Ảnh:NVCC)

Cô chia sẻ: “Quan điểm của mình là các em học khi mà các em có lý do để học.

Khi mình đánh thức được cái thích bên trong các em thì các em sẽ thích môn học, sẽ thích cô và cô trò sẽ hiểu nhau hơn”.

Chính vì quan điểm đó mà cô luôn học hỏi, thay đổi phương pháp dạy học sao cho phù hợp với các em học sinh.

Xã hội luôn thay đổi, cuộc sống luôn thay đổi, nếu cô giáo cũng không chịu thay đổi thì chắc chắn sẽ bị các em học sinh của mình bỏ lại phía sau.

Nguyễn Đức Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-giao-tu-choi-co-hoi-den-canada-de-danh-tron-tam-huyet-day-truong-lang-post207538.gd