Cô giáo trẻ ra đề Văn khiến nhiều học sinh rơi nước mắt khi làm bài

Với đề bài 'Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho ba mẹ, nói những điều mình muốn nói', cô giáo ra đề Văn Trần Thị Quỳnh Anh (trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM) khiến hàng trăm học sinh xúc động rơi nước mắt khi làm bài và lúc chấm, cô cũng khóc theo.

Hãy nói thật cảm xúc của con

Có một tiết học, cô Trần Thị Quỳnh Anh bật nhạc không lời, ra đề bài: “Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho ba mẹ nói những điều mình muốn nói, nói gì cũng được” (cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất của con và cô sẽ không cho ba mẹ con xem).

Đề bài tưởng chừng như quen thuộc nhưng không ngờ, cô giáo đã chạm đến những điều sâu thẳm nhất tự đáy lòng học sinh khi mà nhiều em chưa có điều kiện bộc lộ cảm xúc.

Và đây là một đoạn trong bài viết của học sinh mồ côi mẹ:

“Chắc ở nơi nào đó, mẹ cũng vui vì nhìn thấy con hạnh phúc và trưởng thành hơn. Cũng lâu lắm rồi, con không lên thắp hương cho mẹ, con thật có lỗi. Sống ở đây con được ba lo cho rất đầy đủ, nhưng đôi khi con lại muốn cảm giác được mẹ chăm sóc khi còn nhỏ hơn, ước gì có thể quay ngược lại thời gian để con ngập tràn trong phút giây đó.

Con vẫn chưa nói “con yêu mẹ” được, và đây là điều hối tiếc nhất trong cuộc đời con. Nhưng con biết mẹ sẽ hiểu được tấm lòng của con vì con ít khi thể hiện sự yêu thương bằng lời nói mà chỉ thể hiện bằng những thành quả mà con đạt được. Mọi chuyện đều do định mệnh nên mẹ đừng buồn, cả nhà luôn yêu thương mẹ. Nếu có kiếp sau con muốn làm con của mẹ một lần nữa. Yêu mẹ! Chúc mẹ luôn hạnh phúc ở phương xa”.

Đề Văn khiến hàng trăm học sinh rơi nước mắt vì được nói lên chính cảm xúc của mình

Đề Văn khiến hàng trăm học sinh rơi nước mắt vì được nói lên chính cảm xúc của mình

Một học sinh khác lại bày tỏ nỗi buồn khi ba, mẹ chia tay:

“Mỗi đêm con đều khóc vì con suy nghĩ khá đơn giản, con nghĩ con thương ai thì người đó cũng thế, sao ba lại không? Con có đọc trong sách rằng, nếu mái ấm của một ai đó trái nghĩa với từ bình yên thì từ bất hạnh không đủ để miêu tả cuộc đời họ. Con không chắc đúng vậy không, nhưng từ đó con cũng thấy con bất hạnh nhiều.

Cấp 3 đối với con từ đó không còn đẹp như con hằng mơ tới. Vì con thấy mình lạc lõng, vì mỗi lúc mệt, con biết mẹ sẽ mệt hơn gấp nhiều lần. Nên con một mình, con tự buồn, tự khóc rồi tự cười. Con cũng quen rồi...”.

“Con đã an tâm và cố gắng hơn để hoàn thành trách nhiệm của mình, để mẹ biết được đứa con của mẹ đang trên đường trưởng thành và là trụ cột của gia đình khi ba đi làm xa. Dù con còn khá lơ là và hư hỏng nhưng rồi con sẽ cố gắng hơn nữa, nhiều như cách mẹ và ba lo cho gia đình vào những lúc khó khăn”, lời của một học sinh thổ lộ với mẹ.

Một học sinh nói về mẹ của mình bằng tất cả cảm xúc thực

Dạy Văn cần khơi dậy cảm xúc cho học sinh

Những bài Văn như thế này khiến cô Trần Thị Quỳnh Anh vô cùng hạnh phúc bởi học sinh đã thoát khỏi những bài Văn mẫu quen thuộc để được nói lên suy nghĩ của chính mình.

Vì cách dạy học mới, lạ và đem lại nhiều hứng thú cho học sinh nên cô Trần Thị Quỳnh Anh được nhiều học sinh quý mến.

“Cô là người thầy lần đầu tiên mà con dám nói hết những gì mình muốn nói. Con từng đắn đo nhiều điều vì không dám bày tỏ cảm xúc với giáo viên. Cô là người cho con mạnh mẽ để dám nói lên cảm xúc riêng của con, điều mà con muốn dành cho ba mẹ. Con cảm thấy may mắn khi gặp được cô! Cô nhiệt huyết, yêu học trò và nghề dạy học lắm!”, học sinh Nguyễn Vân trải lòng khi nói về cô giáo của mình.

Học sinh chia sẻ về sự bất hạnh khi ba mẹ ly hôn

Sắp tới, TP.HCM sẽ biên soạn bộ sách giáo khoa riêng, cô Trần Thị Quỳnh Anh mong muốn sách Ngữ văn mới “cần đời hơn, mang hơi thở cả cuộc sống và gần các em hơn, để các em thực sự biết rung động, khơi dậy những cảm xúc”.

Theo cô Quỳnh Anh, học môn Ngữ Văn, giáo viên cần phải hướng dẫn cho học sinh biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, chứ không phải chỉ học bài một cách sáo rỗng, theo kiểu học vẹt. Đặc biệt, đối với những người thân yêu nhất của mình, học sinh cần phải biết bày tỏ cảm xúc, lòng biết ơn… Học sinh biết cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh ngoài đời, biết lên án những thói hư tật xấu ảnh hưởng đến cuộc sống…

Cô Trần Thị Quỳnh Anh sinh năm 1992, là giáo viên dạy Văn tại trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM. Năm 2016, dự án học văn “Tôi yêu tiếng nước tôi” của cô đoạt giải Nhất tại chung kết hội thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” cấp Quốc gia do bộ GD-ĐT tổ chức. Năm 2017, cô tiếp tục gặt hái thành công khi đạt giải thưởng đặc biệt về ứng dụng công nghệ trong dạy học.

Chia sẻ với PV, đại diện ban Giám hiệu trường THPT Trưng Vương cho biết, cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh là cựu học sinh của trường. Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm TP.HCM thì cô Quỳnh Anh quay về trường cũ giảng dạy. Mặc dù tuổi nghề chỉ 4 năm nhưng cô được học sinh tin yêu vì phương pháp dạy học mới. Đề Văn cô mới ra cho học sinh vừa rồi được đánh giá là gần gũi, thiết thực.

Phan Hoài

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-giao-tre-ra-de-van-khien-nhieu-hoc-sinh-roi-nuoc-mat-khi-lam-bai-a405515.html