Cô giáo trẻ đơn độc giữa rừng, bám bản gieo chữ, nhiều đêm khóc vì nhớ con

Vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống, cô giáo Nguyễn Thị Vân tình nguyện lên vùng cao dạy chữ cho học sinh dân tộc thiểu số và nguyện theo nghề giáo trọn đời.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân là giáo viên trường mầm non Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ba năm trước, chị xung phong lên điểm trường Lũng Hoài - một trong những điểm trường khó khăn nhất toàn tỉnh, mang con chữ đến với học sinh dân tộc thiểu số.

Người mẹ thứ hai

Tại điểm trường mầm non Lũng Hoài (thuộc trường mầm non Thượng Nung), cô giáo Nguyễn Thị Vân đang phụ trách 30 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ các em đều đi làm ăn xa nên chị là người mẹ thứ hai, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho học sinh.

Năm 2018, cô Vân đang là giáo viên tại trường mầm non Trúc Mai (xã La Hiên, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) tình nguyện xung phong nhận nhiệm vụ tại điểm trường Lũng Hoài - một trong những điểm trường xa, nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Đường lên Lũng Hoài quanh co đồi núi, bốn bên dựng đứng dốc đá tai mèo. Từ trung tâm xã đến điểm trường dài 5km mà chỉ có vài chục nóc nhà người H’Mông. Ngày nhận công tác, nhìn các con đầu trần, chân đất, ăn mặc phong phanh, khuôn mặt tím tái vì mưa lạnh mà chị không kìm được lòng. Về trường, chị đề xuất hiệu trưởng cử giáo viên đến từng thôn, bản để vận động học sinh đi học.

Ba tháng đầu tiên nhận công tác là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với chị. Quãng đường đi dạy từ nhà đến trường dài hơn 50km đường đồi núi nhưng ngày nào chị cũng đi đi, về về gần 100km. Do công việc bận rộn nên chị phải gửi con gái nhờ ông bà chăm hộ. Nhiều đêm trực tại trường, chị khóc rưng rức vì nhớ nhà, nhớ con. Một mình vò võ trên non, chị chỉ mong trời nhanh sáng để có người nói chuyện.

Cô giáo Vân xung phong lên điểm trường khó khăn nhất tại Thái Nguyên để dạy chữ cho học sinh.

Cô giáo Vân xung phong lên điểm trường khó khăn nhất tại Thái Nguyên để dạy chữ cho học sinh.

Việc bất đồng ngôn ngữ khiến chị không giao tiếp được nhiều với học sinh. Để xóa bỏ rào cán đó, ngoài giờ lên lớp, chị học thêm tiếng người H’Mông để nắm bắt nhu cầu đi học của các em. Sau đó, chị bắt đầu dạy Tiếng Việt để trẻ giao tiếp tốt hơn.

Nhờ tâm huyết và tình yêu thương của cô Vân mà những đứa trẻ tại Lũng Hoài đã biết được con chữ. Sau 3 năm gắn bó với nơi đây, chị tự hào nói: “Các con bây giờ chăm học và đi đúng giờ hơn. Nhiều phụ huynh nhận thấy được lợi ích của việc đi học nên tích cực gửi con đến trường. Bên cạnh đó chúng tôi cũng nhận được nhiều sự đầu tư của các cấp chính quyền về cơ sở vật chất và điều kiện nuôi dưỡng trẻ”.

Dù đường xa nhưng chị chưa có ý định chuyển về trường gần nhà. Bởi chị đã thích nghi và tìm được niềm vui nơi đây. Chị mong sẽ là người mẹ thứ hai chăm sóc các em và nhìn các em khôn lớn mỗi ngày.

Một lòng theo nghề giáo viên

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, ước mơ từ thuở nhỏ của chị Vân là trở thành giáo viên. Tốt nghiệp năm 2011, chị xin làm giáo viên hợp đồng tại trường Mầm non Cây Thị (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Từ ngôi trường đầu tiên ấy, chị trải nghiệm những tháng ngày làm cô nuôi dạy trẻ với nhiều bỡ ngỡ. Nhận được nhiều sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị Vân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Năm 2013, do điều kiện và hoàn cảnh nên chị chuyển công tác về quê nhà để tiện chăm sóc người thân. Sau đó, chị xây dựng gia đình nhưng cuộc sống cũng không bớt phần vất vả do kinh tế 2 nhà eo hẹp. Đang là giáo viên hợp đồng với mức lương ít ỏi, chị phải chăm lo cho gia đình lớn với 4 thế hệ và cả em trai đang đi học.

Chị một lòng tận tụy với nghề và không ngừng học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Chị tâm niệm: “Nghề giáo viên mầm non, ngoài chuyên môn cần nhất tình yêu thương con trẻ. Chúng tôi luôn xác định vai trò của mình là người mẹ thứ hai tại trường. Vì thế bên cạnh việc dạy chữ cho các em thì việc định hình nhân cách từ thuở nhỏ cho học sinh rất quan trọng”.

Cô Vân đến từng thôn bản vận động học sinh đi học.

Ngoài thời gian bám lớp, bám bản, chị thường xuyên đi lượm vỏ chai, lốp xe…tận dụng những loại vật liệu đã qua sử dụng để tạo ra những con thú, đồ chơi, mô hình nhà cửa…mang đến lớp cho các em trải nghiệm. Cuối tháng nhận lương, cô Vân trích ra một phần mua đồng quà, tấm bánh cho học sinh liên hoan. Chị tâm niệm, chừng nào còn sức khỏe là còn đi dạy. Giáo viên là nghề thiêng liêng cao quý. Vì thế, được trở thành giáo viên mầm non luôn là đặc ân, món quà Thượng đế ban cho chị.

Những năm tháng công tác trong ngành giáo dục, chị Nguyễn Thị Vân nhiều lần tham gia và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; nhiều năm liên tục cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, chị là một trong hai cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh Thái Nguyên được tôn vinh trong Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.

VŨ NINH

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-giao-tre-don-doc-giua-rung-bam-ban-gieo-chu-nhieu-dem-khoc-vi-nho-con-ar595123.html