Cô giáo tố 'trù dập': Nếu trường học dung dưỡng cái sai...

Nếu không xử lý vụ việc một cách thuyết phục sẽ là điều kiện dung dưỡng cho những cái sai trái, cái phi đạo đức trong xã hội phát triển.

Liên quan tới vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất (trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai) tố bị trù dập, phân công việc không phù hợp, bị học sinh hành hung... Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin. Tuy nhiên, trong thời gian này, những giáo viên trong trường, phụ huynh, học sinh cũng bị lôi vào cuộc phân định đúng sai của vụ việc. Thực trạng này khiến các chuyên gia giáo dục phải băn khoăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuất. Ảnh: Dân Việt

Cô giáo Nguyễn Thị Tuất. Ảnh: Dân Việt

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Phạm Tất Dong - phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc cần phải làm ngay lúc này là lãnh đạo sở, ngành giáo dục từ trung ương tới địa phương phải khẩn trương chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc.

Vị GS cho biết, những thông tin liên quan tới vụ việc đang ngày càng trở nên phức tạp, những thông tin trái chiều ngày càng nhiều với quy mô không giới hạn trong không gian trường, lớp nữa mà đã trở thành vấn đề của làng xóm, phụ huynh, học sinh khiến cả xã hội phải quan tâm. Việc này càng kéo dài càng gây băn khoăn trong xã hội. Vì thế, GS Phạm Tất Dong cho rằng, các cơ quan chức năng phải khẩn trương làm rõ đúng sai để đưa ra biện pháp xử lý cho phù hợp.

"Tôi được biết Sở GD-ĐT Hà Nội, Bộ GD-ĐT cũng đã có chỉ đạo và quyết tâm làm sáng tỏ mọi việc, việc này là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải nhanh chóng, khẩn trương, sớm đưa ra kết luận rõ ràng để tránh những dư luận xấu làm ảnh hưởng tới trường, lớp, tâm lý học sinh, phục huynh, làm mất uy tín của ngành giáo dục", GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Nhìn từ góc độ văn hóa, ứng xử, vị GS cho rằng đây là một vụ việc điển hình cho thấy sự xuống cấp trong mối quan hệ giữa nhà trường - giáo viên và gia đình.

"Sự gắn kết trong mối quan hệ ba bên lâu nay vẫn rất được coi trọng thì nay đã cho thấy những rạn nứt, những bức xúc tồn tại khó có thể giải quyết. Nhân - Lễ - Nghĩa bị xem nhẹ, nhà trường không bảo vệ được giáo viên, giáo viên không tôn trọng nhà trường, đồng nghiệp tố cáo lẫn nhau, học sinh không nghe lời thầy cô, phụ huynh thì xem thường thầy cô giáo...

Trường học từ bao giờ lại trở thành một mớ hỗn đỗn với những toan tính lợi ích, tiêu cực, thành tích? Học sinh từ bao giờ trở thành côn đồ, bạo lực, hung hãn? Còn phụ huynh từ bao giờ trở thành người nắm quyền công lý, tự cho mình quyền phán xét, hành hung, xúc phạm, lăng mạ thầy cô giáo? Tất cả là hệ quả của việc ứng xử thiếu chuẩn mực mà ra", vị GS thẳng thắn.

Dẫn lại chính vụ việc của cô Tuất, GS Phạm Tất Dong phân tích, đầu tiên là phản ánh của cô Tuất về cách hành xử của nhà trường với giáo viên. Nếu thông tin phản ánh là chính xác, chính nhà trường và các giáo viên đã tự dựng lên một bức tranh xấu xí, cho thấy cách hành xử giữa nhà trường với giáo viên, giữa giáo viên với giáo viên rất thiếu nhân văn, thiếu văn hóa.

Ông đặt ra loạt câu hỏi: Tại sao một cô giáo lại bị phân công đi dọn vệ sinh, làm thay việc của bảo vệ? Tại sao một cô giáo ngày hôm trước còn là giáo viên tốt, giỏi với bề dày thành tích được ghi nhận nhưng hôm sau đã trở thành cô giáo tồi với hàng loạt những tố cáo trái chiều? Vậy ai đã phong danh hiệu giáo viên giỏi cho cô giáo? Phong danh hiệu này vì lý do gì?

"Để xảy ra việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về phía nhà trường, lãnh đạo trường? Vai trò, trách nhiệm của nhà trường là phải xử lý mọi việc khách quan, công tâm, giải quyết triệt để các mâu thuẫn, không để xảy ra tình trạng bức xúc kéo dài.

Chính từ chỗ giáo viên ứng xử với nhau, nhà trường ứng xử với giáo viên thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng như vậy mới có việc học sinh không tôn trọng giáo viên, học sinh tố cáo, hành hung, phê phán cô giáo", vị chuyên gia nói rõ.

Từ vụ việc của cô Tuất, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng làm rõ trắng đen, phải xử lý triệt để để trả lại uy tín, danh dự, trả lại niềm tin của dư luận với ngành giáo dục.

GS Phạm Tất Dong cảnh báo, những vụ việc như trên nếu không được xử lý một cách thuyết phục sẽ là điều kiện dung dưỡng cho những cái sai trái, cái phi đạo đức trong xã hội phát triển. Điều này càng đáng lưu tâm trong vấn đề đạo đức học đường, vốn đã được cảnh báo rất nhiều thời gian gần đây.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/co-giao-to-tru-dap-neu-truong-hoc-dung-duong-cai-sai-3429997/