Cô giáo thắp sáng hy vọng cho trẻ khuyết tật

Từ một giáo viên đứng lớp rồi đến phó hiệu trưởng nhiều năm liền trong môi trường tiểu học với những học sinh bình thường, năm học 2012-2013, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc đã mạnh dạn nhận lấy trọng trách Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Hy Vọng quận 8 (TP.HCM) và bằng tình yêu thương, trách nhiệm cô đã có nhiều sáng kiến, hoạt động giúp học sinh hòa nhập cộng đồng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc chia sẻ với học sinh trong một buổi sinh hoạt ngoài trời tại trường Hy Vọng.

Nằm trong một con hẻm khá yên tĩnh thuộc đường Hưng Phú, phường 8, quận 8, TP.HCM, Trường chuyên biệt Hy Vọng ngày ngày vẫn sang sảng tiếng giảng bài, đọc bài của thầy cô và học trò. Ngôi trường chỉ vẻn vẹn có 49 học sinh có lứa tuổi từ 3 đến 13 tuổi, nhưng tất cả học sinh đều bị khiếm thính, một số em khác còn bị đa tật nên việc dạy dỗ khá vất vả.

Cô Trúc chia sẻ: “Trước đây tôi dạy và làm phó hiệu trưởng ở một trường tiểu học bình thường, song qua nhiều lần tiếp xúc với thầy cô giáo cũng học sinh chuyên biệt của ngôi trường này tôi mong muốn làm gì đó giúp thật nhiều em được hòa nhập cộng đồng nên quyết định chuyển về đây. Ngoài vai trò quản lý, tôi cũng tham gia đứng lớp dạy học”.

Tuy nhiên, dù đã vững tay nghề với phương pháp dạy tiểu học, nhưng với những học sinh chuyên biệt thì mọi thứ với cô lại bỡ ngỡ như lúc mới bước vào nghề. Nhất là khi tiếp xúc với các em, cô nói nhiều em không nghe và không hiểu được nên tỏ ra khó chịu, bức bối... không hợp tác với giáo viên. Khó khăn là vậy, nhưng với lòng yêu nghề, mong muốn đem lại kiến thức cũng như chăm lo đến đời sống tinh thần của những trẻ kém may mắn, cô Trúc đã tự mình mày mò, học hỏi đồng nghiệp cách dùng ký hiệu ngôn ngữ, âm giọng để giao tiếp trao đổi với học trò. Và sau khi kết thúc công việc tại trường, cô lại tranh thủ những buổi tối và các ngày thứ Bảy, Chủ nhật để theo đuổi khóa học về chuyên biệt với hy vọng mình có thể làm tốt hơn với cương vị là một giáo viên, một hiệu trưởng.

Không dừng lại ở đó, trong suốt 5 năm gắn bó với trường, bằng tình tình yêu thương trăn trở của một người mẹ cô đã tự mình mày mò tìm ra những phương pháp tối ưu nhằm lồng ghép phương pháp tiểu học với chuyên biệt để cải thiện khả năng nghe hiểu, phát âm và nói cho học trò. Chẳng hạn như thông qua môn hội thoại, các thầy cô và học trò đã cùng nhau thực hành kỹ năng nói, tìm hiểu sự việc với những hình ảnh trực quan sinh động. Dần dần, khả năng tiếp thu kiến thức, biểu đạt bằng lời nói trở nên dễ dàng hơn. Cô cũng thường xuyên tìm hiểu tài liệu, kết hợp thực tế để cho ra những phương pháp giảng dạy hòa nhập.

Với những em ở lứa tuổi tiểu học, nhà trường đã và đang triển khai cho học sinh học băng hình bài giảng Elearning, với nội dung băng hình đủ ý, rõ ràng, sinh động. Riêng phần minh họa, nội dung qua ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên chỉ cần giảng qua là học sinh có thể nắm bắt được. Kết quả, đã có nhiều học sinh ở ngôi trường Hy Vọng quận 8 này được hòa nhập, đến trường tiểu học như các bạn cùng trang lứa khác.

Không chỉ quan tâm đến việc dạy kiến thức, ở trường cô Nguyễn Thị Thanh Trúc còn tạo mọi điều kiện để học sinh của mình được học kỹ năng sống, được tham gia các hoạt động như tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, công việc cùng với các thầy cô trong trường, các đoàn viên thanh niên của quận, thành phố…

Ngoài ra, với tấm lòng yêu thương, hết lòng chăm lo cho học trò của mình, cô Trúc cũng đã cùng các đồng nghiệp tổ chức được 3 lớp học kí hiệu ngôn ngữ miễn phí cho phụ huynh. “Phụ huynh của học sinh trong trường đa phần là người lao động có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, phải mưu sinh, ít có thời gian dành cho con cái, lại không có kiến thức về kí hiệu ngôn ngữ nên rất khó giao tiếp với con. Qua những lần trao đổi với phụ huynh, tôi thấy lo lắng vì phụ huynh không hiểu trẻ, khiến trẻ ở nhà hay tỏ ra bực bội, bất hợp tác”, cô Trúc tâm sự.

Vì thế, dù nhà trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị nhưng cô Trúc đã tổ chức lớp học miễn phí cho phụ huynh vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Cô kể: “Khi phụ huynh đi học về thông qua các kí hiệu ngôn ngữ đã hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của trẻ tôi thấy rất vui vì các em được gần gũi với người thân và không còn cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi ngay chính trong ngôi nhà của mình”.

Với vai trò quản lý trong 5 năm tại trường Hy Vọng quận 8, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Học sinh và giáo viên đạt một số thành tích cao trong các hội thi cấp quận, cấp thành phố. Đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh đạt 100%. Hoàn thành chương trình bậc tiểu học 100%. Học sinh lên lớp thẳng và hoàn thành lớp học trên 95%. Nhà trường có 2 giáo viên đạt giải Nhì cấp thành phố trong Hội thi giáo viên dạy giỏi trẻ khuyết tật. Học sinh, giáo viên đạt một số giải Huy chương Vàng, Đồng các môn thể dục thể thao… Bản thân cô Trúc cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Bằng khen của UBND TP.HCM. Trong dịp 20/11/2017, cô đã vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản về những đóng góp tích cực cho ngành Giáo dục.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-giao-thap-sang-hy-vong-cho-tre-khuyet-tat.aspx