Cô giáo 'quyền lực' im lặng không giảng bài: Giáo viên chủ nhiệm không thể vô can

Trong khi cô giáo 'quyền lực' im lặng không giảng bài, một hành vi kỳ quái chưa từng có trong lịch sử giáo dục, vẫn chưa bị kỷ luật, thì học sinh trung thực mạnh dạn nói lên bất công đã phải 'ra đi'.

Học sinh Phạm Song Toàn bật khóc khi báo cáo sự việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM. Ảnh: Zing

Lý do em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1 trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TPHCM), phải chuyển trường là do áp lực từ nhà trường, khi họ cho rằng em đã lên tiếng “không đúng chỗ”.

Đây có thể nói là một “thất bại” của ngành giáo dục, với lối ứng xử thiếu sự công tâm, có phần “nhỏ nhen” với em học sinh trung thực, dũng cảm. Với lối ứng xử này, nhà trường khó mà “lớn”, mà nâng tầm lên được.

Người vi phạm nghiêm trọng nhất - cô Trần Thị Minh Châu - lại được lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM lên tiếng bảo vệ: Theo lãnh đạo sở, việc xử lý kỷ luật đối với cô Châu phải cân nhắc, kỹ lưỡng và hết sức thận trọng một phần vì trước đây cô đã từng bị kỷ luật cảnh cáo. Dựa trên quy định của ngành thì tiếp sau hình thức kỷ luật này sẽ là hình thức đuổi việc.

Như vậy, khi nhà trường chưa họp kỷ luật cô Châu, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã “định hướng”, với hàm ý làm sao để cô này không bị buộc thôi việc. Trong khi đó, hành vi của cô Châu, cộng với những sai phạm trước đó, xứng đáng với hình thức cho ra khỏi ngành.

Mặt khác, như lời em Phạm Song Toàn, học sinh đã báo cáo với cô giáo chủ nhiệm, cô chủ nhiệm cũng đã trao đổi với cô Châu, nhưng không giải quyết được. Cô chủ nhiệm cũng không báo cáo với ban giám hiệu, dẫn đến sự việc cô giáo "quyền lực" không giảng bài kéo dài, gây hậu quả.

Trong vụ việc này, cần xác định trách nhiệm của GV chủ nhiệm lớp 11A1. Cô đã biết sự việc, đã trao đổi với cô giáo dạy Toán, nhưng tình hình không thay đổi. Tuy nhiên, GV này đã không nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, không báo cáo với tổ chuyên môn, ban giám hiệu.

Có thể, năng lực nhận thức của GV này “có vấn đề”, hoặc cô đã vô trách nhiệm, mặc kệ cho sự việc diễn ra. Chính việc cô không báo cáo với tổ chuyên môn và ban giám hiệu dẫn đến sự việc cô Châu không giảng bài trong nhiều tháng và em Song Toàn phải khóc, báo cáo với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM.

Trong nhà trường, vai trò của GV chủ nhiệm hết sức quan trọng, đóng vai “cầu nối” giữa nhà trường với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh. Vì vậy, phải lựa chọn những người nhiệt tình, có năng lực, tâm huyết làm GV chủ nhiệm.

HẢI ĐĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/co-giao-quyen-luc-im-lang-khong-giang-bai-giao-vien-chu-nhiem-khong-the-vo-can-600139.ldo