Cô giáo quỳ - Sự sụp đổ của đức học, thất bại của nếp nhà

Trên mạng xã hội, vụ việc cô giáo bị bắt quỳ tiếp tục được bàn tán sôi nổi. Văn hiến xin tổng hợp một số ý kiến như sau.

Nguyễn Thị Việt Hà: Cô giáo ấy, vị phụ huynh kia đều là đồng bào tôi. Cô giáo phạt học trò quỳ. Cô giáo sai. Phụ huynh bắt cô giáo quỳ để “rửa hận” cho con. Phụ huynh kia càng sai hơn. Quỳ - trong hai trường hợp này đều là nhục hình! Tôi không muốn lao theo đám đông để giải phẩu hai người họ. Chắc lúc này, đau đã thấm!
Nhưng tôi không thể hiểu vị hiệu trưởng và những đồng nghiệp của cô giáo đều chứng kiến việc ấy đến 40 phút bình thản đến mức báo chí tràn lan mới thốt lên rằng mình… ngỡ ngàng. Họ đã làm gì lúc đó trong 40 phút? Chưa kể tới vị hiệu trưởng nọ có bảo vệ giáo viên mình hay không? Chưa kể tới việc đồng nghiệp có bênh vực nhau hay không? Ở góc độ con người và chuẩn mực đạo đức xã hội việc khi một cô giáo phải quỳ nơi chính ngôi trường mình đang dạy không chỉ là sự tôn nghiêm sụp đổ mà là sự quỳ gối thất bại của Đức Học.

Đành rằng khi người lớn làm sai với con trẻ, người lớn, kể cả thầy cô, cha mẹ nếu cần thiết cũng phải quỳ trước con trẻ mà xin lỗi chúng. Nhưng sự quỳ gối đó để nhân phẩm được nâng lên cho cả hai phía. Sự quỳ gối đó là sự thừa nhận sai trái lỗi lầm bởi lòng tự trọng quy định nó hoàn toàn khác với 40 phút cô giáo kia phải quỳ. Ở đây cô tự nguyện hay bị ép buộc không còn quan trọng nữa, quan trọng là Đức Học đã thất bại hoàn toàn ít nhất với ngôi trường đó.

Mẹ tôi từng quỳ xuống lau mồ hôi cho em trai tôi trong cơn sốt. Thầy tôi từng quỳ xuống để cõng bạn tôi bị ngã gẫy chân. Và đồng nghiệp tôi bất giác quỳ thụp xuống ôm lấy cô học trò tái xanh mặt ngất xỉu khi bị la quá mức để bế thốc em leo lên xe của một đồng nghiệp khác ra trạm y tế gần đó. Và tôi, tôi quỳ rất nhiều lần trước cậu con trai bé bỏng của tôi và nói với con rằng chúng ta phải qua những thử thách cực hạn.

Ai làm sai, ắt hẳn sẽ nhận hậu quả. Kể cả cô giáo và vị phụ huynh kia. Nhưng có một cái quỳ gối khác diễn ra đến ba lần trong cùng một đứa trẻ.
Lần thứ nhất quỳ gối do cô phạt. Lần thứ hai vì bị quỳ gối nên không muốn đi học. Lần thứ ba là khi biết cô phải quỳ trước mặt bố mình và đồng nghiệp của cô.

Ở đây tôi không bàn đến phản ứng tức thời của em học sinh đó. Tôi nhìn thấy sau sự sụp đổ của Đức Học trong nhà trường thì tiếp theo là sự sụp đổ của Nếp Nhà. Người Bố nọ vĩnh viễn sẽ chẳng thể dạy con những điều hay lẽ phải khi chính ông đã làm một việc Bất Nghĩa bị cả nước biết đến, lên án mà phần lỗi, cái sai của ông ấy lớn đến mức che mờ phần lỗi, cái sai của cô giáo trước đó mặc dù nó cũng không nhỏ chút nào. Mà nếu, ông ấy có cách cư xử Người hơn thì đám đông đã “xẻ thịt” cô giáo ấy thay ông rồi. Như bao vụ vẫn thế.

Báo chí, dư luận, xì xào đám đông sẽ qua. Chỉ ba người họ còn nhớ mãi mãi. Nhưng Đức Học (ít nhất trong ngôi trường ấy), Nếp Nhà (ít nhất trong ngôi nhà ấy) dường như đã mục ruỗng thì đứa trẻ ấy sẽ trưởng thành theo hướng nào?

Tôi không muốn nhìn sự việc ở góc độ đao to búa lớn về nghi lễ, về hệ thống và hỏi tội cả bộ trưởng như đám đông. Tôi quan tâm đến điều bé mọn hơn rất nhiều…

Sai từ nhà trường sai ra, sai từ nhà sai đến, trẻ con là đối tượng giáo dục lại nằm ở giữa.

Vẫn hy vọng… Với sự can đảm, tự trọng của mình, đứa trẻ ấy lớn lên sẽ nhân ái, độ lượng. Đó cũng là Phúc cho người bố ấy và cho cả cô giáo nữa. Chỉ duy nhất điều đó thôi là còn an ủi cho vết thương sâu thăm thẳm của cả ba.

12 giờ đêm, tôi không tài nào ngủ được.
7 năm trước, tôi cũng là một nhà giáo.

Thinh Nguyen: Đến nay tôi vẫn chưa có một người thầy cô nào để mình trân trọng. Bởi có lẽ hồi nhỏ được giáo dục đánh cho mày khôn phạt cho mày khôn. Vì thương phải cho roi. Học là cái mình chưa biết nhưng phải sửa sai lập trình lại não bộ cho đúng và hoàn thiện một môn học hoặc một kỹ năng...nên động viên học sinh theo kỹ năng học hỏi phương pháp giáo dục tùy theo năng khiếu bẩm sinh của mỗi người khác nhau để phát triển tốt nhất cho mỗi học sinh mỗi con người.

Trên đời này nhiều thầy giáo giết chết ước mơ biết bao nhiêu thế hệ. Bởi họ cho mình là thầy số một cho mình đứng trước bộc giảng dạy phán xét đúng sai học trò theo cảm nhận cá nhân mình và đôi khi dùng nắm đấm để giáo dục tốt, quan điểm này không còn phù hợp trong thế giới hiện đại ngày nay. Cứ nói không nghe là đánh. Một quan niệm quá sai lầm nói chỉ đúng trong xh phong kiến.

Avera Lena: Ôi.... chưa có người thầy nào để trân trọng thì sao nên người được bạn Thinh Nguyen??!

Duy Hồng Phan: Bài viết thật sâu sắc. Mình thấy ông HT kém quá, không xử lý được việc đơn giản, không bảo vệ được giáo viên của mình. Báo chí không nói được cái sai, cái kém của HT.

Ks Lai Minh Duc: Cả nhà em mấy đời làm thầy đồ, thầy giáo. Từ hôm đọc xảy ra việc này em hoang mang lắm. Không biết cái xã hội này sẽ đi về đâu. Giáo dục mới là nền tảng quyết định sự phát triển của một dân tộc. Thế mà thực trạng thì ai cũng biết rồi đấy.

"Việc một cô giáo bị phụ huynh gây áp lực đến mức phải quỳ trong 40 phút, ngay tại cơ sở giáo dục, trước mắt giáo viên và phụ huynh... đã trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng về sự sa sút trong đạo đức xã hội. Khi đầu gối cô giáo chạm đất, truyền thống tôn sư trọng đạo cũng không còn. Do đó, trách nhiệm xử lý rốt ráo sự việc thuộc về các ngành chức năng, dưới sự giám sát của xã hội."

Lê Quý Hiền: Các vị nào bênh tay Thuận, chê cô giáo nên nhớ là cô chỉ là giaos viên thân cô thế cô. Cô giáo không ở Hà nội đâu ạ nên đừng ngồi ở HN mà phán bừa. Tay Hiệu trưởng cũng cần bị khởi tố với vai trò tòng phạm.

Nguyễn Thị Hải: Tôi cũng đề nghị truy tố tay Thuận và kỉ luật thầy hiệu trưởng ko bảo vệ cho cán bộ của mình để phụ huynh vào tận trường muốn làm gì thì làm sao. Sau này đứa mất dạy nào nó vào trường hành hung giáo viên cũng được sao, không thể chấp nhận ông hiệu trưởng ấy được.

Thái Sơn: Qua bài phỏng vấn vụ việc càng được làm sáng tỏ. Phụ huynh tên thuận và hiệu trưởng nhà trường cần phải xử nghiêm. Vụ việc không nên chần chừ, có vậy mới ngăn chặn đà xuống dốc của công tác giáo dục đào tạo. Thành ngữ "thương cho đòn, ghét cho chơi" vẫn là một chân lý. Động cơ phạt học sinh cũng là mong học trò của mình tiến bộ mà thôi.

Diep Pham: Khi đạo đức học sinh đã xuống cấp, không kính trọng thầy cô giáo, lại có sự tiếp tay của phụ huynh, nên cần làm trệt để và mạnh mới mong cứu vãn được ngành trồng người và ổn dịnh trật tự cho XH vì hiện tượng các học sinh manh động rất nhiều.

Nguyễn Viết Hoài: Lối sống và thái độ vô cảm giữa người với người ở Việt Nam đã leo đến đỉnh cao. Nó đã báo động sự suy thoái của đạo đức. Vấn đề là Lãnh đạo nghĩ gì qua câu chuyện này?

Kim Nguyen: Qua thông tin truyền thông, ông hiệu trưởng Huỳnh Công Sơn không phải là người có năng lực lãnh đạo, xử lý mâu thuẫn, xung đột, khiếu nại tốt.Chính sự yếu kém về lãnh đạo của ông đâ góp phần tạo ra kết cục đau lòng: Cô giáo quý gối xin lỗi PHHS.

Khi xử lý mâu thuẫn, xung đột và thắc mắc của phụ huynh học sinh với giáo viên, người có trách nhiệm và kinh nghiệm chắc chắn không để giáo viên phải đối mặt, chịu sự chất vấn , làm nhục của PHHS trong tình huống căng thẳng như vậy. Việc ông hiệu trưởng để cô giáo một mình giữa những phụ huynh đang bức xúc, như ông Vô Hòa Thuận, rất nguy hiểm đến sư an toàn của cô giáo. Ông có thể hoãn việc dự lớp để giải quyết vấn đề quan trọng hơn, nhưng ông không đánh giá được tình hình và không biết xử lý linh hoạt. Ông thật sự vô trách nhiệm, thiếu năng lực và kém cỏi trước giáo viên và PHHS. Ông không thể là một hiệu trưởng có uy tín đáng được tin cậy.

Vấn đề có thế giải quyết nhẹ nhàng, êm dịu hơn rất nhiều, nếu như ông hiệu trưởng trực tiếp lập biên bản ghi nhận sự việc, không để cho cô giáo phải đối chứng trước phụ huynh, và cam kết với phụ huynh sẽ điều tra, xử lý rồi báo cáo kết quả lại với PHHS. Chắc chắn cô giáo vẫn nhận khuyết điểm và rút kinh nghiệm. Phụ huynh học sinh cũng vui lòng. Cô giáo cũng không bi gây sức ép, phải quỳ gối xin lỗi PHHS.

Một băn khoăn nữa: Bộ GDĐT có phổ biến chính sách về quy trình xử lý mâu thuẫn, xung đột khiếu nại của PHHS đổi với giáo viên không? Giáo viên có được thưởng xuyên cập nhật quy trình xử lý mâu thuẫn xung đột khiếu nại của PHHS đổi với giáo viên không? Nếu chưa, thì đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc cô giáo quỳ gối xin lỗi PHHS.

Chúc Sơn (Tổng hợp) |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/co-giao-quy--su-sup-do-cua-duc-hoc-that-bai-cua-nep-nha-60334