Cô giáo mặt trời gieo hạt nắng vô tư

Ở Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh có một giảng viên đặc biệt, một cô giáo luôn nở nụ cười trên môi, giọng nói nhẹ nhàng, thái độ sống tích cực. Sinh viên nhớ đến chị với bài giảng hấp dẫn, sinh động, đồng nghiệp ấn tượng về chị với tài đàn giỏi, hát hay… bỏ quên trong trí nhớ đôi nạng chị mang theo hàng ngày.

Cô giáo Võ Thị Hoàng Yến cùng các du học sinh Việt Nam khác trong lễ tốt nghiệp

Gặp chị, lắng nghe những tâm sự, cứ nhớ đến một câu hát để nghĩ Võ Thị Hoàng Yến là “cô giáo mặt trời gieo hạt nắng vô tư”!

Được tiếp thêm sức mạnh từ mẹ

Sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng một cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân chị không đi lại dễ dàng như bao bạn khác. Không hề tự ti, mặc cảm, Võ Thị Hoàng Yến quyết tâm vươn lên bằng con đường tri thức.

Chị tốt nghiệp hai bằng cử nhân kinh tế và sư phạm Anh văn; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người (ĐH Kansas, Mỹ 2004); là người điều hành chương trình Khuyết tật và phát triển từ năm 2005 (Disability Resource and Development – DRD). Và chị vừa hoàn thành xong chương trình Tiến sỹ của Học bổng Chính phủ Australia, trở về Việt Nam vào tháng 3/2018.

Chị đã thực hiện ước mơ thành tiến sĩ như một minh chứng rằng nếu có được bình đẳng về cơ hội, người khuyết tật có thể học lên cao hay có thể trở thành người đóng góp xây dựng cộng đồng chứ không phải là người chỉ nhận sự xót thương hay là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Hỏi chị để đi được quãng đường không hề bằng phẳng như vậy, ai là người tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chị? Cô giáo Hoàng Yến xúc động nói: Trước hết vẫn là má tôi! Tôi vẫn nhớ như in một lần má nói với tôi rằng: “Con không khá giả như các chị, nhưng má không cần tiền của con. Má tự hào về con, tự hào về những việc con đang làm!” Niềm tự hào của má là sức mạnh lớn lao cho tôi.

Bên cạnh đó là các em thanh niên khuyết tật cũng cho chị Hoàng Yến thêm động lực phấn đấu. Nhìn thấy các em thay đổi cách suy nghĩ về số phận, thay đổi cuộc đời mà chị biết rằng mình khó mà dừng được công việc đang làm. Bên cạnh đó, những người vẫn ủng hộ công việc chị đang đeo đuổi. Niềm tin của mọi người và sự hỗ trợ mà chị Hoàng Yến nhận được đã truyền cho chị sức mạnh để tiếp tục vững bước.

“Có lần tôi nói với các em DRD rằng có khi DRD phải dừng hoạt động nếu quá khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ. Có em đã thốt lên: “Uổng lắm cô ơi. Mình ráng đi cô. DRD đã giúp em và các bạn ở DRD thay đổi và sẽ còn giúp nhiều người thay đổi nữa!”

Một lần khác, khi tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi với đủ thứ áp lực và chia sẻ điều này với một người anh – một doanh nhân đáng kính vẫn luôn ủng hộ tôi và DRD – thì anh nói rằng: “Ai chứ Yến thì không được mất lửa. Anh sẽ luôn hỗ trợ em!” Những lời động viên đúng lúc như thế cũng giúp tôi củng cố niềm tin vào con đường mình đã chọn’ – Chị Hoàng Yến tâm sự.

Trong công việc, chị Hoàng Yến luôn quan sát và học tập từ người khác. Chị kể bản thân học ở một em nhân viên đầu tiên (em khuyết tật rất nặng và đã mất sau vài tháng làm việc) tính kiên nhẫn. Chị học từ một em kiến trúc sư trẻ bị điện giật cụt hết 2 tay cách suy nghĩ về được mất của người khác dù bản thân có thể bị thiệt thòi.

Chị học được từ câu chuyện của một sinh viên lớn tuổi ở Hậu Giang rằng chị may mắn như thế nào khi được sinh ra ở quê chị chứ không phải ở nơi phải lội 2 km bùn sình qua cánh đồng để đi học như anh. Với chị, cuộc sống là luôn học hỏi, và chị luôn học được một điều gì đó từ những người xung quanh.

"Lên sóng” vận động cho quyền người khuyết tật

“Mẹ em cứ tưởng cô là con nhà giàu”!

Các em sinh viên học môn hành vi với cô giáo Võ Thị Hoàng Yến thường có 2 nhóm. Chị nhận xét: Phần lớn các em chỉ lo học cho xong môn và thi cho qua. Một nhóm nhỏ hơn thường tranh thủ giờ ra chơi để chia sẻ những vấn đề khó khăn của bản thân hay gia đình và nhờ cô giáo tham vấn. Với môn Công tác xã hội (CTXH) với người khuyết tật thì có một nhóm khác, nhỏ hơn nữa, chia sẻ băn khoăn của các em là làm sao để tìm được ý nghĩa của cuộc đời.

“Thực tình là không dễ truyền cảm hứng cho các em sinh viên khi mà các em bị bao vây bởi rất nhiều nỗi lo về cơm áo gạo tiền - đặc biệt là các em con nhà nghèo từ các tỉnh, về việc không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, và ảnh hưởng của rất nhiều câu chuyện thị phi về những người lớn mà lẽ ra họ phải là tấm gương cho các em” – Chị Hoàng Yến thẳng thắn chia sẻ.

Chính bởi vậy, khi dạy, chị Hoàng Yến thường hướng các em đến những giá trị của ngành CTXH là công bằng, tôn trọng sự đa dạng, và lắng nghe tích cực. Các ví dụ để phân tích thường do các em nêu ra để chúng gắn liền với cuộc sống và mối quan tâm của các em.

Chị hay dùng câu chuyện của những người khuyết tật để minh họa cho những gì mình muốn nói về khó khăn, về cách làm CTXH, về chính sách, hay về nỗ lực cá nhân vì chị muốn nhắn gửi các em rằng những người khuyết tật được xem là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi mà còn làm được như thế, nếu họ nhận được những hỗ trợ tích cực!

Khi thấy liên quan, chị cũng tranh thủ kể cho các em về những nơi mà chị đã đi qua để các em so sánh và ngầm khích lệ tự ái dân tộc của các em. Có lần, một em sinh viên thốt lên: “Cô sướng quá! Cô được mời đi khắp nơi!”

Chị nói với các em rằng: “Được mời đi và được lo hết mọi chi phí cũng sướng thật. Nhưng cô sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc nếu như mình có thể đi dự các hội thảo quốc tế bằng tiền tài trợ trong nước hay Việt Nam mình trở thành nước có thể tài trợ cho người của nước khác đến Việt Nam dự các hội thảo quốc tế!”.

Cũng không biết các em cảm nhận những điều đó như thế nào, nhưng có một em sinh viên (bây giờ đang là cán bộ tỉnh Đoàn) nói với chị rằng: “Lúc đầu nghe cô kể chuyện về các nước khác em thấy khó chịu vì nghĩ là cô khoe khoang. Bây giờ em mới hiểu!”

Cô giáo Võ Thị Hoàng Yến và giáo sư hướng dẫn

Chị Hoàng Yến tâm sự: Để làm gương thì cũng không dễ vì không phải ai cũng biết về hoàn cảnh gia đình của mình cũng như những gì mà mình đã trải qua. Một em sinh viên khuyết tật (nhận được học bổng của DRD) kể với tôi rằng: “Em xem ti vi thấy cô và nói với mẹ em là em muốn đi thi đại học và làm như cô. Lúc đó mẹ em nói với em rằng nhà mình nghèo làm gì có điều kiện như nhà người ta! Mẹ em cứ tưởng cô là con nhà giàu (Cười)”.

Theo cô giáo Hoàng Yến, cái khó khi làm việc với các em thanh niên là mỗi em mang theo một ước mơ, một khát vọng. Có em cũng chẳng rõ mình mơ ước điều gì ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chị chỉ có thể truyền được cảm hứng khi điều mình nói chạm được gần đến điều các em quan tâm: Liên quan tới cuộc sống của chính các em, của những người thân và những người xung quanh!

Cô giáo Hoàng Yến thường khuyên các em là đừng mơ tưởng những điều tốt đẹp nhưng quá xa vời với khả năng thực tế. Còn những em đang có hoài bão đóng góp cho cộng đồng thì nên chia sẻ điều đó với mọi người, vì biết đâu cũng sẽ có “chung chí hướng” và vì vậy có thể hợp tác để chung tay hành động và biến giấc mơ thành hiện thực.

“Câu chuyện của bản thân tôi và DRD là một ví dụ minh họa thực tiễn nhất cho các em” – cô giáo mặt trời Võ Thị Hoàng Yến đã gieo những hạt nắng thái độ sống tích cực cho sinh viên mình như thế!

Cô giáo Võ Thị Hoàng Yến đàn giỏi, hát hay

Xem những hình ảnh của chị Hoàng Yến trên báo chí, truyền hình, thấy chị có một nụ cười thật rạng rỡ, hạnh phúc. Với không ít người khuyết tật, dù họ có nghị lực sống lớn thế nào đi nữa nhưng không có nụ cười rạng rỡ như vậy, đa phần chỉ là sự cố gắng vượt qua khó khăn. Chia sẻ về nền tảng thực sự cho đời sống tinh thần để có được sự viên mãn, hạnh phúc hiện tại, chị Hoàng Yến cho rằng có lẽ là vì chị đang làm được những điều mình muốn làm, được sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người, nhìn thấy sự thay đổi tích cực ở các bạn trẻ sau khi tham gia các hoạt động tại DRD, và đặc biệt là nhờ chị học được tính chấp nhận và biết yêu thương.

Vũ Ngọc

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/co-giao-mat-troi-gieo-hat-nang-vo-tu-3925619-b.html