Cô giáo mắng học viên 'óc lợn': Cẩn trọng với nút 'share'

Khi xem clip cô giáo mắng học sinh 'mặt người óc lợn', tôi dùng dằng bấm 'share' (chia sẻ) trên trang cá nhân dù biết nó sẽ nhận được sự chia sẻ nối tiếp của nhiều người, nhận được nhiều cái 'like' trên mạng. Tôi không muốn phát tán những ngôn ngữ chợ búa đó – đặc biệt là ngôn ngữ được phát ra từ một người đang được gọi là 'cô giáo'.

Tôi đang lưu thông trên đường vào giờ cao điểm. Đường đông nghẹt. Xe cộ nhích từng chút, từng chút.

Đột nhiên, ngay trước mắt tôi, tiếng một cô gái gào lên thất thanh “Đ.M thằng mặt.... ĐM. đồ biến thái”... Tôi hoảng hốt nhìn theo tay cô gái chỉ, một thanh niên có dáng vẻ lấm lem, đi trên chiếc Wave cũ, chở lỉnh kỉnh đồ nghề lao động rồ máy phóng chạy.

Cô gái nói cô bị thanh niên kia quấy rối. Cô tiếp tục chửi rủa bằng những ngôn ngữ chợ búa nhất, với tất tất cả sự giận dữ đang có.

Thực lòng, trong tôi lúc trào lên cảm giác thông cảm và chia sẻ với cô gái. Tôi cũng ghê tởm những kẻ bệnh hoạn giống cô.

Lẽ tất nhiên, chỉ trong khoảnh khắc đó tôi và nhiều người đi đường có thể chấp nhận sự văng bậy của cô gái với ánh nhìn cảm thông, chia sẻ. Nhưng nếu sự việc đó đã qua đi, cô gái tiếp tục dùng những lời lẽ kinh khủng để chửi bới, rủa xả kẻ biến thái đã không còn trước mặt – chắc chắn cô sẽ không nhận được sự cảm thông tôi dành cho cô nữa mà thay vào đó là sự khó chịu.

Tôi muốn nhắc đến câu chuyện đó để nói đôi lời về vụ “cô giáo” T ở Trung tâm tiếng Anh MST đang gây bão cộng đồng mạng, gây bão dư luận mấy hôm nay.

Hình ảnh vụ cô T mắng học viên "mặt người, óc lợn" được cắt từ clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội

Clip chửi nhau tay đôi giữa cô T và nam học viên trong lớp học, tôi được xem qua facebook của một facebooker có tiếng vào lúc gần đêm. Clip đó nhận được sự chia sẻ mạnh mẽ của nhiều người, cùng nhiều bình luận cũng vô cùng khiếm nhã.

Thực sự, khi xem clip, cảm giác trong tôi lúc đó thật kinh khủng. Tôi đã cố nghĩ rằng “chắc có sự dàn dựng để quay clip này nhằm gây bão mạng”, bởi không thể có chuyện hai người bình thường chửi nhau bằng ngôn ngữ đó, chứ đừng nói giữa cô giáo và học viên...

Tôi dùng dằng chuyện bấm chia sẻ trên trang cá nhân dù biết nó sẽ nhận được sự chia sẻ nối tiếp của nhiều người, nhận được nhiều cái “like” trên mạng. Tôi không muốn phát tán những ngôn ngữ chợ búa đó – đặc biệt là ngôn ngữ được phát ra từ một người đang được gọi là “cô giáo”.

Thời điểm đó, thậm chí cho đến sáng hôm sau, tôi vẫn cố gắng nghĩ theo chiều hướng “hẳn cô ấy bị dồn nén chuyện gì đó, cô ấy đang bốc hỏa, cô ấy mất kiểm soát và đó chỉ là hành động bột phát”.

Tôi chờ đợi lời giải thích, xin lỗi của cô Tuyến vào ngày hôm sau.

Nếu cô ấy giải thích “tôi cả giận mất khôn. Tôi nóng nảy, thiếu kiểm soát. Tôi xin lỗi” – hẳn cô sẽ dễ dàng được cảm thông hơn, chuyện sẽ không đến mức ồn ào như thế.

Nhưng không, hóa ra đó không phải là hành động bột phát của cô T. Nó có thể chính là bản tính –là văn hóa “chửi tục” xấu xí mà cô đang nhiễm nặng.

Liên tiếp những clip cô ấy tự livestream nói về “nguyên tắc” của, nói về quy định phạt tiền cô ấy tự đặt ra trong lớp học, trung tâm của cô ấy. Nó nặng mùi tiền, nó thách thức dư luận.

Vẫn biết, chỉ trích nặng nề một cá nhân cụ thể là không nên. Đặc biệt lại “đánh trực diện” một phụ nữ được gọi là “cô giáo” lại càng không thể tán thành. Nhiều người cũng bảo “bỏ qua đi”; đừng cố moi móc thêm chuyện cô T, đừng bi kịch hóa mọi chuyện theo hướng “đạo đức” này kia.

Lẽ tất nhiên, việc “rộng lượng” bỏ qua, chấp nhận một vài câu chửi thề, chửi bậy vào lúc ai đó “nóng giận”, mất kiểm soát là việc rất nên làm. Cũng không ai trong chúng ta dám “nắm tay thâu ngày đến tối”, chưa từng chửi thề, chửi bậy.

Nhưng như đã nói, đó là việc có thể tha thứ nếu việc chửi tục, chửi bậy đó chỉ là phút “cả giận mất khôn”.

Đằng này, hành động của “cô giáo” Tuyến là quá ngưỡng chịu đựng của nhiều người khi liên tiếp “đăng đàn”, dùng chung một giọng điệu vừa khinh khỉnh, vừa có phần thách thức để lý giải cho hành động của mình.

Người ta không thể chấp nhận một người có thể giỏi về chuyên môn, nhưng thiếu chuẩn mực đạo đức đứng trên bục giảng. Huống hồ, cô T không thực sự là tài năng nổi trội, cô còn chưa có bằng cấp chuyên môn, ngoài tấm bằng kế toán được trưng ra.

Trung tâm tiếng Anh MST do “cô giáo” T vừa là đại diện, vừa đứng lớp giảng dạy cũng đã được xác định đang hoạt động "chui", chưa đăng ký với Sở GD&ĐT Hà Nội. Hiện cả 3 cơ sở của trung tâm này đều đã bị đóng cửa, ngưng hoạt động.

Nhưng cô T vẫn tiếp tục lên mạng với những ngôn ngữ thách thức dư luận – đây thực sự là điều khó chấp nhận.

Môi trường mạng, môi trường xã hội có thể sẽ bị “ô nhiễm” nặng hơn nếu chúng ta tiếp tục chia sẻ những clip mắng chửi, thách thức dư luận của “cô giáo” T, kèm theo đó là những bình luận, "comment" với những ngôn từ chửi bới, rủa xả không kém phần đáng sợ, y như cô T từng dùng.

Có lẽ cũng nên “khép” lại chuyện này bằng cách có một hình thức xử lý cụ thể về chuyện lập trung tâm “chui” với những “quy định chợ búa” như của cô T. Hơn thế, việc kiểm soát thành lập trung tâm ngoại ngữ cũng cần làm có trách nhiệm hơn, tránh để những trung tâm kém chất lượng mọc lên như nấm sau mưa, khiến người theo học “tiền mất tật mang”.

Ở góc độ khác, nếu như chúng ta có chế tài để xử phạt thật nghiêm những clip gây “ô nhiễm” môi trường văn hóa, có chế tài để kiểm soát tốt hơn những vụ livestream thách thức dư luận như kiểu cô T đang làm, thì môi trường văn hóa hẳn sẽ lành mạnh hơn, bớt đi những ồn ào không đáng có.

Hoàng Lan

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-da-trong/co-giao-mang-hoc-vien-oc-lon-can-trong-voi-nut-share-873507.html