Cô giáo mắng học sinh là 'con lợn' không xứng để gọi là giáo viên

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dù là Trung tâm dạy tiếng Anh nhưng với tư cách một người đứng dạy người khác thì cách cư xử, chửi bới học viên của cô T. không xứng để gọi là giáo viên.

Từ đầu năm nay, không ít vụ việc tiêu cực liên quan đến cách ứng xử của giáo viên với học trò khiến dư luận bức xúc như cô giáo ép học sinh phải súc miệng bằng nước giẻ lau, cô giáo im lặng suốt 4 tháng lên lớp dạy… nhưng những hành động đó chỉ được các học sinh kể lại. Còn lần này, dư luận từ phụ huynh đến học sinh đã mục sở thị cảnh quay trực quan về những hành động phản giáo dục của cả nữ giáo viên dạy tiếng Anh lẫn phản ứng thái quá của nam sinh viên.

Điều khiến dư luận bức xúc chính từ sự ứng xử không khéo léo của nữ giáo viên tiếng Anh khi đập bàn, chỉ tay vào mặt và lăng mạ học viên. Ngoài ra, nữ giáo viên này còn xưng hô mày tao với học viên, thậm chí gọi học viên là “con lợn”, “thằng mặt lợn”. Đồng thời, không ngần ngại gọi tư cách người giáo viên là “giẻ rách”.

Có thể thấy, đây là biểu hiện rõ ràng nhất của sự xuống cấp đạo đức của người giáo viên, đó là minh chứng cho một nền giáo dục vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết trong việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho giáo viên. Đồng thời, nó cho thấy, môi trường giáo dục ở các Trung tâm tiếng Anh, trung tâm ngoại ngữ… đa số giáo viên và học viên chỉ ràng buộc nhau bởi đồng tiền. Ở nơi đó, dường như không tồn tại sự “Tôn sư trọng đạo”, “lễ phép với thầy cô” hay thầy cô giáo coi học viên như con em của mình mà nó vận động theo cơ chế thị trường, khi đồng tiền chi phối tất cả thì mọi sự truyền thống đạo đức ngành giáo dục dường như lép vé.

Cách hành xử của cô giáo T. khiến dư luận phẫn nộ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dù là Trung tâm dạy tiếng Anh đi nữa nhưng với tư cách một người đứng dạy người khác thì cách cư xử, chửi bới học viên của cô N.K.T. (trung tâm tiếng Anh MST English) không xứng để gọi là giáo viên.

“Tôi cũng rất bức xúc như dư luận. Tại sao thời buổi này vẫn có những con người như thế. Người ta sẽ học gì được từ cô ta. Bác Hồ đã dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó…”. Nếu là một giáo viên có kỹ năng thì tôi tin là cô này sẽ không hành xử như thế”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Ông Nhĩ cho rằng, cách cư xử của nữ giáo viên trung tâm tiếng Anh nói trên như những “con sâu bỏ rầu nồi canh” làm dư luận hiểu sai về nhà giáo, về ngành giáo dục.

“Tôi thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc xử lý nghiêm khắc đối với trung tâm tiếng Anh này cũng như cô giáo trên. Cần đình chỉ vĩnh viễn hoặc tạm đình chỉ trung tâm này, xử nghiêm giáo viên trên để làm gương cho người khác”, ông Nhĩ nêu quan điểm

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Nói về sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhìn nhận, người mắc sai lầm hơn cả trong sự việc này chính là bà N.K.T.

Theo TS. Tùng Lâm: Bắt đầu là từ cái sai của học viên không hoàn thành bài, thiếu tôn trọng giáo viên và lại không tìm ra cách để trình bày khó khăn của mình. Nhưng lỗi chính vẫn là của cô giáo. Đã bước vào nghề dạy học thì không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là giúp học viên của cô phát triển nhân cách… Phải chỉ ra cách để họ nhận thức chứ không phải lúc nào cũng phạt. Nhất là thái độ của cô đối với trò là thiếu tôn trọng, coi thường và đi quá xa là mạt sát học trò. Điều đó cho thấy không chỉ đạo đức không tốt mà khả năng nghề nghiệp không được nhuần nhuyễn, đúng mực… Thóa mạ, hạ thấp nhân cách học trò thì cô làm sao có nhân cách được?.

Ông Lâm đánh giá, người có năng lực sư phạm sẽ không làm như vậy mà sẽ có nhiều cách khác và hình thức khích lệ mới là quan trọng.

“Về mặt sư phạm, tôi không tán thành việc cứ một chút là phạt tiền. Mà cậu học viên đó có thể hết tiền, không mang tiền thì sao…, phải cho người ta một đường lui chứ…”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về câu chuyện này, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục, kỹ năng sống) cho rằng sự việc phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề giáo, trong khi những người đó thậm chí có thể không chính danh đúng là giáo viên.

TS. Thu Hương cho biết: “Không phải là cô giáo mà họ chỉ là thợ dạy. Cô giáo là những người chịu trách nhiệm đào tạo về kiến thức, kỹ năng và đạo đức học sinh. Thợ dạy là người biết một cái gì đó và chỉ quan tâm đến mục tiêu đó, có thể là kiến thức, kỹ năng nhưng không bao giờ là đạo đức cả! Nếu cứ gọi họ là cô giáo thì sẽ nhiều người lại bức xúc với ngành giáo dục".

Hương Nguyễn (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/co-giao-mang-hoc-sinh-la-con-lon-khong-xung-de-goi-la-giao-vien-236654.htm