Cô giáo làm nên thành tích lịch sử học sinh giỏi Văn của Điện Biên

GD&TĐ - Lần đầu tiên lãnh đội tuyển học sinh giỏi Văn, cô giáo Lê Thị Biên - giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - đã làm nên thành tích lịch sử của môn học này ở Điện Biên với 5/6 học sinh đạt giải, trong đó có 1 giải nhất và 4 giải ba quốc gia.

Thế nhưng, với cô Biên, đánh giá một người giáo viên giỏi, điều cốt yếu lại không phải là thành tích mà quan trọng nhất vẫn là có được niềm tin, tình yêu và sự kính phục của phụ huynh và học sinh.

Quý cô giáo, yêu luôn môn Văn

Tốt nghiệp đại học, cô sinh viên sư phạm Lê Thị Biên trở về quê hương công tác như một sự tri ân với mảnh đất nơi mình đã sinh ra và thực hiện lời hứa với cô giáo thời cấp 3: Trở thành giáo viên dạy Văn để tiếp nối ước mơ của cô.

Người giáo viên ghi dấu ấn đặc biệt trong quyết định theo đuổi nghề dạy học của cô Biên cũng là cô giáo dạy Văn, rất hiền, có hoàn cảnh khá đặc biệt và được cả lớp yêu quý.

“Ngày đó, mình có dịp gần cô hơn vì là lớp trưởng. Hai cô trò thường hay tâm sự về hoàn cảnh gia đình và cuộc sống. Từ thương yêu, quý mến cô giáo, mình chuyển sang yêu môn Văn bao giờ không biết.

Chỉ dạy được một năm, cô phải chuyển công tác về Trường THPT Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội). Ngày chia tay vô cùng lưu luyến, bịn rịn. Chính thời khắc đó, mình đã hứa với cô là sẽ trở thành cô giáo dạy Văn. Lời hứa đó giờ đã thành sự thực” – cô Lê Thị Biên chia sẻ.

Kết quả bất ngờ lần đầu lãnh đội tuyển

Năm đầu tiên được giao lãnh đội tuyển học sinh giỏi cũng là thời gian không thể nào quên với cô Biên và các học trò. Trong những gương mặt xuất sắc làm nên thành công của kỳ thi học sinh giỏi Ngữ văn của Điện Biên năm đó, cô Biên nhớ nhất Ngô Thị Dung - học sinh duy nhất trong đội giành giải nhất quốc gia.

“Khi học ở trung học cơ sở, Dung chưa bao giờ thi Văn, chữ của em cũng rất tệ. Khi phát hiện ra năng khiếu của Dung, ngay cả bản thân em và gia đình đều rất ngạc nhiên. Và mình đã không nhìn nhầm người. Khi vào đội tuyển, Dung tiến bộ từng ngày. Tất cả bút cho Dung viết mình đều mua với mong muốn giúp em thay đổi chữ viết.

Khi nghe tin Dung giành giải nhất học sinh giỏi quốc gia và 4 thành viên khác trong đội đều đạt giải ba - thành tích cao nhất từ trước đến này - đó là giây phút ngây ngất vui sướng mà cô trò không bao giờ có thể quên được. Sau đó, trong kỳ thi THPYT quốc gia 2015, Dung trở thành thủ khoa của Học viện An Ninh với 28,25 điểm (cả điểm cộng là 32,75 điểm).

Dung từng tâm sự: Em học là để đền đáp lại tình cảm của cô. Cô đã dạy em biết có ước mơ và có niềm tin hơn vào cuộc sống này. Tôi đã vô cùng xúc động khi những học sinh của mình tâm sự: Bây giờ, chúng em không chỉ học cho bản thân mình mà còn học vì cô nữa. Niềm tin của em giúp tôi thêm động lực và vững tin hơn vào con đường mình đã chọn” - cô Lê Thị Biên tâm sự.

Tâm huyết giúp người giáo viên gặt hái thành công

Cô Lê Thị Biên

Cô Lê Thị Biên chia sẻ bí quyết thành công trong lần đầu tiên lãnh đội: Ngay sau khi được phân công, tôi đã lên một kế hoạch thật cụ thể chi tiết. Theo đó, chia kiến thức thành nhiều phân môn nhỏ (phần lí luận văn học; văn học sử; văn bản, tác phẩm cụ thể; rèn luyện ngôn ngữ và kĩ năng làm văn…).

Cũng cần lưu ý, dạy đội tuyển là công việc chung của tất cả thành viên trong nhóm, nên mỗi phần này được giao cho từng giáo viên nhóm chuyên đảm trách. Giáo viên lãnh đội là người phân tích tổng hợp, hệ thống toàn bộ kiến thức cho các học sinh giỏi.

Ngoài ra, theo cô Biên, trong giảng dạy, giáo viên phải đặc biệt chú ý tới việc luyện viết và chữa bài cho học sinh giỏi. Năng lực, chỗ mạnh cũng như chỗ yếu của học sinh giỏi đều được thể hiện trên bài làm. Việc chữa bài trực tiếp là vô cùng cần thiết. Học sinh có thể hỏi, trao đổi với giáo viên về những điều trong bài làm.

Khi chữa trực tiếp sẽ tránh được sự chung chung, chủ quan; sau khi chữa, giáo viên chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, chỗ đạt, chỗ chưa đạt và cần phải khuyến khích động viên học sinh giỏi có niềm tin vào bài làm tiếp theo. Học sinh có thể tham khảo một số bài làm tốt của các anh chị học sinh giỏi khóa trước để học hỏi, rút kinh nghiệm.

“Gần đây, để đẩy mạnh phát triển công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã liên kết với các trường chuyên bạn để tổ chức kì thi học sinh giỏi liên trường, học sinh giỏi cụm. Sự cọ xát này đã giúp các em mở mang kiến thức, được thể hiện bản lĩnh thi cử… Nhìn rộng hơn, đây cũng là một hình thức để tập dượt, chuẩn bị cho kì thi quốc gia sắp tới” - cô Lê Thị Biên chia sẻ thêm.

Để có được thành công trong nghề dạy học nói chung, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng, với cô Biên không thể thiếu sự miệt mài tìm tòi, nghiên cứu; tham khảo tài liệu; trao đổi với giáo viên trường chuyên khác; chịu khó liên hệ với các giáo sư đầu ngành dạy cho học sinh đội tuyển, hướng các em đến với những cái mới, cách khai thác mới…Tất nhiên, không thể thiếu sự quan tâm, thấu hiểu của lãnh đạo và đồng nghiệp trong nhà trường.

“Dạy học là một nghề cao quý. Nghề thì phải đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nhưng một nghề cao quý còn cần cả tâm huyết, say mê cống hiến nhiệt tình. Nhiệt tình, tâm huyết, cháy hết mình trong từng bài giảng chính là bí quyết quan trọng nhất cho thành công của mỗi nhà giáo” - cô Lê Thị Biên chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-giao-lam-nen-thanh-tich-lich-su-hoc-sinh-gioi-van-cua-dien-bien-2495148-v.html