Cô giáo Khmer 12 năm dạy học trò nghèo: Ngoài tình yêu nghề còn có những bài học cuộc đời

Suốt 12 năm qua cô giáo người dân tộc Khmer có tên Thị Chanh Sóc The (Trường tiểu học Thạnh Yên 2, U Minh Thượng, Kiên Giang) vẫn miệt mài gieo con chữ, chăm sóc tận tình cho các em nhỏ đồng bào người dân tộc Khmer.

12 năm đồng hành cùng ngành giáo dục là từng ấy năm cô The sống và làm việc bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu vô tận với những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Hình ảnh cô Thị Chanh Sóc The bên học trò của mình.

Hình ảnh cô Thị Chanh Sóc The bên học trò của mình.

Chia sẻ với Infonet, cô giáo Thị Chanh Sóc The cho biết học sinh của cô hơn 90% là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn. Vì lẽ đó, học sinh đến lớp không có dép để mang, không có áo trắng để mặc là chuyện rất bình thường nơi đây.

“Do là học sinh người dân tộc nên đa số các em còn rụt rè, nhút nhát chưa thành thạo tiếng phổ thông để giao tiếp, nhất là khi lớp học một buổi/ ngày. Một số em không phát âm chuẩn do ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ.

Có những em đã đến giờ đi học mà còn ở ngoài đồng bắt cá, mò ốc, bắt những con vộp lá để phụ giúp gia đình.

Đó đều là những khó khăn trong quá trình công tác của tôi.

Cũng có những gia đình không nhiệt tình trong việc cho con đến trường vì họ nghèo quá. Tôi sẵn sàng chia sẻ, vận động làm sao để mỗi ngày học sinh đều đến lớp đầy đủ”, cô The nói.

Chân dung cô giáo Thị Chanh Sóc The

Với cô The, có lẽ, điều khiến cô vui và hạnh phúc nhất khi chọn nghề giáo là được tiếp xúc với những đứa trẻ. Những đứa trẻ ấy ở nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều rất thích thú đến lớp, đều rất chăm chú trong mỗi bài giảng. Điều đó tạo cho cô The thêm động lực yêu nghề dù hơn 12 năm công tác là từng ấy thời gian trải qua khó khăn.

“Tuy nghề nhà giáo không đem lại cho tôi nguồn thu nhập lớn như những bạn bè cùng trang lứa nhưng tôi chưa bao giờ lấy đều đó làm thước đo cho cuộc sống.

12 năm trôi qua tôi dẫn dắt bao thế hệ học trò ở mái trường nghèo Xẻo Tôm (điểm lẻ của Trường tiểu học Thạnh Yên 2), điều làm tôi tự hào nhất là được đồng hành, sẻ chia, trang bị hành trang kiến thức, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo.

Ở Xẻo Tôm tôi thấy được sự ham học từ học sinh, dù hoàn cảnh các em rất khó khăn, có những em không được sống cùng cha mẹ nhưng các em luôn khát khao được đến trường.

Chính sự tinh khôi, thông minh, chăm chỉ của các em là động lực khiến tôi nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để đem đến cho các em những bài học hay cả trong trang sách và cuộc sống. Bởi hơn ai hết, tôi mong bài học hôm nay sẽ là hành trang vững chắc để các em bay cao, bay xa hơn nữa, thoát khỏi nghèo đói bủa vây”, cô The tâm sự.

Cô giáo người Khmer giúp học sinh dân tộc thiểu số thực hiện ước mơ tới trường.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ với học trò, cô The nhớ lại năm học 2015 - 2016, cô được nhà trường phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 3/2, lớp học khá sôi nổi, chất lượng đồng đều, nhưng vẫn có học sinh đặc biệt. Vì vậy, bên cạnh dạy kiến thức, công tác giáo dục đạo đức cho các em cũng hết sức quan trọng.

Hôm đó, giờ lên lớp của cô có một bạn khóc nức nở vì mất cây bút máy mà lạ kỳ là tìm cả lớp đều không thấy.

Vì nghe một số học sinh nói có một học sinh tên H. trước đó đừng gần chiếc bút máy mà bạn này đã từng lấy trộm đồ của bạn khác nên trong giây lát nghi nghờ của cô The đổ dồn về phía học sinh tên H..

Lúc đó, có nhiều ánh mắt nhìn H. làm cho em bối rối, em cúi mặt xuống bàn, chỉ ôm mặt khóc sau khi bị cô The khuyên nên trả lại bút cho bạn.

Thế nhưng sự thật sau đó khiến cô The bất ngờ vì người lấy bút của bạn lại là một học sinh nam tên T. và tất nhiên là cô đã trách nhầm bạn H..

Ngay sau sự việc đó, cô The rút ra bài học cho bản thân: Khi gặp bất cứ tình huống nào là một giáo viên phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ sự việc để đưa ra cách giải quyết tốt nhất tránh tuyệt đối việc để học sinh của mình bị tổn thương.

Chúng tôi tin rằng những em bé Khmer được cô giáo The dạy dỗ sẽ có cơ hội được thực hiện ước mơ tiếp cận nhiều hơn với tri thức. Cô giáo The vẫn sẽ tiếp tục những chuyến đò của mình, với tình yêu nghề mãnh liệt và niềm mong mỏi về một cuộc đời tốt hơn cho các em học sinh thân thương nơi vùng quê nghèo.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/co-giao-khmer-12-nam-day-hoc-tro-ngheo-ngoai-tinh-yeu-nghe-con-co-nhung-bai-hoc-cuoc-doi-279503.html