Cô giáo già kể truyện Kiều bằng tranh minh họa (phần 2)

Tại Hội nghị 'Giỏi việc trường, đảm việc nhà' được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, cô Quân là 1 trong 5 gương mặt giáo viên tiêu biểu của tỉnh Thái Bình được vinh dự lên đọc báo cáo điển hình. Trong hội nghị này, cô Quân có báo cáo về phương pháp vẽ tranh Kiều để minh họa cho các tiết giảng về truyện Kiều.

Nhà giáo Ưu tú Vũ Như Quân (xã Đông Mỹ, Đông Hưng, Thái Bình) giải thích ý nghĩa của bức tranh vẽ Mã Giám Sinh.

Thiện tâm ở tại lòng ta

Đến lúc Nhà giáo Ưu tú Vũ Như Quân (xã Đông Mỹ, Đông Hưng, Thái Bình) giơ bức tranh Kiều lên để minh chứng, thấy vậy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân lúc đó từ bục Chủ tịch Đoàn chầm chậm bước xuống chỗ cô Quân. Bộ trưởng Quân nói: “Chị giơ tranh chậm thôi, tôi sẽ giơ tranh cho chị, còn chị sẽ đọc câu thơ”.

Bộ trưởng Quân giơ tranh Kiều lên, cô Quân ngâm: “Đã không kẻ đoái người hoài/Đến đây ta thắp một vài nén nhang” và giải thích xong, cả hội trường với hàng nghìn giáo viên buổi đó đã rưng rưng nước mắt.

Bức tranh tả cảnh Thúy Kiều thắp hương cho nàng Đạm Tiên.

Hai câu thơ trên mô tả việc 3 chị em Thúy Kiều đi tảo mộ, khi trở về thì nhìn thấy một nấm mồ vô chủ - không tên, không ai thắp hương nên Thúy Kiều mới động lòng thắp một nén nhang: “Gọi là gặp gỡ giữa đường”.

Đây cũng chính là hai câu thơ mà cô Quân thích nhất trong truyện Kiều. Bởi câu thơ mang tính nhân đạo, không chỉ giáo dục cho học sinh mà còn đối với cả người lớn sự thấu cảm, tình yêu thương đối với những người phụ nữ bị xấu số, thiệt phận như nàng Đạm Tiên (chủ nhân của nấm mồ nói trên).

Hậu quả của những năm tháng miệt mài vẽ tranh, ở tuổi 72 cô Quân mắc chứng run tay, nên mỗi lần muốn vẽ tranh Kiều, cô Quân phải uống thuốc giảm đau.

Chia sẻ niềm vui ở tuổi thất thập, cô Quân cười, cô vừa có một bức tranh Kiều được chọn in trong lịch.

Dẫu vất vả, đa truân là vậy với nghiệp trồng người nhưng 4 người con của cô Quân và thầy Chính đều đã thành đạt. Họ đều theo nghiệp làm thầy mà cha mẹ đã truyền dạy và đều trở thành những tấm gương tiên tiến, điển hình trong ngành giáo dục.

Trải qua hơn 50 năm vẽ tranh minh họa, cô Quân đã để lại hàng nghìn bức tranh minh họa cho các câu truyện cổ tích, hơn 100 bức tranh Kiều ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông không chỉ ở tỉnh Thái Bình mà trên toàn quốc.

Dẫu hiện nay, các bức tranh minh họa đã dần được thay thế bằng tranh in nhưng những tâm tình, những cống hiến mà cô Quân để lại sẽ không thể phai trong lòng đồng nghiệp, những học trò trong hơn 5 thập kỷ đã qua.

Trước khi chia tay, cô Quân có trao gửi lại cho người viết bài này một bức tranh Kiều – Kiều đi tu. Bức tranh vẽ nàng Kiều sau khi đã trải qua những tháng ngày đau đớn, năm lần bảy lượt bị bán vào lầu xanh, bị gả làm vợ lẽ, bị bắt làm nô tỳ… Nàng Kiều giờ đây trên khuôn mặt không còn nỗi buồn, mà thay thế vào nó là nét bình thản, sự buông bỏ với những lẽ trần tục trong cuộc đời.

Bức tranh Kiều đi tu mô tả 2 câu thơ: "Phải điều cầu Phật, cầu Tiên/Tình kia, hiếu nọ, ai đền cho đây."

Giã từ cô Quân trong cảnh chiều, những cánh đồng lúa vẫn bát ngát xanh, pha thêm chút màu hồng ngói của nắng hoàng hôn, ngôi nhà cô Quân nhỏ dần dần trong tầm mắt, trong tâm trí tôi hiện lên câu nói của nhà văn hóa Phạm Quỳnh âm vang cách nay đã gần 100 năm: "Truyện Kiều là quốc hoa của ta, truyện Kiều là quốc túy của ta, truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều còn là tiếng ta còn, tiếng ta còn là nước ta còn... ".

>>> Cô giáo già kể truyện Kiều bằng tranh minh họa (phần 1)

Trường Hùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/co-giao-gia-ke-truyen-kieu-bang-tranh-minh-hoa-phan-2-624619.ldo