Cô giáo 'đặc biệt' và lớp học dưới mái hiên của trẻ bán vé số

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, ẩn mình phía sau chùa Cây Bàng (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), có một lớp học luôn đầy ắp tiếng cười. Đó là lớp học tình thương của cô Uyên dành cho trẻ em bán vé số…

Lớp học tình thương của cô Uyên lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười (ảnh: V.L)

Nơi đây, cứ mỗi chập tối, sau khi gác lại câu chuyện mưu sinh, những đứa trẻ nghèo, bán vé số… lại về để học chữ. Lớp học này đã tồn tại hơn 8 năm qua, do cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (còn được gọi là cô Uyên, 53 tuổi) mở ra và đứng lớp.

Cô Uyên chia sẻ, mất cha từ nhỏ, gia đình lâm vào cảnh khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng vào năm lớp 8. Vì thế, cô đồng cảm, thấu hiểu được sự thiếu thốn tình cảm và khó khăn của những đứa trẻ mồ côi. Từ năm 18 tuổi, cô đã bắt đầu với công việc dạy học miễn phí cho những đứa trẻ không may mắn tại lớp phổ cập thuộc Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Đến năm 2008, lớp học này phải nhường chỗ cho những bậc học chính quy. Hình ảnh những đứa trẻ không được đến trường, đứng nép bên cửa lớp với khát khao một ngày được đọc luôn ám ảnh tâm trí cô.

Cô Uyên bên các trẻ em nghèo (ảnh: V.L)

Từ đó, cô mở một lớp học tình thương dưới mái hiên nhà. Chiếc bàn cũ được tận dụng thành bàn học, thanh gỗ thành thước kẻ, những quyển tập trắng còn dư trang được tận dụng…

Thấm thoát 8 năm trôi qua, đi cùng với thời gian là những lần cải chính sách giáo khoa đã khiến cô Uyên gặp không ít khó khăn. Quyết không bỏ cuộc, cô Uyên lên Internet để cập nhật kiến thức, kết bạn và chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy trên mạng xã hội.

Dần dà, lớp học của cô Uyên được các nhà hảo tâm, các bạn sinh viên biết đến. Người góp của, người bỏ công giúp cô duy trì lớp học. Nói về cách dạy của mình, cô Uyên chia sẻ, do đây là lớp học ban đêm, các em ở đây cũng rất đặc biệt, không thể nào lấy nội quy nhà trường ra để áp dụng mà phải lấy tình cảm để giáo dục.

“Những lúc như vậy, mình sẽ kể cho các em nghe câu chuyện về một nhân vật có thật ngoài đời để các em dễ thấu hiểu và mang tính giáo dục cao hơn. Cũng chính nhờ cách giáo dục này mà các em ở đây dù mang tiếng là trẻ em đường phố nhưng lại rất ngoan ngoãn và lễ phép”, cô nói.

Hiện tại, lớp học được trên 20 em, không chỉ là lớp học dành cho trẻ em cơ nhỡ, bán vé số, mà nó còn được “nâng tầm” lên cho những học sinh “ngồi nhầm lớp” nhưng không có điều kiện học thêm.

Em Trần Phương Bình (8 tuổi, quận Ninh Kiều) học trò của cô Uyên cho biết: Nhiều năm nay, em sống cùng bà ngoại già yếu, cha mẹ đã bỏ đi. Ngoài dạy con đọc chữ, cô Uyên còn dạy con những điều hay, phải làm người tốt của xã hội.

TRẦN LƯU - V.L

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/co-giao-dac-biet-va-lop-hoc-duoi-mai-hien-cua-tre-ban-ve-so-577146.ldo