Cô giáo của gần 1.000 trẻ khuyết tật chỉ mong học sinh 'không giơ dao dọa giết mẹ'

Gần 20 năm qua, bà Phan Thị Phúc (80 tuổi) ở Gia Lâm, Hà Nội đã tình nguyện trở thành cô giáo của gần 1.000 đứa trẻ khuyết tật đến từ mọi miền Tổ quốc. Với bà, làm cho người đang đau khổ có thể cười được đó là niềm hạnh phúc lớn lao.

Làm việc bao đồng nhưng không cô đơn

Dù đã gần 80 tuổi nhưng ở bà Phúc vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, hoạt bát. Hành trình hơn 20 năm bền bỉ làm cô giáo của những đứa trẻ khuyết tật của bà cũng chỉ vì một mục đích giản dị "làm cho ai đó đang khóc vì đau khổ có thể cười".

Vốn xuất thân là một trong những nghệ sĩ múa tại nhà hát Tuổi Trẻ với nghệ danh Phan Phúc, bà có cơ hội được đến nhiều vùng miền, gặp gỡ nhiều người. Nhưng, khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc đời bà có lẽ là buổi giao lưu tại trường tiểu học Trung Tự.

Triết lý đơn giản khiến bà giáo già gắn bó gần 20 năm với những đứa trẻ thiếu may mắn.

Triết lý đơn giản khiến bà giáo già gắn bó gần 20 năm với những đứa trẻ thiếu may mắn.

Khi biểu diễn trên sân khấu, bà vô tình thấy hình ảnh một đứa trẻ khuyết tật ngồi nhìn say sưa với những giai điệu trên sân khấu. Khoảnh khắc đó khiến tôi xúc động mạnh mẽ và tôi nghĩ sẽ phải làm một điều gì đó cho những đứa trẻ như vậy.

Năm 1996, bà Phúc về hưu và suy nghĩ được hiện thực hóa bằng "Câu lạc bộ nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật Hà Nội". Gọi là câu lạc bộ nhưng thực chất đó là một lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em khuyết tật. Không gian lớp học là sảnh ngay trước sân trường với học sinh rất đa dạng khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ, câm điếc, tự kỷ, bà Phúc chẳng từ chối một ai.

Khi nghe thấy mong muốn của bà, có đồng nghiệp còn góp ý thẳng: "Người thường còn chẳng ăn, huống hồ là người câm, người điếc". Nghe thấy, tôi chẳng giận cũng chẳng trách vì đơn giản là họ lo lắng cho tôi. Họ sợ tôi tuổi cao, sức yếu còn làm "việc bao đồng" thì ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhiều hình ảnh học trò được bà Phúc lưu giữ.

Những nhân vật tử tế mà chúng tôi từng gặp, có lẽ, hiếm có ai làm việc tốt mà cô đơn. Bà Phúc cũng vậy! Trong một buổi chiều dạy trẻ khuyết tật như thường lệ, có một cô gái người Mỹ xuất hiện và hỏi bà: "Tại sao lại phải dạy những đứa trẻ ở ngoài trời như vậy?".

Bà Phúc trả lời: "Chúng tôi không có chỗ để dạy, để học!"

Điều bất ngờ lớn nhất, chỉ mấy tháng sau, qua sự liên hệ của cô gái, một tổ chức từ thiện ở Mỹ đã quyên góp tiền xây dựng một phòng học 100 mét vuông để bà và những học trò của mình học tập. Vậy là những đứa trẻ khuyết tật đã không còn nỗi lo những ngày nắng, ngày mưa.

Nghệ thuật và tình yêu là liều thuốc tốt nhất

Xuất thân là một nghệ sĩ có lẽ là lợi thế lớn nhất của bà Phúc. Bởi với nghệ sĩ Phan Phúc thì "nghệ thuật có giá trị trị liệu rất lớn". Bà chọn dạy nhạc, dạy múa vì bà nghĩ chẳng có thứ gì có thể xoa dịu nỗi đau tốt hơn âm nhạc. "Bạn cứ thử hình dung xem, một ngày nào đó chúng ta áp lực với công việc thì còn điều gì tốt hơn là hòa mình vào những bản nhạc không lời, những đứa trẻ khuyết tật cũng vậy thôi".

Bà Phúc có rất nhiều người cùng đồng hành.

Cứ thế, mỗi một buổi học, bài học đầu tiên là chẳng làm gì cả, các học sinh cứ thế hòa mình vào những bản nhạc không lời. Chúng tôi xin phép được gọi khoảnh khắc đó là khoảnh khắc tuyệt diệu ở xứ sở của những "thiên thần lơ đãng". Quả thực vậy, các em không cần quan tâm xung quanh là ai, đang làm gì, chỉ cần say sưa theo tiếng nhạc dưới sự hướng dẫn của "mẹ Phúc" mà thôi. Gọi là những "thiên thần lơ đãng" vì phần nhiều trong số các em vốn không phải lúc nào cũng được tỉnh táo và sáng suốt như người bình thường.

Với cô giáo Phúc thì sự khởi động đầu giờ này có ý nghĩa rất lớn. Đây là cách để các em có thể quên đi những áp lực đã gặp phải trước khi đến lớp cũng như trong cuộc sống. Bởi với nhiều em, bố mẹ chẳng có thời gian, để các em ra ngoài thì lo sợ, đi học thì chẳng trường nào chịu nhận nên đành phải "nhốt" các em trong bốn bức tường nhà.

Học sinh của bà cũng thường xuyên tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ.

Nói về phương pháp giảng dạy của mình, bà bộc bạch: "Với trẻ khuyết tật cần phải "dỗ" nhiều hơn "dạy". Vì, vốn dĩ việc dạy đã áp đặt rồi. Trẻ khuyết tật rất dễ tủi thân và mặc cảm. Thế nên, luôn luôn cần phải có tình yêu thương thực sự mới mong giúp đỡ được các em. Nếu không có tình yêu thương thực sự thì cũng chẳng có một kỳ tích nào được thực hiện".

Nghe đến kỳ tích vốn dĩ ta nghĩ toàn những điều lớn lao, cao cả. Nhưng kỳ tích ở lớp học của bà Phúc nhỏ bé vô cùng. Kỳ tích ấy là "không giơ dao dọa giết mẹ" của một em bị tăng động, "đi tiểu tiện, đại tiện" thì biết gọi ở một em bị chứng bệnh down.

"Nếu ngày mai em chết, hãy để cô làm em vui tới lúc đó"

Với bà Phúc, một người làm thiện nguyện không chỉ cần phải có một trái tim ấm, một tình thương đủ lớn mà còn cần cả sự linh hoạt nữa. 20 năm qua, ngoài những giờ đứng lớp, bà đã luôn luôn kết nối, tìm kiếm bất cứ khi nào có cơ hội để hỗ trợ các em.

Bà tâm sự: "Có khi lên một chuyến máy bay hay đi dự những sự kiện nào đó mà thấy các bác sĩ từ thiện mà tôi hay gọi là "bác sĩ nhân dân" là tôi kết nối ngay". Nhiều em đã được phẫu thuật chân, chữa bệnh miễn phí từ những cuộc kết nối như thế.

Những chuyến dã ngoại ý nghĩa của cô và trò.

20 năm giảng dạy, bà Phúc không bao giờ dạy học sinh của mình phải ngửa tay xin tiền. Đó là triết lý mà bà gửi gắm đến cả những cha mẹ có con theo học tại câu lạc bộ của bà. Bởi, "không bao giờ mẹ Phúc dạy các con cầm bát đi xin tiền".

Xoa dịu tinh thần của các em bằng nghệ thuật, bà Phúc lại tiếp tục trăn trở làm sao để các em có thể tự kiếm được kế sinh nhai bằng chính đôi bàn tay của mình. Thế là những khóa học nghề ngắn hạn được ra đời. May vá, thêu thùa, tập làm hoa giấy, trông xe,... đủ mọi thứ nghề mà các em có thể làm được.

Rồi chuyện khó tin hơn nữa là các em ở câu lạc bộ của bà Phúc còn được học cả tiếng Anh, học cả những kỹ năng bảo vệ chính mình. Bà Phúc còn nhớ như in một kỷ niệm: "Tôi thường hay mua quần lót để tặng cho các bạn nam giúp các em có ý thức giữ gìn thân thể. Có lần, câu lạc bộ đi biển dã ngoại, bạn ấy mặc quần cô tặng. Nhưng quần đùi mặc trong, quần lót mặc ngoài, cười nhưng nước mắt lại chảy".

Học trò của bà Phúc rất muốn được cô giáo cho đi chơi.

Hơn 1.000 học trò, tất cả đều đã trở thành những người thân của bà Phúc. Trong đó, nhiều em đã trở thành niềm tự hào của bà Phúc. Em Kim Oanh, em Xuân Thành đã trở thành giám đốc của 2 trung tân sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Em Nguyễn Đức Thắng đã lấy vợ và mở quán bún chả ở phố Trương Định. Con của Thắng là học sinh giỏi được học bổng nhiều năm.

Kể về những thành quả của học trò, trong đôi mắt của người phụ nữ ở chặng cuối cuộc đời có nét trong veo đến kỳ lạ: "Em Thắng vừa cho bố mẹ 280 triệu đồng để sửa nhà đấy! Em có tin được không, em Thắng là một người khuyết tật đấy nhưng em ấy đã làm được!".

Bà Phúc thật sự xót xa với những trò thiếu may mắn.

Tôi hỏi: "20 năm, có điều gì khiến cô day dứt không?". Nghe đến đấy, bà Phúc nghẹn ngào hồi lâu mới có thể nén lòng để tâm sự. Những trẻ em bị khuyết tật thì còn có thể sống để hy vọng. Còn có nhiều em, ngay cả cơ hội được sống để hy vọng cũng không thể có được. Bởi với những học trò đó, "cái chết đã được báo trước". Đôi khi vào viện thăm các em những ngày cuối đời ở viện, tôi không thể kìm lòng được. Nói đến đây nước mắt bà nghẹn ngào, thôi thì: "Em ơi, nếu ngày mai em chết, hãy cho cô làm em vui tới lúc đó, em nhé".

Gia đình là chỗ dựa vững chắc

Chắc hẳn, ít ai biết rằng bà Phúc là vợ của NSƯT Lê Chức, một nghệ sĩ có giọng đọc "huyền thoại", quen thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam.

Quen nhau từ những vở diễn chung ở nhà hát Hải Phòng, Kim Phúc và Lê Chức đã cảm mến nhau rồi về sống chung một mái nhà. Điều may mắn lớn nhất là khi theo đuổi công việc "bao đồng" của mình bà được chồng ủng hộ.

Bà Chức chia sẻ: "Anh ấy nói việc này chỉ có Phúc làm được chứ Chức thì không làm được". Hạnh phúc nhất trong cuộc đời của môt người phụ nữ là có được một người đàn ông thấu hiểu mình. Bà đã cùng ông đi qua nhiều khó khăn trong đời, từ những ngày gian khổ khi làm diễn viên tại Hải Phòng đến 7 năm chờ chồng đi học ở Liên Xô. Dường như tất cả đều là lẽ tự nhiên với họ. Bởi, với Kim Phúc và Lê Chức thì: "Với chúng tôi, tình yêu là động lực vô cùng lớn cho mọi việc trong đời".

Chuyến đi du lịch Ao Vua đáng nhớ của bà Phúc cùng học trò.

50 năm, đó là thước đo cho sự gắn bó của bà Phúc và ông từ những cảm mến ban đầu. Từ sân khấu, đến bục giảng lẫn những khoảnh khắc ở ngoài đời bà Phúc luôn được người đàn ông của cuộc đời của mình ủng hộ.

Con của ông bà đều là những người thành công trong cuộc sống, cháu bà Phúc có người đã học đến tiến sĩ. Trong căn phòng khách bé nhỏ của bà, không có bất kể những đồ vật thường thấy. Những bức tường được phủ kín bằng những bức ảnh. Chen giữa những bức ảnh của các thành viên gia đình là những học trò ở câu lạc bộ. Bà làm như thế là để đỡ nhớ và có cảm giác luôn được ở bên cạnh những người thân yêu.

"Đôi khi, tôi nghĩ, muốn làm một việc tốt khó thật. Bởi tuổi đã cao, giọng nói đã có phần rung, có lúc tôi cũng mệt mỏi. Nhưng tình người là thứ níu kéo và cho tôi sức mạnh", bà bộc bạch. Còn những đứa trẻ ngây ngô ở câu lạc bộ cứ lo lắng đến thương, đến tội: "Mẹ Phúc đừng chết nhé! Mẹ Phúc chết không ai dạy chúng con".

Điều khiến bà trăn trở nhất là việc tìm một ai có thể thay thế vị trí của mình. Người thì hỏi lương, người thực sự muốn làm thì vướng bận kinh tế, con cái. Nhiều người còn nghĩ "chắc làm thế người ta cho nhiều tiền lắm".

Từ những người hàng xóm, đến bạn bè đều quý bà Phúc. Bà trân quý lắm những tình cảm như thế. "Hôm rồi, có một người ở đâu không biết, đến dúi vào tay tôi 20.000 đồng. Em quý bà lắm nhưng em không có nhiều, bà cầm lấy thêm vào nấu ăn cho các cháu, tôi xúc động lắm".

Cuộc trò chuyện sắp kết thúc, điện thoại đổ chuông, tin nhắn của Nguyễn Đức Thắng: "Mẹ ơi. mẹ ăn cơm chưa, Chiều nay mẹ có ở nhà không?". Tin nhắn còn sai lỗi chính tả nhiều lắm. Dấu phẩy thì trước dấu chấm. Nhưng, điều đó không quan trọng với mẹ Phúc quan trọng là các con đã lo được cho cuộc sống của mình.

Bà Phúc đã có hơn 10 năm làm diễn viên, nhiều năm làm nghề đạo diễn. Nhiều người gọi bà là người nổi tiếng, người truyền cảm hứng nhưng chúng tôi muốn gọi bà là một cô giáo. Điều tuyệt diệu nhất mà cô giáo đó đã làm được cho những học trò của mình là kiến tạo hạnh phúc từ khổ đau.

Gặp bà, chính chúng tôi cũng được truyền cảm hứng và có lẽ phải trải nghiệm nhiều hơn để hiểu điều mà bà nói: "Hãy gửi vào đời tình yêu chân thành rồi chờ xem cuộc đời sẽ trả lại mình điều gì!".

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/co-giao-cua-gan-1000-tre-khuyet-tat-chi-mong-hoc-sinh-khong-gio-dao-doa-giet-me-20191119125252045.htm