Cô giáo 7 năm mắc ung thư tìm thấy niềm vui khi từ thiện: 'Tôi là bệnh nhân hạnh phúc'

Chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 7 năm, cô giáo Ngô Kim Loan say sưa thực hiện những chuyến thiện nguyện vùng cao, truyền thông điệp tích cực tới cộng đồng.

Gặp cô giáo Ngô Kim Loan (SN 1977, Thanh Trì, Hà Nội), nghe chị kể về những chuyến từ thiện cho trẻ em vùng cao, thấy những điều tích cực mà chị chia sẻ mỗi ngày trên mạng xã hội. Nhưng ít người biết rằng chị từng chiến đấu với căn bệnh ung thư cổ tử cung 7 năm nay với nghị lực kiên cường.

“Tôi là bệnh nhân hạnh phúc”

Cô giáo Loan phát hiện mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 3 năm 2012, khi công việc và cuộc sống của chị đang ở độ viên mãn. Ngoài 30, chị là hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Tú Chi và có mái ấm hạnh phúc. Dù mạnh mẽ, nhưng cái tin sét đánh ngang tai ấy cũng khiến chị suy sụp.

Cái chết lúc nào cũng ám ảnh trong chị. Chị giấu giếm gia đình với một nỗi sợ hãi rằng bệnh tật của mình sẽ ảnh hưởng không tốt cho các con. Nhưng rồi chị dũng cảm đối mặt với sự thật nghiệt ngãy ấy để lạc quan sống tiếp.

“Mình còn quá nhiều việc phải làm, phải cống hiến, không thể gục ngã dễ dàng như thế được, gặp những sóng gió càng phải biết trân trọng sự sống”, chị Loan chia sẻ.

Và cứ thế, chị điềm nhiên chấp nhận cơn bạo bệnh chỉ như một cú ngã lúc còn bé, khiến các bác sĩ ở Viện K từ lạ lẫm dần quen thuộc với hình ảnh nữ bệnh nhân luôn trang điểm rất tươi tắn, tự đi truyền hóa chất một mình. Chẳng ai nghĩ đó là bệnh nhân ung thư đang chịu những cơn đau quằn quại mỗi đêm.

Chị luôn ý thức không thể để phí một giây phút nào bởi thời gian sống đang được đếm ngược từng ngày. Cũng vì vậy, chị yêu bản thân mình nhiều hơn và tích cực hơn trong những hoạt động từ thiện, những chương trình cộng đồng.

Cô giáo Kim Loan trong chương trình tặng quà cho học sinh ở xã Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La.

Cô giáo Kim Loan trong chương trình tặng quà cho học sinh ở xã Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La.

Mỗi cuối tuần, chị Loan đều đến tặng sữa cho các bệnh nhân của viện K. 4 năm nay, chị đến những vùng cao, vùng khó khăn với mong muốn giúp đỡ đồng bào dân tộc, những đứa trẻ thiệt thòi. Năm 2016, trong đợt lũ lịch sử ở Quảng Bình, chị kêu gọi mọi người quyên góp được 20 tấn gạo, 10 tấn mỳ tôm rồi trực tiếp đến tận xã Quang Hải trao tặng cho người dân nhu yếu phẩm.

“Khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, tôi chỉ muốn được giúp đỡ những người khó khăn, để biết rằng mình còn tồn tại, còn nhiều ý nghĩa với cuộc đời này”, chị Loan nói.

Đều đặn mỗi năm, chị đều tìm thông tin rồi liên hệ với các thầy cô ở các điểm trường khó khăn ở vùng cao như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên… rồi kêu gọi những tấm lòng hảo tâm quyên góp kinh phí, tổ chức những hoạt động từ thiện, tặng đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị giảng dạy cho học sinh.

Trong chuyến đi Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) cuối năm 2018, chị vận động được 120 triệu đồng hỗ trợ cho 6 điểm trường ở xã Lóng Sập. Chị vẫn còn rưng rưng cảm xúc khi kể về những đứa trẻ miền núi vui sướng thế nào khi được nhận những cuốn vở, đồ chơi, đồ dùng học tập.

“Niềm vui và ý nghĩa cuộc sống của tôi đến từ những niềm vui bé nhỏ như thế. Tôi nghĩ mình là bệnh nhân hạnh phúc”, chị Loan nói.

Con trẻ phải cần gốc để lớn lên

Cô giáo Loan đang là chủ nhiệm câu lạc bộ các trường mầm non tư thục huyện Thanh Trì. Câu lạc bộ không chỉ là nơi trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên mà còn là những thành viên tích cực trong những chương trình hỗ trợ cộng đồng mà chị khởi xướng.

Cô giáo Loan trong chương trình trung thu cho các bệnh nhi ở Bệnh viện K Tân Triều.

Song song với đó, chị còn là hiệu trưởng 3 cơ sở trường mầm non tư thục Tú Chi với gần 200 học sinh. Không chỉ bận rộn với công việc quản lý, mỗi tuần chị vẫn đứng lớp trực tiếp dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Điều mà tất cả các giáo viên và các học sinh ở đây luôn thấy đó là sự vui vẻ, lạc quan, nguồn năng lượng tích cực tỏa ra nơi chị.

Chị quan niệm dù xã hội có hiện đại đến đâu thì giáo dục cũng vẫn tuân theo triết lý truyền thống tiên học lễ, hậu học văn. Vì thế, những đứa trẻ ở mầm non Tú Chi luôn được học những bài học vỡ lòng về cách ứng xử đối với ông bà, cha mẹ, bạn bè, được học ca dao, cổ tích, truyện dân gian.

Từ bản thân mình, cô giáo Loan lan tỏa những giá trị nhân văn tới các phụ huynh và học sinh trường Tú Chi. Mỗi dịp Noel, Tết Trung thu hay Quốc tế thiếu nhi, nhà trường đều tổ chức những hoạt động tặng quà cho các bệnh nhi trong viện K.

Nhìn các con không ngại ngùng đến chơi, hỏi thăm các bạn nhỏ bị ung thư, phụ huynh và các cô giáo đều thấy hạnh phúc khi các con hiểu được giá trị của sự sẻ chia với cộng đồng.

Cô giáo Ngô Kim Loan.

Với cô Loan, mỗi ngày đến trường là một ngày ý nghĩa khi được nhìn những đứa trẻ lớn lên từng chút một. Chị bảo sẽ không thể chịu được nếu không được bận rộn, không được nghe thấy lũ trẻ nói cười.

Nói chuyện với cô giáo Loan, nếu không để ý, sẽ chẳng ai nhận ra có lúc chị phải dừng lại để nghỉ vì hụt hơi. Câu chuyện có lúc quên, lúc nhớ, nhưng chẳng khi nào chị thôi nở nụ cười. Ở giai đoạn bệnh này, hàng đêm chị phải ngủ ngồi chứ không thể nằm như bình thường vì những cơn đau hành hạ. Những lúc ấy, chị lặng lẽ nghĩ về những điều tốt đẹp.

“Tôi không trốn tránh cái chết, tôi mãn nguyện với hiện tại này. Ngày nào còn thở, được làm việc, được cống hiến, ngày ấy với tôi vẫn là một ngày tuyệt vời. Ung thư chỉ là một trải nghiệm khiến cuộc sống của tôi hạnh phúc hơn".

Hồng Phúc

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-giao-7-nam-mac-ung-thu-tim-thay-niem-vui-khi-lam-tu-thien-toi-la-benh-nhan-hanh-phuc-d507775.html