Cờ Giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa

46 năm về trước, đúng 9h ngày 29/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Sự kiện giải phóng quần đảo Trường Sa là chiến công đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, góp phần vào chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm.

Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm.

Ký ức 46 năm về trước

46 năm đã trôi qua, trong ký ức của PGS.TS, Chuẩn Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng Lê Kế Lâm còn nguyên vẹn niềm hạnh phúc, tự hào của thời khắc non sông thống nhất, nối liền một dải.

Ông bồi hồi nhớ lại: Để tạo động lực mạnh mẽ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ thị “phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm các nơi đó. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.

Thiếu tướng Lê Kế Lâm đánh giá sự sáng suốt, quyết đoán trong chỉ đạo chiến dịch, cùng với việc Bộ Tư lệnh Hải quân chủ động, khẩn trương chuẩn bị lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, xác định đây là một nhiệm vụ chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần quan trọng vào giải phóng hoàn toàn đất nước.

Quá trình giải phóng Trường Sa diễn ra gấp rút, trên cơ sở nắm bắt thời cơ chín muồi, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên.

Rạng sáng ngày 14/4/1975, đảo Song Tử Tây được giải phóng, đã khiến quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động. Từ đó, tạo điều kiện cho lực lượng Hải quân giải phóng các đảo còn lại thuận lợi. Trong đó, ngày 25/4 ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca; đến trưa ngày 27/4 làm chủ đảo Nam Yết; ngày 28/4 làm chủ đảo Sinh Tồn và đến sáng 29/4 Lữ đoàn 126 đã đổ bộ giải phóng hoàn toàn đảo Trường Sa. Đúng 9h sáng ngày 29/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa, hòn đảo lớn nhất và là điểm cuối cùng ngụy quân Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn.

“Chiến công này một lần nữa khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975” - Chuẩn Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng Lê Kế Lâm khẳng định.

Chiến công giải phóng Trường Sa cũng là bài học về kinh nghiệm nắm thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; chiến công của sức mạnh, ý chí mạnh mẽ về niềm tự hào và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm, việc giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ, là bằng chứng sắt đá, có tính pháp lý cao nhất để khẳng định trước cộng đồng quốc tế về việc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trường Sa hôm nay.

Khẳng định chủ quyền thiêng liêng

Sau khi giải phóng quần đảo Trường Sa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một trong những nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng của quân đội ta là bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Kế Lâm nhớ lại lời thề của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ở Trường Sa vào năm 1988, về quyết tâm bảo vệ Trường Sa đến cùng của quân dân Việt Nam. Trong đó, có đoạn: “Hôm nay nhân kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam… chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được Quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Tại buổi mít tinh trên đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988, chỉ hơn một tháng sau sự kiện Gạc Ma 14/3/1988, lời thề giữ biển của Đại tướng Lê Đức Anh đã không chỉ nói lên quyết tâm to lớn bảo vệ Trường Sa của quân và dân ta; chỉ đạo sáng suốt của Đảng mà còn thể hiện được tầm nhìn chiến lược của quân đội ta khi đó.

“Sau khi dự mít tinh thì Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục đi kiểm tra Hải quân và đến kiểm tra căn cứ hải quân ở Cam Ranh. Tôi lúc ấy là một trong các thành viên tháp tùng Đại tướng Lê Đức Anh đi từ Hòn Nội, Hòn Ngoại đi kiểm tra các khu vực xung quanh quân cảng Cam Ranh” - Thiếu tướng Lê Kế Lâm nhớ lại.

Trong quá trình tháp tùng Đại tướng Lê Đức Anh, Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm có các trao đổi về tác chiến và công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. “Tôi có nhớ Đại tướng Lê Đức Anh đã trao đổi với tôi: “Bây giờ phòng thủ ở Cam Ranh theo đồng chí thì nên như thế nào?”. Tôi đáp: “Hiện giờ như Hòn Tre ta có thể có một vị trí đặt pháo tầm xa hoặc tên lửa bờ ở đó. Ở phía Nam, trước đảo Bình Ba cũng phải tính chuyện phòng thủ, phải đặt những trạm quan sát, tiếng động để phát hiện tàu ngầm, chống tập kích của tàu ngầm đối phương vào Cam Ranh”.

Về ý kiến này, Đại tướng đã tâm đắc và nói rằng nếu chúng ta có khả năng xây dựng được những cơ sở pháo tầm xa rồi tên lửa bờ ở Hòn Tre, rồi trạm quan sát với đảo Ba Bình thì có thể bảo vệ Cam Ranh.

Nhớ lại những kỷ niệm đầy tự hào ấy, Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm nhìn nhận, Bộ Quốc phòng đã quan tâm rất toàn diện, đặc biệt là công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng là thể hiện sự sâu sát và quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội ta đối với biển đảo. Vừa coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, vừa là nguồn lực của quốc gia.

PGS.TS Lê Kế Lâm từng kinh qua các vị trí công tác: Chuẩn Đô đốc, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM. Ông về nghỉ hưu ăm 2003 và đang là Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM. Dù đã nghỉ hưu, thế nhưng vị tướng Hải quân vẫn luôn trăn trở với biển, đảo và luôn dành nhiều thời gian cho công tác hội, đoàn thể. Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc, Nhà giáo Nhân dân Lê Kế Lâm đã có nhiều bài báo và tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế về biển, đảo Việt Nam.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/co-giai-phong-tung-bay-tren-dao-truong-sa-560652.html