Có gì tại siêu dự án 15.000 tỷ của tỷ phú Xuân Trường vừa bị tạm dừng?

Dự án nằm trên khu vực có diện tích gần 20.000 ha, mục tiêu trở thành một trong những Khu du lịch lớn nhất Quốc gia với số vốn kỷ lục 15.000 tỷ đồng.

Ngày 15/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ra Văn bản số 246-KL/TU cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020. Đây là dự án do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến là 15.000 tỷ đồng, bằng ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Siêu dự án nằm trên địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: TP Thái Nguyên, TX Phổ Yên và huyện Đại Từ với diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha).

 Siêu dự án 15.000 tỷ của tỷ phú Xuân Trường bị tạm dừng đến sau giai đoạn 2020.

Siêu dự án 15.000 tỷ của tỷ phú Xuân Trường bị tạm dừng đến sau giai đoạn 2020.

Theo báo cáo của doanh nghiệp Xuân Trường, mục tiêu chính của Dự án là xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc kết nối với các khu di tích lịch sử: ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), tạo thành mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, tâm linh, lịch sử với thủ đô Hà Nội, trở thành quần thể khu du lịch mang tầm quốc gia, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

Mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia; đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực...

Với mục tiêu trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia, Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10.000 lượt; năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Dự án bao gồm các khu chức năng chính: Khu tâm linh với chùa Tháp cao 150m, đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, đền thờ Tam Thánh: Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, Trần Hưng Đạo; khu dịch vụ đón tiếp gồm trung tâm đón tiếp, khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, bến thuyền; các tuyến du lịch quanh hồ Núi Cốc; khu làng văn hóa các dân tộc…

Video: Hồ Núi Cốc rò rỉ nước qua thân đập, dân vùng hạ lưu lo lắng bất an

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Thái Nguyên với Công ty xây dựng Xuân Trường về việc xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (chủ đầu tư dự án) đã báo cáo lãnh đạo địa phương về ý tưởng thiết kế, xây dựng Chùa Tháp trong tổng thể của dự án thành phần.

Theo đó, Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng rộng 10.000m2. Công trình này có thể chứa được từ 5.000 đến 10.000 người trong cùng một thời điểm. Đây được kỳ vọng là ngôi Chùa Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới, đặt tại khu vực Đền Gàn, thuộc xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ).

Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp gồm có tượng Phật, 12.000 bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật đều do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonesia và Ấn Độ chế tác tại các quốc gia này, sau đó mới đưa về Tháp để lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.

>>> Đọc thêm: Hà Nội xem xét thu hồi Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-gi-tai-sieu-du-an-15000-ty-cua-ty-phu-xuan-truong-vua-bi-tam-dung-d387778.html