Có gì ở KPF mà VC3 muốn thâu tóm?

CTCP Xây dựng số 3 (VC3) đang trong quá trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu để nắm giữ tới 51% cổ phần tại CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HOSE: KPF). Gây khá nhiều băn khoăn trước khi niêm yết, nhiều nhà đầu tư tự hỏi, doanh nghiệp này có gì hấp dẫn khiến VC3 phải chấp nhận chi hàng trăm tỷ đồng để sở hữu.

Theo Bản cáo bạch niêm yết 2016, CTCP Tư vấn dự án quốc tế KPF, tiền thân của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh được thành lập từ năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Giai đoạn 2009 - 2012, Công ty tập trung vào hoạt động tư vấn, khảo sát, lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình… trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và nông nghiệp. Năm 2010, KPF quyết định chuyển từ lĩnh vực tư vấn sang cung ứng vật liệu xây dựng. Để có nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh mới, cuối năm 2011, KPF tăng vốn từ 5 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

Từ năm 2012 đến nay, KPF hoạt động trên 3 lĩnh vực: (I) khai thác cát sông Hồng phục vụ công trình san lấp hạ tầng, liên kết xuất khẩu cát nước mặn, kinh doanh thương mại ngành hàng vật liệu xây dựng; (II) phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu nông sản; (III) góp vốn đầu tư dự án bất động sản. Trước khi tiến hành niêm yết, vào năm 2015, Công ty thực hiện tăng vốn lên 156 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu để cấn trừ các khoản công nợ phát sinh từ năm 2014.

Quá trình cấn nợ này phát sinh nhiều điểm khiến nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể, theo Biên bản và Nghị quyết số 01/2014/KPF-ĐHĐCĐ ngày 5/1/2014 của KPF, nhằm mục đích triển khai các dự án mới và tìm kiếm cơ hội sinh lời, 3 cổ đông sáng lập là ông Đoàn Minh Tuấn, bà Nguyễn Thanh Hoa và ông Nguyễn Thế Anh đã tiến hành cho KPF vay lần lượt 85,9 tỷ đồng, 18,4 tỷ đồng, 18,4 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm. Trong trường hợp quá thời hạn cho vay theo hợp đồng thì lãi suất là 0,8%/tháng. Bên cho vay được chuyển thành vốn góp khi Công ty phát hành tăng vốn điều lệ.

Chỉ 1 tháng sau khi vay số tiền này, KPF đã lần lượt chi ra 85,8 tỷ đồng để… cho vay lại. Cụ thể, ngày 9/2/2014, KPF cho CTCP Đầu tư Tam Hà vay 51,5 tỷ đồng để triển khai các dự án theo Hợp đồng cho vay vốn số 001/HĐCVV, thời hạn 24 tháng, lãi suất 0%. Trường hợp quá thời hạn 24 tháng thì lãi suất cho vay là 0,8%/tháng. Đến ngày 10/2/2014, KPF cho Công ty TNHH một thành viên Phú Gia Hà Nam vay 34,3 tỷ đồng để triển khai các dự án theo Hợp đồng cho vay vốn số 002/HĐCVV, thời hạn 24 tháng, lãi suất 0%. Trường hợp quá thời hạn 24 tháng thì lãi suất cho vay là 0,8%/tháng.

Đáng lưu ý, theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, người đại diện CTCP Đầu tư Tam Hà là bà Đoàn Thị Quyên, đồng thời danh sách cập nhật người có liên quan đến ông Đoàn Minh Tuấn - cổ đông sáng lập KPF - cũng ghi nhận một người em gái tên Đoàn Thị Quyên.

Trong khi đó, cũng tại BCTC Kiểm toán 2014, KPF cho biết, Công ty TNHH MTV Phú Gia Hà Nam có vốn điều lệ 10 tỷ đồng và là công ty con của KPF. Ngày 10/12/2014, theo Nghị quyết ĐHCĐ số 03/2014/QĐ/KPF-ĐHCĐ đã thống nhất về việc chuyển nhượng 5,1 tỷ đồng, tương ứng 51% vốn góp tại Công ty TNHH MTV Phú Gia Hà Nam với giá trị 5,1 tỷ đồng, hoàn tất vào ngày 18/12/2014. Ngày 24/12/2014, Công ty TNHH MTV Phú Gia Hà Nam đã chuyển đổi thành CTCP Phú Gia Hà Nam với tỷ lệ sở hữu của KPF là 49% theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ở phần người đại diện chủ sở hữu, Đầu tư Bất động sản cũng tìm hiểu được giám đốc đầu tiên của Phú Gia Hà Nam là ông Trần Ngọc Tú. Trong bản danh sách cập nhật thông tin người có liên quan tới ông Đoàn Minh Tuấn cũng có một người em rể là Trần Ngọc Tú.

Click để xem ảnh lớn

Cũng tương tự, trong năm 2014, theo BCTC kiểm toán cho biết, KPF đã tiến hành đầu tư 48 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia do bà Cao Hoài Thanh làm người đại diện pháp nhân. Theo giới thiệu, KPF góp vốn vào công ty này để đầu tư dự án bãi đổ xe, văn phòng nhà ở Thụy Phương Garden tại Từ Liêm, Hà Nội. Tuy nhiên, hiệu quả từ dự án này cũng không cao và cuối tháng 11/2017, KPF công bố chuyển nhượng 2,3 triệu cổ phần nắm giữ tại CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia, tương đương 12,78% vốn với giá không thấp hơn mệnh giá cho ông Đặng Thế Phi. Còn thông tin từ Chi cục Thuế quận Thanh Xuân cho biết, ngày 18/4/2018, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia đã làm thủ tục ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Bước sang năm 2015, theo BCTC kiểm toán bán niên và cả năm 2015 xoát xét, đầu năm 2015, KPF đã hoàn thành phát hành 12,6 triệu cổ phiếu cho 3 người trên theo hình thức cấn trừ nợ và tăng vốn lên 156 tỷ đồng. Trong các động thái tăng vốn, khoản 51,2 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Tam Hà vay đã giảm xuống còn 12 tỷ đồng (giảm 39,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, KPF cũng thông báo khoản 34,3 tỷ đồng cho CTCP Phú Gia Hà Nam vay đã xuống còn 0 đồng (giảm 34,2 tỷ đồng).

Click để xem ảnh lớn

Tuy nhiên, trong khoản mục Đầu tư và góp vốn đã tăng lên như sau, vốn góp vào CTCP Đầu tư Tam Hà tăng lên đúng 39,2 tỷ đồng, qua đó KPF nắm giữ 49% vốn điều lệ, bên cạnh vốn góp vào CTCP Đầu tư Phú Gia Hà Nam tăng thêm đúng 34,3 tỷ đồng, qua đó nắm giữ 49% vốn điều lệ. Riêng vốn góp vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia do bà Cao Hoài Thanh vẫn giữ nguyên 48 tỷ đồng, tương đương 26,67%.

Điều này cho thấy, rất có thể toàn bộ số tiền KPF vay từ 3 cổ đông sáng lập đã được chuyển hết về các công ty con và công ty liên kết có liên quan đến người thân của các thành viên sáng lập. Sau đó, thông qua thủ tục hoán đổi công nợ thành cổ phần, các công ty này đều đã được tăng vốn lên một cách thành công, dù khả năng không có dòng tiền góp thực là rất lớn.

Điều này càng có cơ sở, bởi ngay sau khi KPF tăng vốn lên 156 tỷ đồng thì 3 cổ đông đã lần lượt thoái vốn và bán cho các cổ đông riêng lẻ khác nhau. Tính đến trước thời điểm được chấp thuận niêm yết vào ngày 18/2/2016, tỷ lệ nắm giữ của 3 cổ đông nêu trên thay đổi khi ông Đoàn Minh Tuấn giảm tỷ lệ nắm giữ từ 70% vốn điều lệ xuống còn 18%, bà Nguyễn Thanh Hoa giảm từ 15% vốn điều lệ từ đầu năm xuống còn 7% và ông Nguyễn Thế Anh giảm từ 15% vốn điều lệ xuống còn 0,032%. Đồng thời, từ số lượng 3 cổ đông, số lượng cổ đông mới tính đến trước khi niêm yết cũng tăng lên 339 cổ đông.

Sau khi chấp thuận niêm yết có hiệu lực vào ngày 18/2/2016 và chính thức giao dịch từ ngày 2/3/2016, các cổ đông nội bộ liên quan đến các cổ đông sáng lập như ông Trần Ngọc Tú (em rể ông Tuấn), bà Đoàn Thị Hương (em gái ông Tuấn), bà Đoàn Thị Minh Huệ (em gái ông Tuấn), bà Đoàn Thị Quyên (em gái ông Tuấn)… liên tục bán ra cổ phiếu đang nắm giữ.

Tỷ lệ sở hữu của các thành viên HĐQT và Ban lãnh đạo KPF giảm mạnh thông qua các cổ đông nội bộ có liên quan là người nhà là một trong những lý do khiến cho cổ phiếu KPF suốt một thời gian dài từ khi niêm yết đến hết tháng 11/2017 giao dịch không mấy ấn tượng khi giá giảm dần về vùng 5.000 đồng/cổ phiếu và thanh khoản cũng không mấy sáng sủa.

Trong khi đó, mấy tháng gần đây, cổ phiếu KPF lại tăng dựng đứng từ hơn 5.000 đồng/CP lên mức cao nhất là hơn 40.000 đồng/CP và hiện giao dịch ở mức 32.000 - 34.000 đồng/CP. Với mức giá này, nếu được chấp thuận sở hữu trên 51% cổ phiếu VPF thì VC3 sẽ phải bỏ ra trên dưới 270 tỷ đồng, cao hơn nhiều lượng tiền mặt của Công ty ghi nhận vào cuối quý I/2018.

Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục phân tích các thông tin từ KPF để tìm ra đâu là lý do khiến doanh nghiệp này hấp dẫn để VC3 - một đơn vị có tiềm lực tài chính không quá mạnh - chấp nhận bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để sở hữu chi phối tại doanh nghiệp này.

Theo Việt Dương Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/co-gi-o-kpf-ma-vc3-muon-thau-tom-229514.html