Có gì lạ ở sàn giao dịch tôm đầu tiên của cả nước?

Thay vì mua bán qua thương lái như hiện nay, nông dân nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đã có thể chào bán sản phẩm của mình thông qua sản giao dịch điện tử tại địa chỉ: https://cnsv.vn.

 Ký kết hợp tác với các đối tác trong buổi ra mắt ngày 5.4 tại Cần Thơ.

Ký kết hợp tác với các đối tác trong buổi ra mắt ngày 5.4 tại Cần Thơ.

Ông Nguyễn Mạnh Triều, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long (Cty Cửu Long) - đơn vị xây dựng, vận hành sàn giao dịch - cho biết: Đặc điểm tiêu thụ của con tôm là: Người bán kêu thương lái đến mua trước khi thu hoạch tôm, khi đó người bán bán với giá mà thương lái đưa ra nên họ không biết giá nhà máy thu mua bao nhiêu tiền. Mặc khác, việc thanh toán thông thường bằng tiền mặt cho người nuôi.

Nếu như các website bán hàng được lập ra chủ yếu để giới thiệu và bán hàng hóa tự sản xuất ra bên ngoài thì sàn giao dịch tôm là website để người khác mua bán với nhau. Ở đây có nhà máy chế biến và người mua tôm trên sàn và đặc biệt là sự tham gia của người nuôi tôm.

Giao diện của sàn giao dịch tôm đầu tiên của Việt Nam.

Với việc ra mắt sàn thương mại điện tử dành cho con tôm, theo ông Nguyễn Mạnh Triều, sẽ giúp giải quyết được một bài toán khó cho ngành tôm là sản phẩm được giao dịch trực tiếp giữa người bán/mua, không phải qua các khâu trung gian như cách buôn bán truyền thống hiện nay. Sàn giao dịch tôm Việt cũng mong muốn kết nối trực tiếp giữa các nhà máy chế biến đến các nhà nhập khẩu ở nước ngoài.

Ngoài ra, sàn giao dịch cũng giúp giải quyết việc thiếu thông tin cung/cầu thị trường thông qua các phân tích, đánh giá và nhận định về thị trường được cập nhật lên sàn. Ông Nguyễn Mạnh Triều nhấn mạnh, chính vì thấy những vướng mắc trong thực tế như vậy nên sàn giao dịch tôm thành lập nhằm giúp người dân có thêm kênh bán hàng; bên nào có lợi nhất thì người nuôi tôm sẽ bán cho bên đó

Khi đăng thông tin sản phẩm lên sàn sẽ phải công khai về chất lượng sản phẩm (thậm chỉ cả quy trình nuôi). Khi người bán đưa thông tin lên, người mua nhìn thông tin phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thì họ “click” xác nhận mua”, khi đó sàn giao dịch sẽ gửi thông tin của người bán cho người mua và ngược lại.

Khi hai bên đã có thông tin của nhau thì người mua sẽ đến xem thực tế sản phẩm của bên bán. Đây là bước phải chấp nhận đối với hàng nông sản và khi người mua đến xem hàng, nếu thông tin đưa lên và thực tế khác nhau, người mua có quyền hủy hợp đồng và người bán sẽ bị đánh giá tín nhiệm. Còn ngược lại, nếu người bán đăng chính xác, mà người mua đã xác nhận đơn hàng rồi, nhưng tìm cách thoái thác, sàn giao dịch sẽ đánh giá tín nhiệm của bên mua và thậm chí mất luôn tiền cọc”, ông Triều nói.

Thời gian đầu hoạt động, sàn giao dịch sẽ miễn phí cho các bên tham gia, nhưng trong tương lai sẽ thu phí với mức có thể duy trì hoạt động của sàn.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/co-gi-la-o-san-giao-dich-tom-dau-tien-cua-ca-nuoc-726431.ldo