Có gì khuất tất trong quản lý khai thác cát sỏi ở Lạng Sơn?

Người dân sống cạnh sông Kỳ Cùng (xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) vô cùng lo lắng với hoạt động khai thác cát sỏi làm sạt lở bờ sông.

Công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn đã được cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Kỳ Cùng (đoạn qua xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Thế nhưng, hoạt động khai thác làm sạt lở bờ sông đã và đang khiến người dân vô cùng lo lắng, nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Bãi khai thác cát, sỏi của Công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn tại thôn Bản Làng, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Bãi khai thác cát, sỏi của Công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn tại thôn Bản Làng, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Nhiều tháng nay, người dân thôn Thanh Hảo, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn rất lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông Kỳ Cùng, đoạn chảy qua thôn Thanh Hảo và thôn Bản Làng.

Một số người dân địa phương cho biết: "Bờ sông bên này sạt lở nhiều nhất, có đoạn lở vào 30m kéo dài khoảng 300m. Chúng tôi cũng đã báo cáo nhưng xã không có ý kiến gì. Việc khai thác cát mới từ năm ngoái nhưng đã làm sạt lở, trôi hết đất bờ sông bên này. Bây giờ lở sắp đến miếu Thổ công rồi cả trạm bơm nữa".

Đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua 2 thôn Thanh Hảo và thôn Bản Làng (xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) được chia làm hai dòng chảy và ngăn cách bởi một bãi bồi ở giữa, cũng là nơi Công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn đang khai thác cát, sỏi. Công ty này được cấp giấy phép khai thác từ ngày 14/8/2019 với thời hạn 10 năm.

Tại bãi bồi giữa sông Kỳ Cùng đoạn thôn Thanh Hảo - Thôn Bản Làng vẫn còn máy móc, thiết bị tập kết

Trong giấy phép nêu rõ: Diện tích khu vực khai thác trên 13 ha, khai thác bằng phương pháp lộ thiên; Mức sâu khai thác thấp nhất là +4,18m, trữ lượng khai thác là 493.277m3... Dù vậy, người dân địa phương cho biết hoạt động khai thác cát sỏi trên đoạn sông này đã diễn ra từ nhiều tháng trước.

Ông Bế Văn Khoa, Phó Trưởng thôn Thanh Hảo, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng nói: "Trước dòng chảy bên phía kia nhiều hơn. Ở bên này bà con thoải mái tắm giặt, lội sang bên kia được. Đến cuối năm 2018 có doanh nghiệp về chuẩn bị mặt bằng rồi khai thác cát. Việc khai thác tạo dòng chảy về phía bên này nên dẫn đến sạt lở nhiều đoạn bờ sông".

Khảo sát thực tế bờ sông Kỳ Cùng, đoạn qua xã Tân Lang, rất dễ nhận thấy nhiều điểm bị sạt lở từ vài mét cho đến vài chục mét. Khu vực trạm bơm của thôn Thanh Hảo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Phùng Thế Hái, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Khai thác làm thay đổi dòng chảy. Bây giờ dòng chính chuyển qua đây gây sói lở, lâu dài sẽ cuốn các lớp cát sâu xuống. Mưa lũ về, dòng nước sẽ đẩy sỏi đá, đất cát vào đầy bể hút và gây tắc đường ống máy bơm".

Khai thác cát đã làm sạt lở đất bờ sông, có đoạn vào sâu gần 30m.

Lo ngại cuộc sống bị ảnh hưởng, các hộ dân trong thôn Thanh Hảo đã nhiều lần kiến nghị tại các kỳ họp HĐND xã và đến ngày 26/3/2019, đại diện thôn Thanh Hảo, chính quyền xã và công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn có buổi làm việc về tình trạng sạt lở bờ sông. Phía đơn vị khai thác thừa nhận tình trạng này có liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi và cam kết sẽ có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay vẫn không có hành động nào cụ thể.

Bà Hoàng Thị Thái, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Hảo, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn bức xúc: "Năm ngoái, năm nay chúng tôi đều có kiến nghị. Lập biên bản xác định là sạt lở thì bên công ty khai thác phải chịu trách nhiệm. Nhưng mà chịu trách nhiệm như thế nào thì dân cũng không thấy".

Khu vực Trạm bơm Thanh Hảo (Tân Lang) đã sạt lở sâu vào phía trong.

Tuy nhiên, khi những lo lắng của người dân thôn Thanh Hảo được phóng viên VOV trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tân Lang, ông Hoàng Văn Kiêm, Chủ tịch UBND xã Tân Lang lại khẳng định: "Xói lở chủ yếu bên thôn Bản Làng chứ bên Thanh Hảo không bị sói lở gì cả. Không biết em (PV) nghe từ thông tin nào nhưng chỉ bên Bản Làng bị lở đất bờ sông, mà đất bờ sông thì Nhà nước không cấp quyền sử dụng đất...".

Khi phóng viên cho biết đã đi thực tế hiện trường và đưa ra nhiều dẫn chứng về tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực thôn Thanh Hảo thì ông Hoàng Văn Kiêm lại yêu cầu phải theo đúng quy trình từ cấp huyện, đến phòng chuyên môn rồi mới đến cấp xã để cung cấp tài liệu.

Biên bản làm việc giữa đại diện thôn Thanh Hảo, chính quyền xã Tân Lang và công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn về tình trạng sạt lở bờ sông.

Ngay sau đó, chúng tôi có cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Văn Lãng thì được biết UBND huyện Văn Lãng chưa nhận được kiến nghị cũng như báo cáo của xã Tân Lang về vấn đề này. Dù vậy, ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng khẳng định sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế và có biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm.

"Sẽ cho tổ chức kiểm tra và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục sớm nhất và mời đại diện tư cách pháp nhân của công ty lên để làm việc. Nếu cố tình không khắc phục thì báo cáo lực lượng Sở, ngành chức năng của tỉnh để xử lý", ông Nhớ nói.

Giấy phép khai thác cát, sỏi tại cấp cho công ty Cổ phần liên doanh gạch không nung Lạng Sơn có hiệu lực ngày14/8/2019 nhưng người dân địa phương cho biết việc khai thác cát sỏi đã diễn ra từ nhiều tháng trước.

Việc Chủ tịch UBND xã Tân Lang khẳng định không có hiện tượng sạt lở bờ sông thôn Thanh Hảo (trái ngược với thực tế); việc người dân phản ánh nhiều lần về thực trạng sạt lở bờ sông nhưng đều không được hồi đáp và xã cũng không báo cáo lên cấp có thẩm quyền... Tất cả đều dẫn đến câu hỏi: Liệu có điều gì khuất tất?

Phóng viên VOV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.

Hoàng Khánh/VOV - Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/co-gi-khuat-tat-trong-quan-ly-khai-thac-cat-soi-o-lang-son-964582.vov