Có gì hấp dẫn ở cổ phiếu ACB?

Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta có bốn yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu ACB trước động thái nới room ngoại của ngân hàng này.

Có gì hấp dẫn từ cổ phiếu ACB?

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã điều chỉnh tỷ lệ room ngoại của Ngân hàng TMCP Á Châu (MCK: ACB) từ 29,88% lên 30% (mức tối đa). Với việc điều chỉnh này, chỉ có tối đa 33,78 triệu cổ phiếu ACB trong số gần 98,6 triệu cổ phiếu ACB được giao dịch đầu tiên vào ngày 4/6 tới đây sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại. Như vậy, khối lượng cổ phiếu niêm yết của ACB được nâng từ 1.027 triệu lên gần 1.126 triệu cổ phiếu.

Danh sách các cổ đông nước ngoài của ACB hiện gồm: Dragon Financial Holdings Ltd (7,1%), hai quỹ thuộc nhóm Alp Finance là Whistler Investments Limited và Sather Gate Investments Limited (9,95%); hai công ty con của Connaught Investors Limited là First Burns Investments (4%) và Asia Reach Investments (3,26%)...

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, cổ phiếu ACB rất hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài. Ngay từ trước đây, họ đã rất khát khao thu mua cổ phiếu ACB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, nhất là khi room ngoại đã đầy.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, có 4 yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu ACB. Thứ nhất, sức hút của ACB đến từ tốc độ tăng trưởng. Với kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2018 là 5.699 tỷ đồng, ACB được xếp vào nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng đầu tại Việt Nam. “Tốc độ tăng trưởng này tạo sức hấp dẫn hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại, ngân hàng quốc doanh hiện nay” – ông Nguyễn Thế Minh cho biết.

Thứ hai, chỉ số P/B (Giá/Giá trị sổ sách)thấp, hiện ở mức 2,56, cho thấy ngân hàng này đang hoạt động khá tốt, thu nhập trên tài sản cao.

Thứ ba, tỷ lệ nợ xấu của ACB thấp cho thấy mức độ rủi ro thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác. ACB đã xử lý khá triệt để khoản nợ xấu của mình, tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ còn 0,7%. ACB đã gần xử lý xong các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC. Trong quá trình xử lý nợ, ngân hàng đã mua lại toàn bộ hơn 1.500 tỷ đồng trái phiếu VAMC. Năm 2018, ngân hàng này đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Với khả năng xử lý nợ xấu triệt để, ACB đã được Moody's nâng hạng tín nhiệm từ B2 lên B1.

Thứ tư là tính đột biến. Ngân hàng này sẽ sớm hoàn thành việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản vay của 6 công ty liên quan đến bầu Kiên hiện còn khoảng 1.521 tỷ đồng. Nếu số tiền này được hoàn lại ACB, sẽ giúp tăng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, từ đó mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ tốt hơn. Được biết tính đến cuối năm 2017, hệ số CAR của ACB đạt 11.49%.

Như vậy, sau gần 5 năm vướng vào các khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên, ACB đã gần như xử lý xong.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-gi-hap-dan-o-co-phieu-acb-130272.html