Có gì đáng chú ý từ cuộc duyệt binh Quốc khánh lớn nhất lịch sử Trung Quốc?

Tại Quảng trường Thiên An Môn, đứng cạnh ông Tập Cận Bình (trong trang phục kiểu Mao Trạch Đông) là hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Chủ tịch Trung Quốc đứng trên xe Hồng Kỳ ra lệnh cử hành lễ duyệt binh ở Thiên An Môn.

Chủ tịch Trung Quốc đứng trên xe Hồng Kỳ ra lệnh cử hành lễ duyệt binh ở Thiên An Môn.

Lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc có sự tham gia của các nhà lãnh đạo đương nhiệm, tiền nhiệm cao cấp nhất. Ngoài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về những vấn đề quan trọng, then chốt nhất mà Bắc Kinh sẽ theo đuổi, buổi lễ còn có sự tham gia phô diễn sức mạnh của hơn 1 vạn quân nhân cùng hàng trăm trang thiết bị, vũ khí, khí tài của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tập Cận Bình và những tuyên bố chủ chốt

Lễ kỷ niệm tròn 70 năm Quốc khánh Trung Quốc được tổ chức vào năm nay trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, trong đó có tăng trưởng kinh tế chậm, chiến tranh thương mại với siêu cường Hoa Kỳ, vấn đề khủng hoảng ở Hong Kong và các tranh chấp phức tạp trong khu vực.

Trong các bản tin tường thuật, truyền hình trực tiếp được các hãng thông tấn, báo đài Trung Quốc phản ánh sáng 1/10, người ta có thể thấy, trên khán đài của Quảng trường Thiên An Môn, đứng cạnh ông Tập Cận Bình (trong trang phục mang phong cách Mao Trạch Đông) là hai cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Các quan chức cấp cao dưới quyền ông Tập Cận Bình trong Bộ Chính trị cũng có mặt đầy đủ, đứng xung quanh, phía sau vị Chủ tịch nước quyền lực.

Ông Tập Cận Bình cùng các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Đáng chú ý, trong số những vị quan chức đương nhiệm, tiền nhiệm cũng như các vị khách mời, lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh của Trung Quốc năm nay còn có sự xuất hiện của bà Carrie Lâm - Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong và 10 sỹ quan cảnh sát, những người đã trực tiếp vào các chiến dịch chống người biểu tình ở thành phố đặc khu kéo dài trong nhiều tháng qua.

Ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu đề cập đến các thành tựu mà Trung Quốc gặt hái được trong 7 thập niên vừa qua cũng như nêu ra những thách thức, quyết tâm mà Trung Quốc đang phải đối mặt và làm đến cùng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tự tin tuyên bố: “Không có thế lực nào có thể lung lạc được ý chí của Trung Quốc, không có thế lực nào có thể ngăn cản người dân và dân tộc Trung Quốc tiến lên phía trước”.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc sẽ là lực lượng chủ chốt, quan trọng, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia và nền hòa bình của nước này trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng dấu chân quân sự của mình trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là tại căn cứ hải ngoại đầu tiên, đóng ở Djibouti, châu Phi.

Người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh cũng đã kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc và toàn thể dân tộc Trung Hoa cùng nhau đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu để hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”. “Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa trường tồn, Đảng Cộng Sản Trung Quốc trường tồn, nhân dân Trung Quốc vỹ đại trường tồn”, ông Tập Cận Bình hô lớn sau khi kết thúc bài phát biểu kéo dài khoảng 7 phút.

Cuộc phô diễn sức mạnh lớn nhất lịch sử hiện đại

Đề cập đến vấn đề Hong Kong và Đài Loan, trong bài phát biểu nhân dịp quốc khánh, ông Tập khẳng định Bắc Kinh sẽ vẫn duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và kêu gọi Hong Kong, Đài Loan chấp hành và chấp thuận điều này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng chính quyền trung ương ở Đại lục sẽ bảo vệ sự ổn định lâu dài ở hai thành phố Hong Kong và Ma Cau. Trong khi đó, với Đài Loan, ông Tập cam kết sẽ chỉ đạo tiến hành các bước đi nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai bờ vào “trạng thái tốt đẹp”.
Chủ tịch Trung Quốc nhân sự kiện này cũng nhấn mạnh lại tuyên bố của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào phát đi nhân dịp Trung Quốc kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc khánh, trong đó nhấn mạnh như cầu hiện thực hóa sứ mệnh “thống nhất trong hòa bình” với đảo Đài Loan.

Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc đã tổ chức cuộc duyệt binh hoành tráng, được xem là một màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Trung Hoa hiện đại, với sự tham gia của 15.000 quân nhân, 160 máy bay và 580 chủng loại vũ khí khác nhau. Đây cũng là lần thứ 5 ông Tập Cận Bình có mặt tham dự duyệt binh quy mô lớn kể từ khi ông chính thức thống lĩnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc vào cuối năm 2012.

Sau khi nhận được mệnh lệnh của ông Tập Cận Bình, Thượng tướng không quân Ất Hiểu Quang, Tư lệnh Chiến khu Trung ương Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã trực tiếp nắm quyền chỉ huy, cử hành lễ duyệt binh. Năm 2009, khi ông Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch nước, quyền chỉ huy duyệt binh ngày Quốc khánh được trao cho Thượng tướng Phòng Phong Huy, người sau đó được bổ nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng PLA. Tướng Phòng Phong Huy sau này bị bắt để điều tra tham nhũng và bị kết án tù chung thân.

Cuộc duyệt binh hôm 1/10 là màn phô diễn sức mạnh quân sự lần thứ 15 liên tiếp được Trung Quốc tổ chức ở Thiên An Môn trong 70 năm qua. Lần này, rất nhiều vũ khí mới do Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo được mang ra phô diễn.

Tên lửa JL-2.

15.000 quân nhân đến từ 59 đơn vị vũ trang trong toàn PLA. 47/59 đơn vị tham gia biểu dương sức mạnh đều thuộc các đơn vị trên bộ, trong khi đó, phần còn lại là các đơn vị của Không quân Trung Quốc.

Theo giới quan sát, khoảng 40% các loại vũ khí trang bị được PLA phô diễn sáng 1/10 là những vũ khí đã từng được quân đội Trung Quốc công khai. 60% còn lại đều là những hệ thống vũ khí, trang bị, khí tài mới hoàn toàn.

Tên lửa Đông Phong 100.

Trong số nhiều chủng loại vũ khí được PLA đem ra lễ duyệt binh, dư luận chú ý nhiều đến các loại vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo Đông Phong 17, Đông Phong 21, Đông Phong 100 với tầm bắn có thể vươn đến các mục tiêu cách xa hàng ngàn km.

Các loại vũ khí phòng không đủ loại mà Trung Quốc đã triển khai trên các đảo, đá nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên khu vực Biển Đông cũng được chú ý.

Tên lửa JL-2.

Ngoài ra, máy bay tiêm kích tàng hình J-20, oanh tạc cơ ném bom chiến lược H-6 với tầm bay, tấn công phủ khắp lãnh thổ châu Á và có thể vươn đến thủ phủ của Liên bang Nga cũng tham gia màn trình diễn trên không trước khi kết thúc cuộc duyệt binh.

Một số loại máy bay không người lái, phương tiện cơ giới bọc thép, vũ khí bộ binh mới có màu sơn đặc trưng ở môi trường sa mạc cũng đã xuất hiện, khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, PLA có thể sẽ tham gia nhiều chiến dịch quân sự ở Trung Đông trong thời gian tới.

Các nữ quân nhân Trung Quốc.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc để lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia lễ duyệt binh như muốn chứng tỏ rằng mình là nước có vai trò, trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định trên thế giới.

Lê Cường

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thong-diep-doa-dam-tu-le-mung-quoc-khanh-cua-trung-quoc-d436760.html