Có gì đáng chú ý trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO?

Liệu Covid-19 có thực sự bắt nguồn từ chợ hải sản Vũ Hán hay là một sản phẩm từ một phòng thí nghiệm? Những giả thuyết đó hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Hơn một năm sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 xuất hiện và làm thế giới điêu đứng, ngày 30/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một báo cáo đầy đủ về quá trình nghiên cứu nguồn gốc của đại dịch, cũng như đưa ra các giả thuyết về phương thức lây lan sang người đầu tiên của virus SARS-CoV-2.

Báo cáo của WHO về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. (Nguồn: You Gov)

Báo cáo của WHO về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. (Nguồn: You Gov)

Báo cáo được thực hiện bởi một nhóm 34 người gồm các nhà khoa học Trung Quốc và các chuyên gia quốc tế, những người được cử đến Vũ Hán, Trung Quốc để điều tra một loạt nghi vấn gây tranh cãi về mặt chính trị, như việc liệu virus có thể vô tình xuất hiện từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không.

Dưới đây là những điểm chính đáng chú ý trong báo cáo này.

Kết quả không thỏa đáng

Tuy nhiên, kết quả của bản báo cáo dường như vẫn chưa làm hài lòng phần lớn thế giới, thậm chí còn dấy lên nhiều nghi vấn hơn. Thứ nhất, đó là lo ngại của các chuyên gia về việc Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu gốc về những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thừa nhận những lo ngại đó khi công bố bản báo cáo vào ngày 30/3. Ông Tedros cũng chỉ trích Trung Quốc đã không công bố dữ liệu đầy đủ cho các chuyên gia quốc tế.

Thứ hai, đối với các chuyên gia, cuộc điều tra lần này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thể đem lại kết quả khiến họ hài lòng. Trưởng nhóm công tác WHO tới Vũ Hán, TS. Ben Embarek cho rằng các chuyên gia mới chỉ chạm đến bề mặt của sự việc và sẽ cần thêm rất nhiều nghiên cứu nữa.

Chuyên gia này lưu ý, thời điểm phát hiện các ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tháng 12/2019 với những trường hợp mắc bệnh đều đã trở nặng. Do đó, những trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể đã âm ỉ xuất hiện trong cộng đồng.

Theo ông Embarek, Vũ Hán là một trong những thành phố trung tâm của Trung Quốc với các tuyến đường bay thẳng tới hầu hết các nơi trên thế giới. Do đó, virus hoàn toàn có thể đã âm thầm di chuyển khắp thế giới từ trước đó vài tháng.

Bản thân ông Tedros cũng hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ được "chia sẻ kịp thời và toàn diện hơn."

Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, nơi bị cáo buộc là đã làm rò rỉ virus SARS-CoV-2 ra thế giới. (Nguồn: AFP)

Bác bỏ giả thuyết phòng thí nghiệm

Trong nhiều tháng, các nhà khoa học, chính trị gia và những người bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã đưa ra giả thuyết rằng virus có thể là tai nạn từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Trong khi có nhiều ý kiến trái chiều về giả thuyết trên, họ vẫn thúc giục WHO điều tra nghiêm ngặt khả năng này.

Báo cáo đã bác bỏ hoàn toàn giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm và cho rằng điều này là "rất khó xảy ra". Các chuyên gia chủ yếu dựa trên các cuộc trò chuyện với các nhà khoa học ở Vũ Hán.

Nhưng Tổng giám đốc WHO đã bất ngờ làm dấy lên những hoài nghi, nói rằng lý thuyết này cần phải được điều tra thêm và ông đã sẵn sàng triển khai nhiều chuyên gia hơn để thực hiện điều đó.

"Tôi không tin đánh giá này đủ rộng. Chúng ta sẽ cần thêm dữ liệu và nghiên cứu thêm để đưa ra kết luận chắc chắn hơn" – Ông Tedros phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/3.

Các chuyên gia tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán cho biết họ đã không xử lý bất kỳ loại virus nào có liên quan chặt chẽ đến virus corona gây ra đại dịch lần này và nói rằng các nhân viên đã được đào tạo về cách thức đảm bảo an toàn.

Một số nhà phê bình cho rằng nhóm điều tra của WHO bị Trung Quốc “kiểm soát” và đã điều tra không đầy đủ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Raina MacIntyre, người đứng đầu chương trình bảo vệ sinh học tại Viện Kirby thuộc Đại học New South Wales, Australia, bày tỏ những hoài nghi về kết quả cuộc điều tra: "Chắc chắn có thể xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm."

Vai trò của chợ hải sản Vũ Hán

Nhóm chuyên gia kết luận rằng virus corona có thể xuất hiện trong dơi trước khi lây lan sang người thông qua một con vật trung gian. Nhưng nhóm nghiên cứu cho biết không có đủ bằng chứng để xác định sự lây lan của virus từ động vật.

Thời kỳ đầu của đại dịch, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra các giả thuyết cho rằng sự bùng phát của virus corona có thể bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam. Theo báo cáo hơn một năm sau đó, vai trò của các chợ buôn bán động vật trong câu chuyện của đại dịch vẫn chưa rõ ràng.

Nhóm chuyên gia sau khi nghiên cứu báo cáo của những người bán hàng tại chợ này đã phát hiện ra rằng nhiều ca nhiễm ban đầu hoàn toàn không có mối liên hệ rõ ràng với chợ Hoa Nam.

Một khu chợ tại thành phố Vũ Hán. (Nguồn: New York Times)

Theo báo cáo, trong số các ca nhiễm ban đầu được xác nhận, có khoảng 28% có liên quan tới chợ Hoa Nam và 23% có liên quan đến các chợ khác ở Vũ Hán, trong khi 45% lại không có lịch sử tiếp xúc với các khu chợ.

Báo cáo cho biết: “Không có kết luận nào chắc chắn về vai trò của chợ Hoa Nam đối với nguyên nhân đợt bùng phát dịch, cũng như nguyên nhân của việc virus bị lây lan ở các chợ.”

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nghiên cứu chuyên sâu hơn về các trang trại và động vật hoang dã ở Trung Quốc là vô cùng cần thiết bởi sự thật về vai trò của các khu chợ trong trận đại dịch có thể được làm sáng tỏ.

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Nhóm chuyên gia đưa ra một danh sách dài các khuyến nghị để nghiên cứu bổ sung như: thử nghiệm nhiều hơn trên động vật hoang dã và vật nuôi ở Trung Quốc và Đông Nam Á; nghiên cứu sâu hơn về các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên; và tiếp tục truy lùng tất cả các con đường lây nhiễm từ các trang trại đến các khu chợ ở Vũ Hán.

Nhưng không rõ liệu Trung Quốc, nước đã nhiều lần cản trở cuộc điều tra của WHO, có tiếp tục chịu hợp tác hay không. Các quan chức Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng sự chú ý sang vấn đề khác, điều này cho thấy rằng virus này có thể đã xuất hiện ở Mỹ hoặc ở các quốc gia khác.

Các chuyên gia cho rằng sự chậm trễ trong cuộc điều tra đã làm ảnh hưởng đến khả năng ngăn chặn các đại dịch khác có thể xảy ra trong tương lai.

Michael Baker, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Otago ở New Zealand, cho biết: “Sự chậm trễ này rõ ràng đã làm tổn hại đến khả năng của cuộc điều tra trong việc tái tạo lại nguồn gốc của Covid-19 và xác định các cách giảm nguy cơ nhiễm bệnh trong tương lai.

(theo New York Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-gi-dang-chu-y-trong-cuoc-dieu-tra-nguon-goc-covid-19-cua-who-140972.html