Có gì đặc biệt trong ngày đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2019?

Đề thi văn được đánh giá là 'khó vừa phải', đề toán 'dễ thở', thí sinh bị đình chỉ thi vì để lọt đề ngữ văn lên mạng xã hội, một thí sinh dự thi với bộ đề in trên giấy A3... là những điểm nổi bật tại ngày thi đầu tiên trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Đề văn mở, đề toán “dễ thở”

Đề thi ra "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một số em than "bó tay".

Tuy nhiên, thầy Phan Văn Đông, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bình Chánh (TP.HCM) nói đề thi năm nay không quá khó, tuy nhiên học sinh phải hiểu bài mới làm được. Phần đọc hiểu tương đối dễ, sau đó dẫn đến câu nghị luận xã hội mang tính thực tiễn.

Phần nghị luận văn học, thầy Đông bất ngờ với đề văn bởi theo thầy, con sông Hương là bài nhiều giáo viên dường như không chú trọng khi ôn tập cho học trò. Dẫu vậy, đề thi đã trích hẳn đoạn văn, dữ liệu đã có bên trong, nếu học sinh tinh ý sẽ có thể kiếm điểm.

Nhiều thí sinh đánh giá đề thi toán năm nay tương đối "dễ thở". (Nguồn: TT)

Thầy Nguyễn Thanh Phong (giáo viên trường Thực hành Sư phạm, Đại học Cần Thơ) nhận định, đề văn dễ, sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Phần đọc hiểu khá nhẹ nhàng, câu nghị luận xã hội khá quen thuộc, câu nghị luận văn học ở mức bình thường, không nâng cao.

Trong khi đó, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM) cho rằng, đề năm nay có độ khó vừa phải và không có quá nhiều sự khác biệt so với năm 2018.

Câu nghị luận xã hội thể hiện được tính mở của đề thi, để học sinh thể hiện quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, nội dung về ý chí, nghị lực không mới, thậm chí đã cũ, học sinh được viết rất nhiều nên không có gì khó khăn.

Việc lựa chọn một đoạn trong bút ký có thể gây khó cho thí sinh vì việc phân tích, cảm nhận đoạn thơ hay truyện ngắn sẽ dễ hơn. Thí sinh phải học kỹ, nắm bài chắc, có nhiều ý phong phú thì mới viết tốt.

Thầy Nguyễn Hữu Dương, Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM) cũng nhận xét về cấu trúc, đề thi giống như các năm trước nên không gây bất ngờ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Về nội dung, phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội phù hợp trình độ chung của học sinh.

16h chiều cùng ngày kết thúc giờ thi môn toán. Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi đánh giá đề thi không khó, không có câu nâng cao.

Theo thầy Hà Xuân Nhâm, trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội, đề thi toán năm nay khá hay. Có 30 câu đầu tiên rất cơ bản, thí sinh chỉ cần ghi nhớ lý thuyết là làm được. Những câu hỏi có tính phân hóa nằm ở 5 câu cuối. Với đề thi này điểm 10 sẽ không nhiều. Nhưng những em nắm kiến thức cơ bản chắc có thể dễ đạt điểm 7-8.

Dự đoán kết quả môn Toán, thầy Hà Xuân Nhâm cho rằng phổ điểm tập trung ở điểm 6-7 tại các thành phố và vùng "đất học". Điểm 8 sẽ chiếm khoảng 10-15% tổng số bài thi cả nước.

“Lọt đề” ngữ văn lên mạng, thí sinh bị đình chỉ thi

Tại một điểm thi của tỉnh Phú Thọ, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, chụp đề thi và đưa lên mạng xã hội khi thời gian làm bài vẫn còn.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết, do việc chụp ảnh đề thi đưa lên mạng của thí sinh được phát hiện từ bên ngoài, chính các giám thị trong phòng thi cũng không phát hiện được tại chỗ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ đã cho xác minh danh tính thí sinh và đề nghị công an vào cuộc. Hiện, thí sinh này đã bị đình chỉ thi và 2 giám thị coi thi tại phòng thi này cũng bị đình chỉ coi thi.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT cho biết, dù thí sinh chụp ảnh đề thi đưa lên mạng khi đã quá 2/3 thời gian làm bài, nhưng ngay sau khi phát hiện, cả thí sinh và hai cán bộ coi thi đã bị đình chỉ theo quy chế.

Thí sinh cũng đã làm tường trình và thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, công an đang vào cuộc để xác định nguyên nhân và động cơ tung đề lên mạng của thí sinh này.

Được biết, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi chụp đề đưa lên mạng là một thí sinh tự do, dự thi tại một điểm thi tại Thanh Sơn - Phú Thọ.

Đề thi môn Ngữ văn do thí sinh chụp bằng điện thoại và đưa lên mạng.

Ông Mai Văn Trinh cho biết, đề thi được thí sinh gửi ra ngoài lúc 9 giờ 5 phút, tức sau 2/3 thời gian làm bài. Trong khi đó, theo chia sẻ của một số người thì đề thi này được đăng lên mạng chỉ sau 60 phút bắt đầu giờ làm bài.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các điểm thi trong cả nước tăng cường kỉ luật phòng thi, không để thí sinh mang các thiết bị điện tử vào khu vực thi.

Một thí sinh Sơn La giấu 2 chiếc điện thoại

Sau khi làm bài được 15 phút, các giám thị phát hiện một thí sinh ở Sơn La giấu 2 chiếc điện thoại.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La xác nhận trong buổi thi môn ngữ văn sáng nay, hội đồng thi trường THPT Tô Hiệu (thành phố Sơn La) đã đình chỉ một thí sinh vì mang điện thoại vào phòng thi.

Cụ thể, ở phòng thi số 1 điểm thi này, sau khi làm bài được 15 phút, các giám thị phát hiện một thí sinh giấu 2 chiếc điện thoại. Thí sinh này lập tức bị đưa ra khỏi phòng thi, hội đồng thi ở điểm trường này đã lập biên bản, đình chỉ.

"Chúng tôi đang tiếp tục xem xét, rà soát. Nếu có trường hợp cố tình vi phạm quy chế thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc", ông Chiến nói.

Trường hợp đặc biệt: một thí sinh dự thi với bộ đề in trên giấy A3

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế, Thừa Thiên Huế), có một thí sinh dự thi với bộ đề thi được in riêng trên giấy khổ A3 chứ không phải A4 như bao đề thi khác. Đó là Huỳnh Ngân Giang, học sinh lớp 12B4 Trường THPT Nguyễn Huệ.

Giang bị bệnh viêm màng bồ đào vào năm 14 tuổi. Dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình của Giang vẫn vậy. Em không thể đọc được chữ in trong sách giáo khoa và chữ in trong đề thi khổ giấy A4 thông thường.

Trên lớp, Giang cố gắng lắng nghe và dùng điện thoại chụp lại những gì cô giáo ghi trên bảng. Về nhà, em ôn lại bài giảng từ những bức ảnh chụp và cố gắng tìm tòi thêm những kiến thức trên mạng.

Mọi nỗ lực của cô gái trẻ đã được đền đáp xứng đáng. Suốt 3 năm học cấp III, Giang luôn giành được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Giang còn được Trường THPT Nguyễn Huệ chọn vào đội thi học sinh giỏi môn ngữ văn cấp tỉnh và giành được giải nhì tại kỳ thi năm 2018. Bước vào kỳ thi THPT năm nay, Ngân Giang nói sẽ cố hết sức để thi đậu vào khoa du lịch ĐH Huế cho thỏa "giấc mơ được đi đây đi đó".

Trước kỳ thi, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của Giang ra Bộ GD&ĐT để xin ý kiến làm riêng cho em một bộ đề thi đặc biệt. Theo đó, thay vì đề thi các môn được in trên khổ giấy A4 thông thường, sẽ có một bộ đề thi riêng được in trên khổ giấy A3 với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để Giang có thể đọc được.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, ở cả môn ngữ văn và toán, số thí sinh dự thi đều đạt trên 99,5% so với số đăng ký dự thi ban đầu.

Về kỷ luật phòng thi, ngay trong ngày đầu tiên có 34 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó 1 trường hợp bị khiển trách, 3 trường hợp bị cảnh cáo và 30 trường hợp bị đình chỉ thi. Đồng thời, hai cán bộ bị đình chỉ coi thi.

Tuy nhiên, nếu so với năm 2018, số lượng thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý năm 2019 đã giảm (năm 2018, trong ngày thi đầu tiên có 45 thí sinh vi phạm quy chế thi: 1 thí sinh bị khiển trách, 44 thí sinh bị đình chỉ).

Phi Khanh

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-gi-dac-biet-trong-ngay-dau-tien-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-96517.html