Cô gái xứ Nghệ thu hàng trăm triệu đồng/năm từ vườn hồng cổ

Trên diện tích 2ha, chị Diệu Thúy ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) trồng đủ các giống hồng cổ cho hương thơm ngát, từ đây chị còn ứng dụng KHKT để sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ hoa hồng.

Vườn hồng của chị Diệu Thúy ở xã Nam Thanh (Nam Đàn). Ảnh: Thế Thắng

Vườn hồng của chị Diệu Thúy ở xã Nam Thanh (Nam Đàn). Ảnh: Thế Thắng

Là cô gái duyên dáng, khéo léo, siêng năng, chị Diệu Thúy, quê Nam Thanh, huyện Nam Đàn từng lập HTX thêu tranh ở Nam Đàn thu hút hàng trăm lao động tham gia. Nhưng do đầu ra khó khăn và thiếu tay nghề giỏi, hiệu quả chưa cao, chị quyết định chuyển hướng sang trồng hoa hồng vốn là niềm đam mê từ nhỏ.

Cách đây mấy năm nhận thấy hoa hồng là loài hoa được thị trường ưa chuộng, chị đã đi các tỉnh phía Bắc về để tìm mua các giống hồng cổ và mày mò nghiên cứu cách chăm sóc, nhân giống bán cây, đồng thời từ nguồn hoa nguyên liệu chị nhờ các chuyên gia hỗ trợ để chế biến thành nhiều sản phẩm làm đẹp.

Hoa hồng nguyên liệu được hái để làm nước hoa hồng và trà. Ảnh: Lâm Tùng

Ở trang trại của chị (xóm 9, xã Nam Thanh) có hơn 20 loại hồng cổ khác nhau như: Vân khôi, cổ Sa Pa, hồng đào cổ, nhung cổ, cổ bạch xếp, bạch ho, quế son, cổ Huế, cổ son môi... Với mong ước trồng hoa phục vụ khách du lịch về quê Bác, và có thêm những sản phẩm sạch đưa ra thị trường.

Hoa hồng được chị Thúy trồng theo công nghệ sạch hoàn toàn nhằm chế biến ra các sản phẩm như trà hoa hồng, nước hoa hồng. Xung quanh vườn được chị trồng húng quế, sả, các loại hoa dại để hạn chế sâu bọ. Bên cạnh đó, chị tìm mua các loại hồng bản địa để có sức sống cao, dễ chăm sóc để vừa cho hương thơm, vừa cho chất lượng cao của sản phẩm.

Từ nguồn nguyên liệu hoa hồng dồi dào, chị Thúy đã đầu tư 500 triệu đồng nhà xưởng, máy móc để hấp sấy hoa theo đúng hướng dẫn của chuyên gia để đảm bảo giữ được màu sắc, hương vị của hoa hồng sấy. Còn nước hoa hồng được chị Thúy chưng như nấu rượu lấy nước hoa hồng bay hơi lên ngưng đọng lại làm thành sản phẩm.

Vườn hồng của chị Diệu Thúy trồng nhiều nhất là hồng cổ Sa Pa. Ảnh: Quốc Đàn

Về sản phẩm cây trồng, chị Thúy bán, trao đổi trong toàn quốc. Khi có người chọn mua qua mạng, chị gửi xe ô tô nếu ở xa hoặc trực tiếp ship hàng trong địa bàn gần. Một gốc hồng bình quân 1 triệu đồng, những cây hồng "chúa" có giá cả chục triệu đồng. Mỗi năm chị cũng có thu nhập kha khá từ xuất bán cây hồng.

Để có sản phẩm mới cung ứng ra thị trường, chị Thúy lập công ty để sản xuất các loại trà hoa hồng, nước hoa hồng, bột hoa hồng.

Nước hoa hồng 150.000 đồng/lọ, trà hoa hồng 150 ngàn đồng/hộp, bột hoa hồng dùng để đắp mặt nạ. Hoa hồng có tính chất kháng sinh, an thần, phù hợp với chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ nên hiện sản phẩm nước hoa hồng của chị bán khá chạy khi giá cả vừa phải.

Hàng ngày chị Thúy hái hoa hồng để sản xuất các loại sản phẩm từ hoa nguyên liệu. Ảnh: Lâm Tùng

Là người con quê Bác, chị mong ước được làm điều gì đó, tạo ra một mô hình du lịch trên quê nhà, sản xuất ra được những sản phẩm mới chất lượng phục vụ du khách về với quê Bác với tâm huyết của tuổi trẻ làm giàu cho quê hương bằng trí tuệ và sức trẻ. Chị mong ước sau này sẽ mở rộng được diện tích để có mô hình du lịch hấp dẫn. Du khách đến đây có thể được ngắm hoa hồng, thưởng thức trà hoa hồng và đắm mình trong những bông hoa đẫm sương... cảm thấy cuộc đời thư thái hơn, ý nghĩa hơn.

Chế biến trà hoa hồng. Ảnh: Lâm Tùng

Các sản phẩm chiết xuất từ hoa hồng được làm theo công nghệ sạch từ vườn hồng Diệu Thúy. Ảnh: Lâm Tùng

Trân Châu - Lâm Tùng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/co-gai-xu-nghe-thu-hang-tram-trieu-dong-nam-tu-vuon-hong-co-277365.html