Cô gái Việt và hành trình trở thành nhân viên một công ty lớn của Thụy Sĩ

Hạnh Phạm chia sẻ về cuộc sống của mình tại Thụy Sĩ, đặc biệt là hệ giá trị của cô đã thay đổi thế nào?

Hạnh Phạm, một phụ nữ Việt với xuất phát điểm là một nhân viên thu nhập thấp ở Việt Nam, nghe lời bố mẹ sang Thụy Sĩ, Hà Lan học tập, đã làm thế nào để vượt qua bao gian nan, thậm chí bị bắt nạt, coi là con lừa khi chập chững đi làm, vươn lên giành được vị trí tốt trong một công ty lớn của Thụy Sĩ?

Hạnh Phạm chia sẻ về cuộc sống của mình tại Thụy Sĩ, đặc biệt là hệ giá trị của cô đã thay đổi thế nào:

“Tôi đến Thụy Sĩ vào ngày 28/9/1999. Máy bay hạ cánh lúc 9h sáng, hôm ấy là một ngày mùa thu nắng vàng chói chang nhưng rất lạnh. Từ trên máy bay, cảnh đồi núi, đồng cỏ và các hồ của Thụy Sĩ cực kỳ đẹp, màu xanh của những cánh rừng, ánh bạc của các hồ nước, xen kẽ với màu vàng rực của những cánh đồng hoa cải dầu bát ngát, các ruộng hoa hướng dương và các ruộng lúa mỳ, giống như những bức tranh mà họa sĩ vẽ bằng các tuýp màu nguyên chất vậy.

Gia đình của Hạnh Phạm ở Thụy Sĩ

Gia đình của Hạnh Phạm ở Thụy Sĩ

Sang đến Geneva, tôi đi học tiếng Pháp tại IFAGE - là một trung tâm dạy nghề cho người lớn. Tôi học rất kém vì giáo viên chỉ nói tiếng Pháp để dạy tiếng Pháp và cách học toàn toàn khác lạ so với cách giáo dục ở Việt Nam. Học sinh toàn là người nhập cư, ngoài giờ học lại chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, thế nên tôi “bò” vẫn hoàn “bò”.

Sau một năm, tôi sang Hà Lan học một khóa MBA bằng tiếng Anh, lại một lần nữa, khóa học này do bố mẹ tôi lựa chọn và quyết định, tôi chỉ việc xách ba lô lên và đi. Học xong, tôi trở về Thụy Sĩ, gửi 150 đơn xin việc đến khắp các công ty ở Thụy Sĩ, và không nhận được dù chỉ một hồi âm. Lý do là vì tôi có đủ các loại bằng cấp mà không có chút kinh nghiệm làm việc trong các công ty lớn, vì tôi không nói tiếng Pháp hoặc tiếng Đức. Tôi cũng đã được nhận phỏng vấn một lần trong bộ phận thư kí của UN, nhưng họ đánh trượt do tôi gõ máy tính quá chậm, không đủ 150 từ/một phút.

Sau đó tôi quyết định đi học ở đại học Geneva, khoa ngôn ngữ, chỉ để lấy giấy tờ cư trú ngắn hạn. Tôi đi làm ở tiệm Mc Donald để có tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình ở cái nơi đắt đỏ gần nhất thế giới. Nhưng do ham đi làm và cũng ham chơi như bất kỳ thanh niên nào mới bắt đầu có tiền và có cuộc sống tự lập, tôi chẳng học hành gì luôn. Sau 3 năm trường đại học thông báo không cho tôi tiếp tục học nữa, thì tôi lấy chồng là một Việt kiều có quốc tịch Thụy Sĩ để tiếp tục có giấy tờ cư trú, rồi đi làm cho mẹ chồng trong một tiệm làm đẹp. 1 năm rưỡi sau, tôi tìm được việc khác trong một văn phòng tư nhân chăm sóc các vấn đề tài chính cho những khách hàng giàu có ở Thụy Sĩ.

Để giành được vị trí tốt trong một công ty lớn của Thụy Sĩ

Lúc này tiếng Pháp của tôi đã khá hơn, đủ để giao tiếp thông thường, nhưng trở ngại lớn nhất là tính cách tôi quá nhường nhịn và cả nể, thế nên vợ chồng ông chủ đối xử với tôi không ra gì nhưng tôi vẫn nhẫn nhịn. Tôi đã làm ở văn phòng này đến tận 8 tháng, có lẽ do “đức tính” nhẫn nhịn của tôi.

Mặc dù thời gian làm việc đó là quãng thời gian khủng hoảng nhất của tôi trong 20 năm ở Thụy Sĩ, nhưng đến lúc này tôi vẫn thấy mình biết ơn họ vì có lẽ, nếu không có sự “dạy dỗ” của họ, tôi sẽ không có cơ hội để trưởng thành như ngày hôm nay.

Tính cách của tôi thay đổi hẳn sau 8 tháng làm việc ở đó. Mặc dù không học được nhiều về nghề nghiệp, nhưng đây là nơi dạy tôi nhiều nhất về tính cách. Tôi thấy rõ ràng là trong xã hội này, nếu mình muốn được người khác chú ý đến và tôn trọng công việc của mình, thì sự nhường nhịn ẩn nhẫn là một nét tính cách xấu chứ không phải là đức tính. Như vậy, khi mình bị bắt nạt mà mình không dám nói gì, họ sẽ tưởng mình ngu chứ không phải mình tôn trọng họ và họ càng coi thường mình hơn. Có một lần, bà chủ ngồi đọc báo ở cạnh bàn tôi, cười ha ha và nói rằng "Hạnh, tao đọc một câu này và tao nghĩ đến mày: "Nếu mày là một con lừa thì đừng lấy làm lạ nếu người ta cưỡi lên lưng mày". (Tên tôi trong tiếng pháp đọc là An vì chữ H không phát âm, từ con lừa (âne) cũng đọc như vậy).

Tôi bỏ việc ở công ty đó, và ngay lập tức xin được việc làm ở công ty Total, và đến nay đã làm việc được 12 năm tại Total.

Hạnh Phạm và con trai

Pascal là người chồng thứ 2 của tôi. Anh làm công việc giải cứu những người bị nạn trong lúc đang du lịch, công tác nước ngoài. Điều khó khăn lớn là sinh con ở đây không có sự giúp đỡ của cả ông bà nội lẫn ngoại, và trong thời gian đầu hầu như tôi một mình chăm con cộng thêm đi làm toàn thời gian. Sau đó chồng tôi quyết định nghỉ việc ở nhà trông con vì tôi nói: "Anh ở ngoài kia cứu cả thế giới nhưng gia đình anh phải là nơi anh cứu đầu tiên". Hai lần tôi sinh con, hai lần anh nghỉ việc ăn lương thất nghiệp để ở nhà chăm con.

Công ty Total nơi tôi làm việc là một môi trường mà tôi thấy nhiều sự hung ác hơn là sự tử tế, như bất cứ một công ty tài chính lớn nào khác. Nhưng tôi biết rằng điều đó không đại diện cho đất nước Thụy Sĩ hoặc con người Thụy Sĩ. Những số ít lần tôi từng liên hệ công việc với người Thụy Sĩ (ngoài gia đình chồng tôi) thì đều để lại trong tôi cảm nhận về người Thụy Sĩ: họ hiền lành, tận tụy và làm việc cực kỳ chỉn chu. Họ đặt trách nhiệm cá nhân trong công việc lên rất cao, nên tôi thường thấy họ hoàn thành công việc tốt hơn so với yêu cầu. Người Thụy Sĩ có tính tự hào dân tộc cao, họ có quyền đó vì các sản phẩm họ làm ra nổi tiếng thế giới về độ bền và độ chính xác. Người Việt Nam thường chỉ biết đến đồng hồ, sôcôla và ngân hàng Thụy Sĩ, nhưng thực tế xuất khẩu Thụy Sĩ về máy móc công nghệ và vũ khí rất phát triển.

10 năm nữa tôi hy vọng có thể làm một công việc tự do hơn, cho phép làm việc ở bất cứ nơi đâu mà không bắt buộc phải ngồi 9 tiếng một ngày trong văn phòng máy lạnh. Tôi yêu thích công việc hiện nay, nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy sự nhàm chán và khát khao khám phá một lĩnh vực mới mẻ. Tôi thích công việc có liên quan đến nhà cửa, như mua nhà cũ, trùng tu, cải tạo rồi bán lại, vì nhà cũ ở Thụy Sĩ rất đẹp và thường có mảnh đất rộng đi kèm. Hoặc tôi có thể mở một chuỗi nhà hàng fastfood Việt Nam. Sau này tôi muốn một việc gì đó để cảm thấy cuộc sống có những thứ khác hay hơn nhiều ngoài những con số và mức độ tăng giảm của các danh mục đầu tư”.

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/co-gai-viet-va-hanh-trinh-tro-thanh-nhan-vien-mot-cong-ty-lon-cua-thuy-si-550844.html