'Cô gái vàng' SEA Games Phạm Thị Huệ

Trước thềm năm mới, chúng tôi gặp và chúc mừng VĐV Phạm Thị Huệ (quê xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) người đoạt HCV đầu tiên của thể thao Quảng Ninh tại SEA games 30 (chạy 10.000m). Tấm HCV mà nhiều năm nay thể thao Quảng Ninh mơ ước. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Vượt khó, đổi màu huy chương

Đón Huệ tại Sân bay Nội Bài sau chiến công giành HCV điền kinh, thật ngạc nhiên vì khó có thể nhận ra nhà vô địch SEA Games 30 cự ly 10.000m. Trên đường chạy Huệ rắn rỏi, nghị lực bao nhiêu, thì ở ngoài đời cô gái quê Đầm Hà lại dịu dàng, nhẹ nhàng bấy nhiêu... Nhà vô địch dong dỏng cao, nhẹ nhàng, bẽn lẽn chào các thành viên trong đoàn thể thao Quảng Ninh. Không giấu nổi niềm hạnh phúc và những giọt nước mắt, Huệ ôm chầm, chia sẻ niềm vui với huấn HLV Vũ Thị Hoa (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT thao Quảng Ninh) người thầy dìu dắt em.

Phạm Thị Huệ vinh danh thể thao Vùng mỏ với HCV SEA Games 30 cự ly chạy 10.000m.

Phạm Thị Huệ vinh danh thể thao Vùng mỏ với HCV SEA Games 30 cự ly chạy 10.000m.

Sinh năm Bính Tý 1996 tại thôn Tân Lương, xã Tân Bình (huyện Đầm Hà), cô gái nhỏ bé này đã tạo nên một kỳ tích, ghi tên Việt Nam trên bảng vàng SEA Games. Dù năm nay mới 23 tuổi nhưng Phạm Thị Huệ đã có 3 kỳ tham dự SEA Games. Hai lần trước, cô giành HCB khi chưa thể cán đích đầu tiên ở cự ly 10.000m. Quả thật từ "Á quân chân đất" tới tấm HCV lần này, Huệ đã viết nên một câu chuyện đầy nghị lực, tuyệt đẹp của niềm đam mê, khao khát với không ít thiệt thòi, hy sinh và nước mắt.

Biệt danh "Nữ hoàng chân đất" làm nhiều người nhớ tới câu chuyện Huệ từ nhỏ đã phải xa gia đình theo đuổi đam mê điền kinh. Không chỉ khi thi đấu phong trào, luyện tập, mà tại SEA Games 28 và 29, nhiều lần Huệ nhịn đau vì chấn thương, phải thi đấu với đôi chân trần... ở cự ly dài 5.000, 10.000m mà vẫn giành thứ hạng cao. Biệt hiệu "Nữ hoàng chân đất" có từ đó.

Trước thềm SEA Games 30, cô gái 23 tuổi gây bất ngờ cho mọi người về đám cưới khá kín tiếng. Huệ và chồng - một tài xế quê Phú Thọ, kết hôn từ tháng 3/2019. Ngay sau đám cưới, Huệ đã phải tập trung đội tuyển tập huấn, thi đấu xa nhà, đi liên miên. Điều đáng nói, từ ngày lấy chồng đến tận cuối năm, Huệ thậm chí còn chưa về được Quảng Ninh để thăm gia đình. Cô cho biết, đám cưới diễn ra thật sự chóng vánh trước thềm chuyến thi đấu ở Đài Loan, Trung Quốc và Giải Việt dã toàn quốc ở Vũng Tàu hồi tháng 3/2019. "Em chỉ về nhà để chuẩn bị cho đám cưới được 2-3 ngày rồi sau đó lại đi thi đấu luôn. Đến nay, hai vợ chồng đã xa nhau mấy tháng, còn về nhà bố mẹ đẻ thì từ hồi cưới, đã hơn 9 tháng nay mới được về thăm nhà" - Huệ tâm sự.

Gạt mọi nỗi buồn, thiệt thòi xa chồng, gia đình và cả căn bệnh dạ dày hành hạ, Huệ vẫn thi đấu tốt. Ngày 8/12 trên sân vận động New Clark City (Philipin) ở cự ly 10.000m SEA Games 30, Phạm Thị Huệ đã phải cạnh tranh quyết liệt với 2 đối thủ đến từ Indonesia, trong đó có đương kim vô địch Triyaningsih và nhiều đối thủ mạnh khác. "Ở 5 vòng cuối, bỗng nhiên em thấy nhói bụng. Đó là những vòng đấu quyết định. Cơn đau trào lên mỗi lúc một nhiều, một khó chịu. Em đã hóp bụng, cắn răng nhịn đau... để thi đấu, chạy về đích...”.

Ai cũng có thể nhìn thấy nghị lực tuyệt vời ở Huệ khi thi đấu với đôi chân trần tại SEA Games 28, 29. Nhưng ít ai biết rằng trước thềm sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, Huệ đã chịu không ít đau đớn của căn bệnh đau dạ dày kinh niên, cùng những đau đớn do chấn thương từ kỳ SEA Games trước. "Đợt tập trung này, em vẫn bị căn bệnh đau dạ dày hành hạ, chấn thương khoeo chân vẫn thi thoảng tái phát... Những tưởng căn bệnh này đã thuyên giảm trong chuyến tập huấn tiền SEA Games tại Trung Quốc, khiến em rất phấn khởi. Thế nhưng khi SEA Games khởi tranh, vào ngày thi đấu mong chờ nhất thì em lại bị ảnh hưởng bởi bệnh đau dạ dày, có khi mất ngủ" - Huệ chia sẻ.

Huệ kể, có lẽ do không hợp thức ăn ở nước bạn mà ngay hôm đầu dùng bữa ở Philipin, em đã bị đau bụng dữ dội. Những món ăn ở nước bạn rất bắt mắt, nhưng khi ăn vào thì khác, bởi bên đó họ cho gia vị rất cay, nóng. Những ngày sau tình hình không đổi, Huệ phải ăn cơm với ruốc thịt, mỳ tôm mang từ Việt Nam sang, đồng thời xin bác sĩ đội bổ sung thực phẩm chức năng.

Phạm Thị Huệ chia vui cùng đoàn đại biểu Sở VH&TT Quảng Ninh chào đón VĐV SEA Games 30 trở về, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).

HLV Trần Văn Sỹ, người trực tiếp huấn luyện Huệ ở Đội tuyển quốc gia, đánh giá: "Huệ là một VĐV có tố chất, nghị lực. Tiền SEA Games em đã chăm chỉ, duy trì thể lực và thành tích tốt, đặc biệt trong dịp tập huấn tại Trung Quốc. Tôi đánh giá cao em trong giải đấu này. Một số VĐV Việt Nam thi đấu đợt này chưa thật sự hồi phục mà vẫn thi đấu tốt, trong đó có Huệ. Huệ bị đau dạ dày, còn chấn thương nhẹ mà vẫn đoạt HCV. Đó là phần thưởng xứng đáng cho VĐV giàu nghị lực này".

Đam mê và tâm huyết với thể thao tỉnh nhà

Khi được phóng viên hỏi, Huệ muốn chia sẻ điều gì với người thân ở quê nhà, Huệ xúc động, nín lặng một lúc, sau đó vuốt những giọt nước mắt chiến thắng đang lăn trên má và nói: "Con yêu bố mẹ nhiều lắm!"

Trưởng thành từ thể thao phong trào rồi được phát hiện, bồi dưỡng thành VĐV chuyên nghiệp, từ khi học lớp 8-9 Huệ đã phải xa nhà, xa bố mẹ vào Hạ Long học. Chắc hẳn Huệ rất thấm những khó khăn, vất vả của luyện tập, sự khắc nghiệp của thể thao, phải xa nhà khi còn nhỏ, những lần gọi điện cho bố mẹ nằng nặc đòi xin về. Có lẽ vì thế mà Huệ luôn nhớ, biết ơn gia đình.

"Được tiền thưởng đợt này, em sẽ cùng gia đình sắm một cái Tết tươm tất, dành nhiều thời gian hơn ở nhà chăm lo cho gia đình, những người đã toàn tâm ủng hộ, đứng sau thành công của em. Em sẽ dành thời gian về thăm gia đình, bố mẹ đẻ ở Đầm Hà nữa" - Huệ chia sẻ. Sau nhiều năm gắn bó với thể thao, chừng 5 năm “ăn cơm tuyển”, giờ đây cô gái Đất mỏ đã giành được tấm HCV quý giá mà mỗi VĐV đều muốn hướng tới. Hơn ai hết, Huệ hiểu những khó khăn, vất vả, sự thiệt thòi, hy sinh của VĐV cũng như của chính gia đình họ.

Phạm Thị Huệ mong muốn được theo nghiệp HLV như người thầy của mình.

Nói về dự định trong tương lai, Huệ chia sẻ: "Là một VĐV chuyên nghiệp, gắn bó và trưởng thành ở quê nhà Quảng Ninh, không chỉ riêng tôi mà các VĐV khác đều mong muốn được gắn bó với sự nghiệp huấn luyện, mong muốn truyền lửa, nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình cho các lứa VĐV trẻ Vùng vỏ. Đó là mơ ước cháy bỏng của tôi".

Có lẽ vì thế mà hiện Huệ đang theo học năm thứ 3 tại Trường Đại học TDTT (Từ Sơn, Bắc Ninh) với mong muốn sau khi nghỉ thi đấu sẽ trở thành HLV điền kinh để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất cho thế hệ đi sau.

Huệ cũng cho biết, sẽ là rất khó khăn nếu tập luyện, thi đấu và làm việc tại Quảng Ninh mà chồng con lại ở Phú Thọ. "Có lẽ, em sẽ thuyết phục chồng và gia đình, em biết chồng và gia đình chồng cũng rất thương và luôn ủng hộ em. Đó là chuyện của tương lai. Trước mắt, em mong ước được làm mẹ. Biết đâu sau khi sinh con, em sẽ thi đấu tốt hơn, tiếp tục cống hiến cho thể thao, tiếp tục chinh phục những kỷ lục mới, đặc biệt SEA Game sắp tới sẽ tổ chức ở Việt Nam" - Huệ vui vẻ chia sẻ.

Tạ Quân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/the-thao/202001/co-gai-vang-sea-games-pham-thi-hue-2468933/