Cô gái vàng piano lọt top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017

Không phải là con nhà nòi nhưng với tài năng, đam mê và nỗ lực vươn lên, cô bé 'hạt tiêu' Trần Minh Châu, SN 2004, học sinh trường THCS Marie Cuire Hà Nội đã gặt hái được nhiều giải thưởng piano danh giá thế giới. Mới đây, em còn lọt top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.

Cô bé “hạt tiêu” Minh Châu có bản thành tích giải thưởng khá dài như: Giải Nhất cuộc thi Piano quốc tế Ricard Vines dành cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi (Lleida, Tây Ban Nha); giải Nhất cuộc thi AFAF Piano International Concerto Competition (Hoa Kỳ); giải Nhất cuộc thi Future Stars Piano Competition (Ba Lan)... Tháng 12-2017, em được đặc cách tham gia thi tuyển và đạt kết quả xuất sắc đỗ vào "Hệ đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2015 tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây, Minh Châu còn vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký để lọt vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.

Minh Châu lọt Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017. ẢNH: NVCC

Gia đình Minh Châu không có ai theo nghệ thuật. Cơ duyên đến với âm nhạc của cô bé xuất phát từ sự thích thú và tò mò với cây đàn piano hàng ngày chị gái vẫn học. Cô bé dường như bị thôi miên mỗi khi giai điệu piano được cất lên. Biết được niềm yêu thích của cô con gái nhỏ, bố mẹ Minh Châu quyết định cho cô học piano.

Năm đó, cô bé mới chỉ 4 tuổi. Lên 7 tuổi, giáo viên của Minh Châu có nói với bố mẹ em rằng con gái họ có một năng khiếu thiên bẩm về piano và mong muốn gia đình sẽ tạo điều kiện để em có cơ hội phát huy năng khiếu. Học lớp 4, Minh Châu chính thức theo học piano chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Em đỗ vào trường với điểm số khá cao và theo học song song hai trường là Học viện Âm nhạc và trường Marie Curie Hà Nội. Với sự hướng dẫn của GS.NGND Trần Thu Hà, năm nào Minh Châu cũng là học sinh xuất sắc của trường.

11 tuổi, Minh Châu lần đầu tiên tham gia cuộc thi piano quốc tế. International Music Competition “Pietro Argento” lần thứ 18. Đây là cuộc thi có hơn 100 thí sinh từ hơn 20 nước tham dự, với 10 bảng thi ở các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Tại nước Ý xa xôi, lại lần đầu tiên chinh chiến với các bạn lớn tuổi hơn nhưng cô bé hạt tiêu không hề biết sợ hãi, cũng chẳng bị run như nhiều thí sinh bước vào thi cử. Cô bé giành giải nhất trong hạng mục dành cho thí sinh từ 10-13 tuổi. Tuy bình tĩnh khi thi nhưng Minh Châu lại đôi chút bối rối trong giây phút BTC công bố em là người chiến thắng. Lý do giành giải nhất được Minh Châu lý giải: “Chắc do con còn bé quá nên không biết sợ”.

Năm 2017, Minh Châu tiếp tục ghi danh trên đấu trường âm nhạc cổ điển quốc tế. Đó là cuộc thi piano quốc tế danh giá Ricard Vines Piano International Competition đã có tuổi đời 22 năm, được tổ chức hàng năm từ năm 1995 tại Lleida, quê hương của nhà soạn nhạc nổi tiếng Enrique Granados Campina người Tây Ban Nha.

Cuộc thi được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình TP Lleida. Nếu như những năm trước thí sinh tham gia phải từ 18 tuổi trở nên thì năm 2017, BTC quyết định cho các tài năng âm nhạc dưới 18 tuổi tham gia. Đó là lý do Minh Châu có cơ hội góp mặt tại cuộc thi này. Khó khăn của Minh Châu tại sân chơi này chính là có quá nhiều đối thủ đáng gờm từ nhiều nước có nền âm nhạc cổ điển phát triển lâu đời như Đức, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Hungary, Rumani, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ... Cô bé thừa nhận khi biết được bảng thành tích “khủng” của các bạn thi, những giáo viên tên tuổi trên thế giới các bạn từng học, bản thân em không khỏi “run”.

Tuy nhiên, càng đứng trước áp lực, Minh Châu càng thể hiện bản lĩnh thi đấu. Em giữ sự bình tĩnh và tự tin từ đầu đến cuối cuộc thi. Hầu hết các bài dự thi của Minh Châu đều thuộc hàng khó nhằn đối với những người học piano khi đòi hỏi phải xử lý kỹ thuật, độ khó cao. Cuối cùng, cô bé xuất sắc giành giải nhất bảng dành cho lứa tuổi từ 12-14 tuổi.

Minh Châu chia sẻ ước mơ lớn nhất của em là trở thành một nghệ sĩ piano, được đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. Em mong muốn được mang piano và nhạc cổ điển đến với nhiều khán giả ở mọi lứa tuổi. Hỏi cô bé thích nhất bản nhạc nào, em tâm sự: “Bản nhạc mà con yêu thích nhất chính là bản Hungarian Rhapsody số 11 của nhà soạn nhạc Franz Liszt. Con mong muốn sẽ được chơi bản nhạc này nhiều lần hơn nữa”.

Chia sẻ về cuộc hành trình của con gái với cây đàn piano, bố mẹ Minh Châu cho biết vì gia đình không có ai theo nghệ thuật nên không thể chỉ dạy, hướng dẫn, chỉnh sửa cho con. Tất cả việc học tập của con đều do các thầy cô giáo hướng dẫn.

Nếu như mới bắt đầu học piano, Minh Châu chỉ cần học nửa tiếng một ngày thì càng về sau, cô bé càng phải luyện tập nhiều hơn, tôi thiểu là 3 tiếng/ngày. Thậm chí, trước mỗi lần biểu diễn, Minh Châu phải tập từ 6-8 tiếng/ngày. Việc luyện tập đàn phải thường xuyên bởi chỉ cần vài ngày không chơi là tay sẽ cứng lại. Kinh nghiệm trình diễn được rèn giũa qua quá trình học tập, biểu diễn nhưng cơ hội biểu diễn trên sân khấu trong nước của Minh Châu không nhiều.

Nếu như trước đây, cảm xúc trình diễn của cô bé chủ yếu là do bắt chước hoặc được thầy cô hướng dẫn thì khi lớn lên, Minh Châu đã cảm thụ tốt hơn, hiểu hơn làm thế nào để tạo ra cảm xúc khi trình diễn.

Theo học nghệ thuật của Minh Châu cũng đặt ra nhiều thách thức với gia đình, đặc biệt là làm sao để con gái cân bằng được việc học văn hóa và học đàn. Có những giai đoạn áp lực, bố mẹ Minh Châu định cho con dừng việc học đàn lại.

Nhưng khi thấy niềm đam mê, khát khao chinh phục của con gái, anh chị lại cố gắng bên cạnh động viên con tiếp tục theo đuổi ước mơ. Vì gia đình Châu có 4 chị em nên mẹ phải thường xuyên ở nhà, còn người đồng hành cùng Minh Châu trên khắp chặng đường học tập, biểu diễn trong và ngoài nước chính là bố. Lo lắng cho con gái nhỏ bao nhiêu thì khi cô bé đạt được kết quả cao, bố em lại vỡ òa trong niềm hạnh phúc, xúc động bấy nhiêu.

Chỉ cần nhìn cô con gái “hạt tiêu” rạng rỡ, tự tin phiêu linh trên những phím đàn, bố mẹ Minh Châu lại có thêm động lực giúp đỡ em trong cuộc hành trình vươn tới ước mơ.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/co-gai-vang-piano-lot-top-10-guong-mat-tre-viet-nam-tieu-bieu-2017-112130.html