'Cô gái vàng' của karatedo Việt Nam và hành trình 8 năm đầy nước mắt

Gần 1 năm sau ngày đứng trên đỉnh thế giới ở hạng cân 61 kg kumite nữ, Nguyễn Thị Ngoan vẫn đang miệt mài theo đuổi ước mơ: được thi đấu karatedo và tận hưởng cảm giác chiến thắng.

Tháng 9/2017, nữ võ sĩ quê Phúc Thọ, Hà Nội - một trong 3 nhân vật chính trong đoạn phim ngắn về thể thao của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và nước tăng lực Sting - đã đi vào lịch sử karatedo Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên giành HCV thế giới đối kháng. Trước thành tích này, HLV Lê Tùng Dương khi đó thực sự vui mừng và hết lời khen ngợi cô học trò.

Thế nhưng, chính võ sư này cũng khẳng định trình độ của Ngoan vẫn còn nhiều hạn chế và phải phấn đấu nhiều. Có lẽ ông đã đúng khi hơn một năm sau, Nguyễn Thị Ngoan chỉ dừng bước ở 3 giải đấu lớn với thành tích tốt nhất là HCB.

Dù vậy, việc chạm đến top 8 thế giới khi chưa tới 20 tuổi nhờ tấm HCV thế giới cho thấy con đường phía trước của nữ VĐV người Phúc Thọ rất thênh thang. Đáng nói hơn khi Nguyễn Thị Ngoan mới thi đấu quốc tế 3 năm và những giải đấu thực sự đẳng cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Video - Phía sau kỳ tích của những niềm hy vọng vàng TTVN

Bên cạnh quá trình khổ luyện, ý chí kiên cường của các VĐV, sự cổ vũ từ cổ động viên là yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ giúp các niềm hy vọng vàng giành chiến thắng.

Những tấm huy chương là tấm gương phản chiếu cho quá trình tập luyện kiên cường trong suốt thời gian dài của cô gái sinh năm 1998. Những giọt mồ hôi lăn dài, những đau đớn về mặt thể xác lại là phần khuất ít biết mà Nguyễn Thị Ngoan phải trải qua để giành về vinh quang cho Tổ quốc.

Dù phải khổ luyện ngày đêm, nhưng đối với Ngoan, tất cả đều có thể vượt qua nhờ sự ủng hộ của cổ động viên nơi quê nhà. Chính Ngoan đã chia sẻ: “Trong những giờ phút thi đấu tại nước bạn, nghĩ đến gia đình bố mẹ ở quê nhà cổ vũ động viên và hơn hết là niềm tin của rất nhiều người hâm mộ, em đã cố gắng để vượt qua tất cả và đạt được chiến thắng”.

Con đường tập luyện của Nguyễn Thị Ngoan không có được sự xuyên suốt như nhiều VĐV chuyên nghiệp khác. Có quãng thời gian, cô tự bỏ học tới cả năm. Lý do là cô gái vàng này xấu hổ khi bố mẹ không có đủ 70.000 đồng đóng học phí mỗi tháng.

Khi đó, cả gia đình trông cậy vào những đồng tiền ít ỏi từ gánh bánh mỳ bán rong của mẹ. Bố cô đi làm xa gần như không giúp được nhiều mấy mẹ con. Nhiều hôm, Ngoan phải “gặm” bánh mỳ trừ bữa.

Bây giờ, khi đã bước tới đỉnh cao, Ngoan nhớ lại: “Những thời điểm khó khăn cũng là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Nếu không có những khó khăn đó, chưa chắc tôi đã có được ngày hôm nay”.

Gia cảnh của Ngoan cũng giống đa số VĐV đỉnh cao của Việt Nam khác khi phải sống với khó khăn về kinh tế, túng thiếu đủ đường, thậm chí bữa đói bữa no.

Khi còn tập luyện không chuyên tại địa phương, Nguyễn Thị Ngoan phải đi bộ khoảng 5 km để tới lớp học, rồi lại vượt quãng đường tương tự sau giờ tập để trở về nhà.

Dù khó khăn và vất vả, hầu như cô không bỏ buổi tập nào. Có lẽ do nhìn thấy niềm đam mê võ thuật ở cô học trò nhỏ, các thầy không những không trách móc mà còn tạo điều kiện khi Ngoan trở lại tập luyện.

Nhờ những sự giúp đỡ vô giá đó, tài năng của Ngoan dần được bộc lộ khi cô thi đấu tốt và được gọi lên trung tâm TDTT Quân đội ăn tập chuyên nghiệp. Đây là điều hết sức vui mừng với cô gái cũng như cả gia đình.

Từ thời điểm này, nhà vô địch thế giới mới có thể chuyên tâm vào việc tập luyện khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đã vơi bớt. Gia đình của cô cũng bớt được miệng ăn, lại có thêm tiền công tập luyện của cô con gái nhỏ gửi về.

Nhận tháng lương đầu tiên, Ngoan gửi về cho mẹ phần lớn, dù khi đó chỉ là 300.000 đồng. Số tiền nhỏ còn lại, nữ VĐV sinh năm 1998 dùng để mua đồ dùng cá nhân. Sau này, khi thâm niên tập luyện lâu hơn, kèm theo đó là tích lũy thành tích, mức lương Ngoan nhận được cũng tăng lên 1 triệu, rồi cao hơn nữa.

“Tiền thưởng cho mỗi huy chương không quá lớn. Tuy nhiên, khoản đó giúp gia đình tôi trang trải chi phí và ổn định kinh tế hơn rất nhiều”, Ngoan chia sẻ.

Là con gái, nhưng lại theo tập karatedo chuyên nghiệp, nữ võ sỹ cao 1,7 m này không ít lần "bê bết" sau những trận thi đấu quá sức. Theo lời cô kể, đối thủ lớn nhất trong cuộc đời VĐV của mình là nữ võ sĩ người Trung Quốc Xiaoyan Yin.

"Lần nào tôi gặp cô ấy cũng bị nhừ tử, toàn thân đau nhức. Phải nói là cô ấy vượt trội so với trình độ của tôi", Ngoan chia sẻ về những lần đối đầu nữ VĐV số một thế giới hiện nay.

Nữ võ sĩ này cho biết mỗi lần như vậy cô phải mất nhiều ngày để có thể lấy lại trạng thái sức khỏe tốt nhất. Nếu không có sự quyết tâm, tinh thần vượt khó được trui rèn từ những ngày đầu tập luyện, Ngoan đã không trụ được tới giờ.

Xiaoyan Yin cũng là VĐV khiến Nguyễn Thị Ngoan bị ảnh hưởng và không thể có trạng thái sức khỏe tốt nhất tham dự ASIAD. Tại giải vô địch karatedo châu Á hồi tháng 7, Nguyễn Thị Ngoan không chỉ thua trắng 0-4 ở trận chung kết mà còn gặp chấn thương cổ tay vì đỡ đòn của đối phương.

Thực tế, dù chỉ cách nhau 5 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, nhưng trình độ giữa Ngoan và Xiaoyan còn khoảng cách rất xa.

Trên bảng xếp hạng thế giới trước thềm ASIAD, ở nội dung kumite hạng cân 61 kg nữ, Nguyễn Thị Ngoan đang xếp thứ 6 và đứng trước cơ hội dự Olympic 2020. Đây cũng là mục tiêu dài hơi mà lãnh đạo ngành thể thao đặt kỳ vọng và đầu tư trọng điểm giúp cô gái vàng này hoàn thành giấc mơ.

Với cá nhân Ngoan, có những thời điểm tưởng như đã “chững” lại vì thành tích không những giảm mà còn thụt lùi theo thời gian. Bằng chứng là những thất bại ở nhiều hệ thống thi đấu, bao gồm cả các giải trẻ.

HLV Lê Tùng Dương trong thời gian tập trung chuẩn bị ASIAD từng “thiết quân luật” đối với cô học trò. Ông muốn cô tập trung toàn tâm toàn ý vào việc tập luyện, nói không với báo chí và luôn có sự “chăm sóc” kỹ lưỡng với một trong 3 niềm hy vọng của mình.

Thừa nhận có nhiều thời điểm xao lãng khiến mình rơi khỏi top 10 thế giới, Nguyễn Thị Ngoan vô cùng biết ơn sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như những lời động viên của đồng đội.

Theo Ngoan, lý do thất bại có nhiều, nhưng chủ yếu do vấn đề kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu. Vốn tích lũy không nhiều nhưng thành công lại đến quá nhanh khiến cô rơi vào khủng hoảng.

“Có những thời điểm, không phải đến sau này, tôi rơi vào cảnh chán nản vì thi đấu không tốt. Thế nhưng, các HLV vẫn kiên trì dạy dỗ, động viên và đồng đội ở bên cạnh những khi tôi thất bại. Tôi nghĩ mình cần thêm thời gian, sự kiên trì để thi đấu tốt hơn”, Ngoan chia sẻ.

Trước thềm ASIAD 2018, Nguyễn Thị Ngoan cũng đã cùng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vận động viên Lê Thanh Tùng “lên dây cót” tinh thần cho người hâm mộ qua video được tạo dựng bởi nhãn hàng nước tăng lực Sting và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, kể lại hành trình bước đến bục vinh quang của chính mình.

Ở đó, những giọt mồ hôi đã lăn dài trên trán, lòng quyết tâm đã in hằn trong ánh mắt mỗi người và sự kiên cường, tinh thần thép luôn rạo rực nơi con tim.

Trên nền nhạc sôi động kịch tính, ánh nhìn đầy cương quyết của Hoàng Xuân Vinh, động tác dứt khoát của Lê Thanh Tùng hay tiếng thét đầy dũng khí của cô gái sinh năm 1998 Nguyễn Thị Ngoan càng thêm ấn tượng. Tất cả như thay cho lời cam kết rằng các VĐV Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo dân tộc.

Bấy nhiêu đó dường như chưa đủ để bước đến thành công. Cho đến phút cuối cùng khi bước ra sàn đấu, những “anh hùng” của đất nước vẫn hướng mắt lên khán đài để tìm kiếm màu cờ quen thuộc. Cổ động viên trở thành một trong những nhân tố quyết định đến tâm lý vững vàng, sự tự tin thi đấu của các vận động viên như Nguyễn Thị Ngoan, Hoàng Xuân Vinh hay Lê Thanh Tùng. Cổ động viên cũng chính là chìa khóa thành công của các vận động viên trong những thời khắc quyết định của mọi giải đấu.

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng mang trên mình hàng triệu gương mặt cổ động viên người hâm mộ xuất hiện cuối video thật sự chạm đến trái tim của người xem. Đoạn phim ngắn truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của các cổ động viên trong quá trình tập luyện cũng như những giờ phút quyết định trên sàn đấu của Hoàng Xuân Vinh, Lê Thanh Tùng và Nguyễn Thị Ngoan.

Tại ASIAD 2018, Ngoan được đôn lên đánh ở hạng cân 68 kg. Đây được cho là tính toán mang tính dài hơi của ban huấn luyện môn Karatedo. Do mới đôn cân, nên các đối thủ tại kỳ Á vận hội lần này là thử thách lớn đối với nữ võ sĩ.

"Tôi có xem video họ thi đấu và nhận biết phần nào thực lực của từng người. Tuy nhiên, đây là hạng cân mới, tôi chưa từng va chạm với ai nên rất khó để đánh giá khả năng mình tới đâu", Ngoan chia sẻ.

Bởi vậy, theo nhận xét chủ quan, con đường chinh phục HCV ASIAD rất gian nan và không loại trừ khả năng cô gái này sẽ không đáp ứng được kỳ vọng từ giới chuyên môn.

“Thực ra, tôi tự thấy mình còn kém cỏi, kinh nghiệm còn hạn chế, còn phải rèn luyện nhiều lắm. Nhìn thế thôi chứ vào sân tôi còn nhiều điểm yếu để đối thủ khai thác. Tôi nghĩ mình cần đầu tư thêm, phải rèn luyện thêm để hạn chế được những điểm yếu đó”, Ngoan chia sẻ.

Những lời chia sẻ của nữ võ sĩ sinh năm 1998 dường như có phần khiêm tốn bởi trên bảng xếp hạng thế giới tháng 8, cái tên Nguyễn Thị Ngoan đang đứng thứ 6. Đây là vị trí kỷ lục đối với không chỉ cô mà cả kumite Việt Nam.

Nếu tiếp tục giữ vững phong độ và thi đấu tốt ở những giải đấu trong năm tới, rất có thể Nguyễn Thị Ngoan sẽ lọt vào top 5 võ sĩ hàng đầu và gần như chắc chắn có một tấm vé đi Olympic 2020 theo dạng chính thức. Nếu vậy, đây sẽ là món quà xứng đáng cho những nỗ lực vượt quá của người con quê lụa.

Chia sẻ về mục tiêu sắp tới, Ngoan nhắc tới thành tích số một thế giới và mong ước sẽ giữ vững được vị trí “độc tôn” ở nội dung của mình. Với một VĐV mới thi đấu quốc tế 3 năm đã đạt tới vị trí thứ 6, có lẽ điều mong ước của Nguyễn Thị Ngoan chỉ cần đủ thời gian để thực hiện.

Tới giờ, khi nói về lần lên ngôi vô địch thế giới đầu tiên của lịch sử kumite Việt Nam, Ngoan vẫn cho rằng kỳ tích đó mang nhiều tính may mắn. Dẫu vậy, để có được sự may mắn như lời cô nói, Ngoan phải trải qua những bài học đắt giá mà lớn nhất là thất bại tại SEA Games 2017 khi cô để thua trước võ sỹ chủ nhà Indonesia.

"Tôi ấm ức phát khóc vì bị xử ép. Nhưng dù không phục cũng không biết làm thế nào để đòi lại công bằng. Đó là bài học xương máu cho những lần thi đấu sau này của tôi", Ngoan chia sẻ.

Kết quả không chỉ là những bài học, thất bại tại SEA Games 2017 còn là động lực giúp nữ võ sĩ sinh năm 1998 mạnh mẽ hơn để có được thành công tại giải đấu vào hồi tháng 9/2017.

Là võ sĩ đi vào lịch sử karatedo Việt Nam khi là VĐV kumite đầu tiên đoạt HCV thế giới, song Nguyễn Thị Ngoan lại khá bình thản trước kỳ tích này. Cô không cho rằng đó là điều gì đáng quá tự hào.

“Vô địch thế giới rồi nhưng với tôi, từng đó là chưa đủ. Mỗi khi nhìn lại chặng đường 8 năm đằng đẵng, nước mắt, mồ hôi, chấn thương, sự lo lắng của mẹ, của thầy cô và bạn bè là động lực để tôi tiếp tục. Trước đây, vì đam mê mà tôi theo tập. Bây giờ vẫn vậy, song tôi còn có những cột mốc khác cần chinh phục”, Ngoan chia sẻ.

Nói nhiều về kinh nghiệm và tâm lý khi thi đấu, Nguyễn Thị Ngoan bộc bạch có những thời điểm không tự tin trước giờ xung trận, bất ngờ được người hâm mộ trên khán đài gọi tên, cổ vũ khiến cô thêm phấn chấn và quyết tâm.

"Khi thi đấu quốc tế ở xa nhà, được sự cổ vũ của đồng bào Việt kiều là cảm giác thực sự hạnh phúc. Đó là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho tôi cũng mọi VĐV khác. Tôi mong khán giả, người hâm mộ sẽ luôn dõi theo, đồng hành và ủng hộ chúng tôi chinh phục những đỉnh cao mới". Ngoan nhắn nhủ.

Kết thúc cuộc trò chuyện, cô gái vàng của karatedo Việt Nam chia sẻ mục tiêu và suy nghĩ duy nhất khi cô thi đấu làm sao để chiến thắng được đối thủ trước mắt, qua đó đền đáp sự tin yêu nơi người hâm mộ.

Đỗ Hải - Hà Mỹ Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-gai-vang-cua-karatedo-viet-nam-va-hanh-trinh-8-nam-day-nuoc-mat-post869252.html