'Cô gái vàng' của Bộ đội Hải quân

Chứng kiến màn biểu diễn võ thuật điêu luyện của nữ quân nhân có gương mặt khả ái, với những cú ra đòn đầy uy lực, chẳng hề thua kém một chiến đấu viên đặc công thực thụ, các đồng đội tham dự buổi gặp mặt quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) tiêu biểu Quân chủng Hải quân (QCHQ) không khỏi trầm trồ, thán phục. Điều làm mọi người bất ngờ hơn là nhiệm vụ thường ngày của nữ quân nhân 'đánh roi, đi quyền' ấy là nhân viên nấu ăn, hiện đang công tác tại Phòng Hậu cần, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, QCHQ.

Võ thuật đâu chỉ dành cho "phái mạnh"

Khác hẳn với các động tác võ thuật mạnh mẽ, khỏe khoắn trên bãi tập, giữa vòng vây của đồng đội và trước những ánh nhìn đầy ngưỡng mộ của “phái mày râu”, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà, nhân viên nấu ăn, Phòng Hậu cần, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 trở về đúng nghĩa một phụ nữ hiền thục, nhẹ nhàng. Quê chị ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ vào Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 năm 2005, đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Tại đây, nữ chiến sĩ Phạm Thị Hà được biên chế là nhân viên nấu ăn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Hà tích cực nghiên cứu, học hỏi các thế hệ anh, chị đi trước, đồng thời nghiên cứu thêm trên sách báo, không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề, thường xuyên bảo đảm cơm dẻo, canh ngon cho bộ đội, giúp các chiến sĩ đặc công ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, từ lâu, trong lòng nữ chiến sĩ nuôi quân ấy đã ấp ủ mong muốn được học võ như các chiến đấu viên cùng đơn vị, dù biết rằng lĩnh vực này không phải thế mạnh của “phái yếu”, nhất là sẽ phải trải qua đầy rẫy những khó khăn, vất vả. Ngày này qua ngày khác, hình ảnh luyện rèn của đồng chí, đồng đội càng khơi dậy trong Hà niềm khát khao được học võ. “Ý định ban đầu của tôi, học võ để rèn luyện sức khỏe bản thân, hạn chế bệnh tật. Nhưng không biết từ bao giờ, tập võ đã trở thành niềm đam mê trong tôi lúc nào không hay”. Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà bộc bạch. Rồi chị bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những chông gai, thử thách, cả những hiểm nguy rình rập mà bản thân đã vượt qua trong quá trình tập võ.

Những ngày đầu tiên trên bãi tập, cô nhân viên hậu cần tưởng học võ đơn giản, chỉ cần có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, niềm đam mê, kết hợp với sự kiên trì là đủ, nhưng khi bước vào luyện tập chính thức, cô mới thấy hết được những khó khăn, vất vả mà mình phải đối mặt. Bởi thực tế cho thấy, việc luyện tập võ chiến đấu đối với quân nhân nam vốn đã không hề đơn giản, thì một cô gái chân yếu, tay mềm, không phải “con nhà nòi” như Hà, thì thử thách này càng khó khăn gấp bội. Giai đoạn đầu, chị phải rèn các thế tấn, rồi làm quen với cách ngã, cách xuất quyền, tung cước... và các bài tập nâng cao như: Nhào lộn, vượt chướng ngại vật, nhảy cao… Những bài “vỡ lòng” ấy khiến mỗi sáng thức giấc, cô nhân viên nấu ăn chỉ quen công việc bếp núc bị đau ê ẩm khắp thân người, đi lại vô cùng khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc gia đình cũng như ở cơ quan. Câu hỏi thường trực trong đầu Hà lúc ấy là làm thế nào để bố trí khoa học, hài hòa, nhịp nhàng giữa công việc chuyên môn là nấu ăn phục vụ bộ đội, huấn luyện võ thuật và công việc gia đình? Điều này khiến chị không khỏi băn khoăn, lo lắng. Thậm chí, trước những thách thức thường trực ấy, đôi lúc đã làm chị nản lòng, có ý định bỏ cuộc. Nhưng rồi, niềm đam mê võ thuật cùng sự khích lệ, động viên của đồng chí, đồng đội và chỉ huy đơn vị, Hà lại kiên trì luyện tập với quyết tâm cao độ.

 Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà trong một buổi huấn luyện và biểu diễn võ thuật tại đơn vị. Ảnh: ĐỨC TUẤN

Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà trong một buổi huấn luyện và biểu diễn võ thuật tại đơn vị. Ảnh: ĐỨC TUẤN

Càng vào sâu các bài tập nặng, thử thách đòi hỏi sự kiên trì đối với cô nữ nhân viên nuôi quân càng lớn. Nhiều lần, sau những bài đánh đối kháng, chân, tay, mặt mũi của chị bị bầm tím, sưng tấy; có lúc ngã bị trẹo chân, sái tay, phải nhờ đồng đội dìu, đỡ. Rồi những khi thực hiện sai động tác, bị trúng đòn đau, đến mức bật khóc. Đặc biệt không ít lần, Hà phải nằm bệnh xá vài ba ngày vì chấn thương, việc ăn uống, học hành của con cái một mình chồng cô đảm nhiệm… Nhưng tất cả những sự thật khắc nghiệt ấy không làm cho cô nhân viên hậu cần đam mê võ thuật chùn bước. Hễ dứt những cơn đau, chị lại lao vào luyện tập, mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ tối đa thời gian rảnh rỗi để học hỏi thêm đồng chí, đồng đội. Nhờ tinh thần "thép" ấy, hiện Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà giờ đã thuần thục hầu hết các bài võ chiến đấu tay không. Bước vào tình huống thực tế, một mình chị có thể tự tin tấn công, đánh trả hàng chục "đối tượng" manh động, có sử dụng vũ khí sát thương.

Nữ nhân viên hậu cần “hai giỏi”

Được biết, để có thể vượt lên những khó khăn, thử thách trong quá trình luyện tập võ thuật và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhân viên hậu cần, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của chỉ huy cơ quan, sự hỗ trợ kịp thời của đồng chí, đồng đội, đặc biệt là người chồng thân yêu của chị, Thiếu tá QNCN Hoàng Thái Dương, một trong những chiến đấu viên xuất sắc của Đội Chống khủng bố, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Hiểu được niềm đam mê võ thuật của vợ, anh không những không ngăn cản, ngược lại còn hướng dẫn, động viên, giúp đỡ vợ về mọi mặt. Những lúc rảnh rỗi, anh chỉ bảo, hướng dẫn chị từ động tác cơ bản đến những bài tập nâng cao, nhất là cách đánh cận chiến mà hạn chế được chấn thương. Những ngày chị bị đau, anh luôn là người chăm sóc, động viên chị vượt qua và không được bỏ cuộc. Hay những hôm chị luyện tập về muộn, hoặc tham gia luyện tập, thi đấu dài ngày, mọi công việc gia đình đều do anh đảm nhiệm. Điều đó tạo động lực không nhỏ cho Hà vượt qua mọi khó khăn, vất vả để đạt được thành công.

Với quyết tâm cao độ cùng sự nỗ lực vượt bậc, năm 2014, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà đoạt huy chương Vàng trong hội thao võ thuật QCHQ; huy chương Bạc trong tham gia Hội thao võ thuật chiến đấu tay không toàn quân. Phát huy kết quả đạt được, năm 2015, tham gia Hội thao võ thuật do quân chủng tổ chức, chị tiếp tục đoạt huy chương Vàng cá nhân và huy chương Đồng tham gia Hội thi võ thuật toàn quân. Chị cũng là gương mặt chiến đấu viên xuất sắc không thể thiếu trong tham gia huấn luyện, luyện tập và trình diễn võ thuật phục vụ các đoàn tham quan đơn vị.

Không chỉ đạt thành tích cao trong hoạt động võ thuật, là một hội viên Hội phụ nữ cơ sở, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà còn thường xuyên đại diện cho cán bộ, hội viên phụ nữ trong đơn vị tham gia các hoạt động hội thi, hội thao do đơn vị tổ chức, như: Bắn súng, lướt ván, hay tham gia các hoạt động bề nổi như: Bóng chuyền, cầu lông, văn hóa, văn nghệ… Phương châm hành động của chị là: “Lấy việc làm cụ thể thay cho lời nói, cùng chị em hội viên xây dựng tổ chức hội vững mạnh xuất sắc”. Trong cuộc sống gia đình, trên cương vị là người vợ, người mẹ, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà luôn làm tròn bổn phận, thiên chức của mình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi.

Với những thành tích đã đạt được, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”; được Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng bằng khen, vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hội thao võ thuật. Chị cũng được tặng danh hiệu Chiến sĩ nuôi quân tiêu biểu xuất sắc nhất QCHQ và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2015, 2016, 2018.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của bản thân, Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà khiêm tốn, bộc bạch: “Thành tích của tôi đạt được do có sự được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, sự giúp đỡ tận tình của đồng chí, đồng đội. Đó là công sức của cả tập thể. Tôi luôn tâm niệm, sự cống hiến ấy của bản thân hãy còn vô cùng khiêm tốn so với các đồng đội của tôi, những chiến sĩ đặc công hải quân thường xuyên dầm mình hàng chục giờ đồng hồ trong nước, bất kể điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm, để có thể thả trôi, ngâm mình và bơi hàng chục cây số trên bất cứ vùng biển nào của Tổ quốc thân yêu”. Chị cũng cho rằng, để có được thành công nhất định trong công việc, bản thân mỗi người phải có một niềm đam mê và tâm huyết thực sự. Từ đó mới tạo được ý chí, nghị lực để vươn lên và hướng tới. Bên cạnh đó, trước bất kỳ khó khăn, vất vả, đôi khi cả hiểm nguy, mỗi người phải nghiêm khắc với bản thân, quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch đã đặt ra. Đồng thời không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm, nhất là bài học của các thế hệ đi trước để từng bước hoàn thiện bản thân. Đối với chị em phụ nữ, nhất là nữ quân nhân ở đơn vị đặc công, cần phải vượt qua mặc cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngần ngại những công việc khó khăn, vất vả, những trọng trách lớn lao như những nam quân nhân.

Nhận xét về Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà, Đại tá Trần Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 tự hào: "Thượng úy QNCN Phạm Thị Hà là một nữ quân nhân giỏi việc nước, đảm việc nhà, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng đơn vị học tập, noi theo...".

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/co-gai-vang-cua-bo-doi-hai-quan-612116