Cô gái và vườn dưa lưới

Mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao và kết hợp làm du lịch, mỗi năm một cô gái An Giang có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Khương kiểm tra dưa lưới sắp đến kỳ thu hoạch - Ảnh: Duy Tân

Nguyễn Thị Mai Khương (33 tuổi, ngụ khóm Tây Khánh 6, P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, An Giang) tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thực phẩm nhưng lại đam mê ngành nông nghiệp. Sau nhiều năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, cô trở về quê phát triển kinh tế dựa trên nền nông nghiệp vốn có tại địa phương. Với mong muốn có bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp cũng như tạo sự khác biệt, Khương đã cất công đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh, thành lân cận. Nhận thấy cây dưa lưới được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao, cũng như tỉnh An Giang có chương trình hỗ trợ dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (hỗ trợ 30 - 50% kinh phí) nên Khương quyết tâm thực hiện ý tưởng.

Tháng 1.2018, dự án do Khương làm chủ nhiệm được triển khai với mục tiêu là sản xuất dưa lưới Taki của Nhật Bản đạt năng suất 3.200 kg/vụ/1.000 m2; quy trình sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP...

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 540 triệu đồng, trong đó Sở KH-CN tỉnh An Giang hỗ trợ 237 triệu đồng (30%), UBND TP.Long Xuyên hỗ trợ 100 triệu đồng (20%), phần còn lại là vốn của gia đình Khương.

Khương cho biết thời gian đầu công việc chưa vào guồng nên hơi vất vả. Hơn nữa, kinh nghiệm chưa nhiều nên phải mày mò học hỏi, tích lũy kiến thức qua sách báo và tìm địa chỉ đáng tin cậy để được chuyển giao kỹ thuật. Với diện tích 1.000 m2 nhà lưới trồng dưa, vụ đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, Khương tiếp tục trồng vụ 2 giống dưa lưới nhập từ Nhật Bản với trên 2.600 cây dưa lưới Taki và đạt hiệu quả cao cho đến nay.

Theo Khương, do dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà màng nên hạn chế được tối đa sâu bệnh tấn công, dưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Dưa lưới được trồng trong các giá thể là xơ dừa, được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh nấm bệnh. Một đặc điểm nữa là do trồng trong nhà màng nên khi dưa ra hoa phải trực tiếp thụ phấn cho dưa, thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để vườn thông thoáng, tránh dịch bệnh và cây tập trung dinh dưỡng vào để nuôi trái. Mô hình sản xuất trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình VietGAP, có thể sản xuất 4 vụ/năm. Với diện tích 1.000 m2 nhà lưới và gieo trồng 2.200 gốc dưa, sau 80 ngày trồng thì giống dưa Taki sẽ cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 3,5 tấn/vụ. Hiện sản phẩm được công ty bao tiêu thu mua sản phẩm với giá 30.000 đồng/kg.

Ngoài ra, Khương còn bán lẻ giá 55.000 đồng/kg. Thu nhập từ mỗi vụ lên đến 105 triệu đồng.

Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, có thương hiệu và trong tương lai gần có thể xuất khẩu sang thị trường ngoài nước, Khương còn đăng ký thương hiệu dưa lưới Giving's Farm với Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu tham quan vườn dưa lưới ngày một tăng cao, nhằm tăng thêm thu nhập nên Khương quyết định mở điểm tham quan du lịch để khách đến chụp ảnh, thưởng thức dưa tại chỗ. Với hiệu quả bước đầu Khương đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dưa lưới lên 2.000 m2.

Duy Tân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/co-gai-va-vuon-dua-luoi-1036082.html