Cô gái Thái giành giải Nhất nghề may quốc gia bằng năng khiếu và đam mê

Vượt qua 26 thí sinh tài năng khác tại Kỳ thi tay nghề quốc gia 2018, cô gái người dân tộc Thái – Vi Thị Diệu Vui (Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp -Thủ công nghiệp Nghệ An) đã xuất sắc giành giải Nhất nghề may.

Vi Thị Diệu Vui bên sản phẩm váy do mình may

Thành quả từ thử thách lớn

“Nhiều khi nghĩ lại em thấy vẫn như đang mơ. Vì kết quả vượt xa sự mong đợi của em”, Vi Thị Diệu Vui phấn khởi nói.

Đó là một kì thi thực sự rất hồi hộp, gay cấn và sự cạnh tranh giữa các thí sinh cao. Dù trước đó, Diệu Vui đã được cọ xát tại cuộc thi tay nghề giỏi cấp tỉnh và đạt giải nhất nhưng em vẫn có phần choáng ngợp tại vòng thi cấp quốc gia.

Cuộc thi diễn ra liên tục trong thời gian 1 tuần. Diệu Vui chia sẻ: “Các chỉ số của cuộc thi thực hiện theo chuẩn Asean, từng khâu thi được tính thời gian chặt chẽ và chấm điểm. Khác hơn so với mọi năm đề thi thường là may áo vest, thì năm nay là may váy trên chất liệu vải ren.

Cô gái Thái giành giải Nhất kỳ thi tay nghề quốc gia, được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen

“Chất liệu vải này rất khó may đẹp và là thử thách của mọi thí sinh. Bên cạnh đó, ở cuộc thi nghề, chủ đề và yêu cầu thường được thông báo trước với thí sinh và giáo viên hướng dẫn. Nhưng khi vào thi chính thức, đề thi khác khoảng 30%.

Vì thế lúc đó, em dường như quên hết mọi thứ xung quanh, cũng không để ý nhiều đến các thí sinh khác và chỉ tập trung vào sản phẩm của mình. Và cũng không còn thấy áp lực nữa, chỉ còn sự cố gắng và quyết tâm thôi”, Vui chia sẻ.

Hoàn thành sản phẩm, thí sinh phải trải qua các phần thi liên tục trong 8 tiếng, mỗi phần thi lại có rất nhiều công đoạn phụ. Đầu tiên thí sinh sẽ được cho một ma-nơ-canh với thông số body cụ thể. Thí sinh vẽ thiết kế trên giấy, chạu màu vải, đo và cắt theo tỷ lệ chính xác. Sau đó, thực hiện may, là ủi phẳng, đính thêm phụ kiện và mặc vào ma-nơ-canh.

Vi Thị Diệu Vui cho biết: “Có 7 người trong một phòng thi nhưng chỉ được có hai máy vắt sổ. Em cũng phải tính toán các phần việc của mình để khỏi bị trùng khớp thời gian sử dụng dụng cụ với các bạn khác. Trong phòng thi luôn có giám khảo quan sát theo dõi. Không khí cũng rất khẩn trương, gấp gáp”.

Sau khi hoàn thành bài thi, Diệu Vui chỉ biết là đã làm hết sức mình không còn điều gì băn khoăn, hối tiếc. “Nhưng khi cô giáo hướng dẫn thông báo đạt giải Nhất, em vô cùng bất ngờ. Em chỉ biết cảm ơn các cô, cảm ơn nhà trường đã giúp em đạt được thành quả đó”.

Mong muốn làm đẹp cho mọi người của cô gái Thái

Diệu Vui cùng 2 cô giáo hướng dẫn

Nhiều năm đưa học sinh các ngành dự thi tay nghề quốc gia, nhưng đây cũng là năm đầu tiên Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An có giải Nhất.

Nói về Diệu Vui, cô Nguyễn Thị Như Trang, Phó Khoa May - Thiết kế thời trang, người trực tiếp hướng dẫn cho Diệu Vui tỏ niềm tự hào: “Giành giải Nhất trước hết là nhờ năng khiếu, đam mê và nỗ lực của bản thân em Diệu Vui. Em là một người rất ngoan, chăm chỉ, chịu khó học hỏi tiếp thu những ý kiến đóng góp của thầy cô, mọi người để nâng cao hơn nữa kỹ năng của mình”.

Cô Trang cũng chia sẻ: Thành công của em Vui có được, cũng là nhờ sự quan tâm của nhà trường. Trường rất quan tâm, hỗ trợ cho thí sinh, giáo viên tham gia cuộc thi tay nghề quốc gia. Kết quả này còn là sự kế thừa tâm huyết, kinh nghiệm của nhiều thế hệ thầy cô trước đó. Qua mỗi lần đưa học sinh đi thi, lại có thêm những bài học quý giá về chuẩn bị, hướng dẫn các em đạt được kết quả cao nhất có thể.

Tâm sự về cơ duyên đến với nghề may, Diệu Vui kể: “Thời điểm học lớp 12, em chưa biết mình nên học ngành gì. Học đại học thì chi phí lớn, nên em nghĩ đến việc học nghề, có thể sớm đi làm đỡ gánh nặng cho bố mẹ”.

Cô gái sinh ra từ một bản làng người Thái, huyện miền nùi Quỳ Hợp, Nghệ An. Từ nhỏ, em nhìn thấy bà, mẹ và những người phụ nữ khác trong bản dệt may váy truyền thống, thêu khăn, túi, gối… Lớn lên, em cũng được kế thừa sự khéo tay và quyết định học nghề may vì “Nghĩ đơn giản rằng bà, mẹ làm được thì mình cũng học được. Sau khi ra trường em có thể đi làm ở các công ty, xí nghiệp may”, Vui nói.

Nhưng càng học, với sự chỉ bảo của các cô, càng nuôi lớn đam mê trong cô gái nhỏ. Vui mong muốn sẽ tiến xa hơn trong nghề: “Em thích thiết kế, vẽ các mẫu mới, và làm ra những sản làm đẹp cho mọi người”.

Trước mắt, Vui cùng cô Nguyễn Thị Như Trang sẽ tiếp tục rèn luyện, ra Hà Nội để các chuyên gia ngành may mặc đào tạo, chuẩn bị dự thi Tay nghề Asean được tổ chức tại Thái Lan vào đầu tháng 9/2018.

Hồ Lài

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/co-gai-thai-gianh-giai-nhat-nghe-may-quoc-gia-bang-nang-khieu-va-dam-me-3934645-c.html