Cô gái Tày đánh thức tiềm năng du lịch quê hương

Ở độ tuổi đôi mươi, Hoàng Thị Xới, cô gái Tày đến từ bản Tông Cại (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đầy nhiệt huyết với những dự định về quê mở homestay, làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế, giúp bản nhỏ được kết nối với thế giới.

Hoàng Thị Xới (Thứ 2 từ trái sang) tạo dáng cùng du khách.

Hoàng Thị Xới (Thứ 2 từ trái sang) tạo dáng cùng du khách.

Hành trình “Đi để trở về”

Trước khi về biến ngôi nhà của mình trở thành điểm du lịch cộng đồng mang tên Xôi Farmstay, Hoàng Thị Xới chỉ có vài năm kinh nghiệm trong ngành du lịch làm “vốn dắt lưng”. Bước ngoặt để cô gái quê Yên Bái trở về khởi nghiệp tại quê nhà bắt đầu bằng một hành trình dài sau khi nghỉ việc.

Làm cho một công ty du lịch hơn một năm sau khi ra trường, Hoàng Thị Xới quyết định nghỉ việc và cho phép mình xả hơi bằng chuyến du lịch dọc theo sông Mekong. “Mùng 6 Tết âm lịch năm 2016, tôi bắt đầu hành trình đi một mình từ Lào, Thái Lan, qua Campuchia trong hơn 20 ngày. Tới gần ngày về thì tôi mất gần như hết tiền. Tôi phải xin vào một ngôi chùa ở Siem Riep (Campuchia) để quét dọn, làm công quả và xin cơm. Đêm đó, buồn chán và tủi thân khi ở đất khách quê người, tôi bật khóc và nhớ về gia đình. Khi ấy, tôi muốn mình phải làm một cái gì đó chứ không thể để tuổi trẻ của mình là những tháng ngày vô định như vậy được. Phải làm gì cho mình, cho gia đình, cho quê hương mình”.

Ý tưởng phát triển cộng đồng tại Lâm Thượng được Hoàng Thị Xới ấp ủ từ đó. Trực giác của mình cùng với kinh nghiệm làm du lịch khiến cô tin tưởng vào việc tiếp cận thị trường khách muốn khám phá cuộc sống chân thực của người dân Việt Nam. Họ thường chọn nghỉ trong những homestay, gần gũi để trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng người dân. Khi đó, Xới nghĩ tới tiềm năng của quê hương mình. Bản Tông Cại, nơi có gia đình của Xới nằm giữa lòng thung lũng thanh bình. Hầu hết dân bản là người dân tộc Tày, với truyền thống, tập tục vẫn được gìn giữ qua bao đời, kể cả nếp nhà sàn hay lời ăn tiếng nói.

Hoàng Thị Xới dẫn khách du lịch thăm quê hương.

Nhưng để có thể biến ước mơ thành hiện thực, Hoàng Thị Xới cũng phải mất thêm gần 1,5 năm, làm nhiều nghề để có tiền, có kinh nghiệm để tự kinh doanh. May mắn với Xới là có hậu phương vô cùng vững chắc – là bố mẹ và em trai. Bố mẹ đồng ý tu sửa lại nhà cửa, cùng giúp đón khách và phục vụ khách. Tu sửa để đảm bảo tiện nghi cho khách, còn căn nhà vẫn giữ những không gian truyền thống như nhà sàn, gian bếp… để mình thấy thân quen còn khách có thể thấy ở đây là một bảo tàng sống, một không gian sống động thực sự của gia đình mình.

“Xôi Farmstay là một nơi dành cho những vị khách yêu trải nghiệm và khám phá, du khách đến đây có thể tham gia những hoạt động leo núi, đạp xe, trồng cây, làm vườn, câu cá, thăm nhà sàn cổ, học dệt thổ cẩm và tìm hiểu về văn hóa người Tày...”, đó là lời đầu tiên Hoàng Thị Xới giới thiệu cho những du khách về quê hương mình. Xôi Farmstay đón khách từ cuối thu năm 2017. Tết năm 2018 là cái Tết đáng nhớ nhất với gia đình Xới, bởi ngoài bốn thành viên trong nhà thì còn có thêm những người khách nước ngoài tới lưu trú và đón năm mới cùng gia đình.

Giúp cho cộng đồng

Ý tưởng làm du lịch cộng đồng của Hoàng Thị Xới không chỉ dừng lại ở ngôi nhà mình mà đã gắn với cuộc sống, sinh hoạt của bà con nơi đây. Mảnh đất Lâm Thượng giống như vùng đất mới với nhiều khách du lịch. Đặt chân tới đây, những thành viên trong gia đình Hoàng Thị Xới trở thành những hướng dẫn viên, dẫn khách đi tắm suối thác Nặm Chắn, thác Nà Kèn, khám phá hang Bản Khéo, leo núi Khau Chảu hay đạp xe quanh các bản làng bình yên với những ngôi nhà sàn truyền thống, học cách nhuộm chàm và dệt vải... Cùng với đó là những trải nghiệm gắn với xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm thủ công truyền thống như đồ thổ cẩm, mở lớp dạy nhuộm chàm làm quần áo người Tày, bán các loại đồ đan lát, cốc tre…

Hoàng Thị Xới (bên phải) chụp ảnh cùng người thân trong nhà sàn truyền thống.

Mỗi gia đình ở đây cũng sẽ hoàn toàn có thể làm du lịch theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp, để cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ du khách hoặc để họ được tham gia trải nghiệm ra vườn hái rau, lội ao bắt cá, ra đồng gặt lúa, đào khoai…

Bản Tông Cại nằm giữa thung lung thanh bình.

Đến nay, sau một năm vận hành, Xôi Farmstay đã đón 200 lượt khách về lưu trú, nghỉ ngơi và khám phá quê hương mình. Trong đó có nhiều khách du lịch quốc tế đã rất thích thú với làng bản, với những nếp nhà sàn truyền thống, cảnh sắc thanh bình, người dân thân thiện nơi đây. Xới tìm những làng nghề trong vùng để kết nối với du khách, động viên những người bạn cùng trang lứa đam mê nghề thổ cẩm truyền thống khôi phục lại nghề đang dần mai một. Tối nào có khách, đội văn nghệ của bà con bản Kéo cũng qua biểu diễn văn nghệ. Những điệu múa truyền thống như hát sli, hát lượn, cùng trong mặc trang phục của người Tày hấp dẫn du khách. Cô còn tổ chức các chương trình du lịch thiện nguyện cho các tình nguyện viên nước ngoài để lên dạy tiếng Anh cho trẻ em, gieo ước mơ được khám phá những chân trời mới cho thế hệ tương lai của quê hương. Hoàng Thị Xới chân thành bày tỏ: “Tôi mong muốn kết nối những bản làng xa xôi, những homestay đến với khách. Vì như thế mình vừa có công việc, vừa có thu nhập và giúp cho những người dân nơi ấy tìm được nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Còn những người khách du lịch thì tìm được niềm vui nơi đất khách”.

Từ Giang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/co-gai-tay-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-que-huong-67717